Một trong những dòng chảy quan trọng nhất về phương pháp luận nghiên cứu đó là xu hướng phát triển các nghiên cứu đa ngành (Multi disciplinary), liên ngành (Inter Disciplinary) và gần đây nhất là xuyên ngành (Trans Disciplinary). Về tổng quan, có thể phân biệt ba loại hình nghiên cứu theo diễn giải sau:
Đa ngành: tập hợp các nhà khoa học từ các chuyên ngành khác nhau để nghiên cứu một vấn đề thực tiễn xã hội. Mỗi một ngành sẽ giải quyết khía cạnh thực tiễn theo cách tiếp cận và luận giải của ngành mình. Tuy nhiên, mặc dù quá trình nghiên cứu có thể tiến hành cùng nhau, nhưng kết luận nghiên cứu tại tập trung trong chuyên môn hẹp mà không tác động qua lại với nhau.
Liên ngành: ở một nấc thang khác, nghiên cứu liên ngành vượt qua sự chia cắt cục bộ của các chuyên ngành cụ thể để hướng đến kết quả nghiên cứu mang tính tổng - tích hợp giữa các ngành.
Xuyên ngành: được đặt ra khi nhà nghiên cứu thấy không chắc chắn đối với tri thức vốn có về sự kiện, tiến trình xã hội mới, khi bản chất cụ thể của vấn đề mới mang tính tranh luận mạnh mẽ, và khi có nhiều chủ thể, đối tác (đặc biệt là chủ thể thực tiễn) đặt ra các yêu cầu khác nhau đối với sự kiện, tiến trình xã hội mới.
Hướng tiếp cận đa - liên - xuyên ngành khoa học là cách tiếp cận theo các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Thực tiễn cho thấy, hướng tiếp cận đa - liên - xuyên ngành khoa học trong phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta sẽ tận dụng được một số ưu thế.
Một là, tận dụng tối đa sức mạnh, vai trò của công nghệ được ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Những công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch ở nước ta hiện nay là trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain. AI giúp giảm gánh nặng công việc của đội ngũ y tế bằng cách hỗ trợ chuẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa. Robot AI giúp dọn dẹp khu cách ly, camera AI phát hiện người có thân nhiệt cao, không đeo khẩu trang, không giãn cách đúng quy định... Mặc dù khoa học tự nhiên và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu kiểm soát dịch bệnh (xét nghiệm, vaccine, điều trị bệnh…) nhưng việc ứng dụng như thế nào, theo từng giai đoạn, điều kiện cụ thể thì lại phụ thuộc rất nhiều vào những gợi ý từ khoa học xã hội - nhân văn, khoa học lý luận chính trị.
Việc thực hiện biện pháp thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, biện pháp 5K (và hiện nay Bộ Y tế đang khuyến nghị là thêm 5T), tiêm chủng vaccine…thì hầu như nước nào trên thế giới cũng đã và đang làm. Tuy nhiên, mức độ thực hiện, phương thức thực hiện; kết quả thực hiện và hệ quả tác động xã hội lại rất khác nhau, vì nó liên quan đến tình hình dịch bệnh, mô hình văn hóa, mô hình cư trú, mô hình sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và an ninh trật tự xã hội… Do đó, từ hướng tiếp cận - đa - liên xuyên ngành và thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam là cần xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu lớn trên nhiều khía cạnh khác nhau để có thể đóng góp nhiều hơn cho Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống dịch bệnh COVID-19, cơ quan chức năng, các địa phương ra quyết định kịp thời, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, làm rõ sự vận hành của toàn bộ xã hội, từng nhóm xã hội có khả năng chịu giãn cách xã hội trong bao lâu và giảm thiểu tối đa các “tác dụng phụ”.
Khoa học tâm lý học cho rằng, thực hiện cách ly, phong tỏa và giãn cách xã hội diện rộng đang và sẽ tác động đến vấn đề tâm lý và tinh thần của những cá nhân chịu sự tác động. Nếu như các bác sỹ cho rằng, giãn cách xã hội là chiến thuật để ngăn chặn dịch COVID-19 thì các nhà xã hội học cho rằng, phong tỏa là cần thiết nhằm chặn đứng COVID-19 nhưng cũng làm tăng lên bất bình đẳng xã hội giữa các tầng lớp xã hội. Vì vậy, cần phải phân tích được sự tiếp nhận, phản ứng và hệ quả của các phản ứng đối với chính sách phòng, chống COVID-19 của Việt Nam ở trong các nhóm, cộng đồng xã hội. Từ góc độ kinh tế học,sẽ có nhiều quan ngại về việc đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa dịch vụ. Từ góc độ chính sách xã hội và an sinh xã hội,cho thấy những nan giải khi nhiều người dân không có tích lũy, mất việc làm không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội. Từ góc độ tiếp cận quyền con người, giãn cách xã hội không thể không quan tâm đến việc thực hiện việc hạn chế quyền tự do cá nhân vì lợi ích của cộng đồng...
Từ hướng tiếp cận đa - liên - xuyên ngành khoa học, cung cấp các tham vấn kịp thời dựa trên bằng chứng khoa học cho các cơ quan chức năng và nhà lãnh đạo nắm bắt để ban hành những quyết địnhphù hợp nhất.
Ba là, để ứng phó với dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta có những quyết sách kịp thời, mạnh mẽ trong việc gắn trách nhiệm cho các địa phương và lãnh đạo địa phương. Theo hướng tiếp cận đa - liên - xuyên ngành, yêu cầu đặt ra đối với hoạt động truyền thông trong bối cảnh hiện nay là tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và có cam kết hành động. Những kết quả đạt được hay chưa thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 ở một địa phương hay cả đất nước đều có phần trách nhiệm chung của cộng đồng ở địa phương hoặc toàn bộ xã hội. Ví dụ, để các gói hỗ trợ an sinh xã hội tới được nhanh nhất, nhiều nhất, tác động tích cực nhất đối với các nhóm xã hội thụ hưởng, một giải pháp có tính cốt lõi nhất là các thủ tục thực hiện phải đơn giản nhất có thể. Như vậy, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và trách nhiệm xã hội của chính người nhận hỗ trợ.
Bốn là, làm rõ hơn điểm giới hạn giữa tính tích cực, chủ động và trách nhiệm trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với vấn đề kỳ thị, định kiến, thiếu sự tin tưởng, đổ lỗi trách nhiệm… trước những vấn đề liên quan đến phòng, chống COVID-19. Chính phủ đề nghị mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch, nhưng không có nghĩa là đồng tình, khuyến khích đối với các hành vi cực đoạn, kỳ thị, định kiến, hoảng hốt… trong cộng đồng để ứng phó với dịch bệnh. Bởi vì, những hành vi này không những không làm cho bệnh dịch suy giảm mà còn có thể làm trầm trọng và phức tạp thêm những hệ lụy xã hội do dịch bệnhgây ra. Những hành vi không tuân thủ giãn cách xã hội, không thực hiện 5K, không tiêm vaccine… của bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào đó đều phải chịu sự điều chỉnh bởi các quy định hiện hành; nhưng việc đưa các thông tin, hình ảnh cá nhân đời tư và bêu riếu họ trên mạng xã hội bằng những lời lẽ lăng mạlà hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Mỗi cá nhân có quyền và nghĩa vụ bày tỏ sự bất bình, lên án cái xấu, nhưng không có nghĩa là có quyền tự cho mình làm quan tòa áp đặt tội lỗi và hình phạt lên người khác. Trước tác động của tin giả,không ít người chịu ảnh hưởng của hiệu ứng “tâm lý đám đông” đã thể hiện sự định kiến, kỳ thị đối với những trường hợp là F0, F1, F2… trong cộng đồng. Định kiến này có thể đến từ tin giả trên truyền thông xã hội; từ sự thiếu tư duy, kỹ năng và trách nhiệm xã hội trước các phát ngôn và hành vi của bản thân; sự thiếu hụt những yêu cầu cơ bản của xã hội đối với công dân để thích ứng với bối cảnh mới trong phát triển xã hội có thể xảy ra nhiều bất định, rủi ro...
Trong điều kiện hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 cần chủ động các nguồn lực, chính sách và con người để kiểm soát từng bước dịch bệnh và giảm tối đa những hệ lụy xã hội, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Do đó, một trong những vấn đề cốt lõi cần phải đảm bảo, đó chính là tính đồng bộ, liên thông và kết nối các chiều cạnh khoa học với thực tiễn vốn hết sức đa dạng, phức tạp và sinh động nhằm tạo nên sức mạnh, sự bền vững của các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Vì vậy, cần thống nhất tư tưởng và hành động trong hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội về “dĩ bất bất biến, ứng vạn biến” trong mỗi thời điểm dịch bệnh và ở từng địa phương, tỉnh, thành, vùng, miền…nhằm ứng phó với đại dịch kịp thời, hiệu quả. |
Năm là, gợi ý những biện pháp và năng lực tốt hơn để phòng, chống dịch COVID-19 và đạt mục tiêu giảm thiểu tác hại như mong muốn nhất có thể vànhìn nhận rõ hơn ở khía cạnh tích cực của nó.
Đại dịch COVID-19 làm cho con người quay trở lại với năng lực kỹ năng về sự bình thản, sống chậm lại, sống có chiều sâu hơn; thích ứng với cuộc sống khi gặp khó khăn để trân quý và chuyển đổi nhận thức, hành vi về lối sống tiết kiệm, trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, vì người khác. Những bài học đã được đúc kết qua các câu ca dao, tục ngữ như: “Tích cốc phòng cơ, cư an tư nguy”, “Liệu cơm gắp mắm”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”… hay việc học “văn hóa xếp hàng”, học cách hòa hợp với các thành viên trong gia đình khi ở gần nhau quá nhiều; học cách tự sống ổn một mình, học cách sống cô đơn; học cách thử thách sức chịu đựng của bản thân”… là điều rất cơ bản và quan trọng mà mỗi người cần học để có thể tự “thiết lập một trật tự mới” cho chính mình - nhằm vượt qua khủng hoảng.
Sáu là, có tư duy lắng nghe và hợp tác giữa chủ thể ra quyết định và chủ thể thực thi quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Chủ thể ra quyết định cần lên kế hoạch thực thi trong phạm vi thẩm quyền của mình, nếu có sự tham gia lấy ý kiến từ lực lượng triển khai và bị tác động thì càng tốt (thông qua ứng dụng công nghệ thông tin). Một trong những mục tiêu cần lưu ý là đảm bảo hoạt động liên tục cho người dân duy trì nhu cầu sinh hoạt cơ bản, tạo nên sự đồng thuận xã hội và khả năng giám sát quá trình làm việc của lực lượng thực thi.
Do đó, trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, một yêu cầu có tính quyết định là đội ngũ cán bộ và lực lượng thực thi công vụ cần chủ động trang bị đủ kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống, hoặc thông qua việc tập huấn thực thi chính sách và quy định để đảm bảo các ứng xử trong thực tiễn được thống nhất, đáp ứng mục tiêu đề ra. Các biện pháp mang tính cấm đoán hay hạn chế thường có xu hướng khá nhạy cảm; do đó, việc xây dựng sự kết nối, thực hiện “quản lý cảm xúc” giữa lực lượng quản lý và người dân nhằm thúc đẩy các hành động tập thể, tăng cường ý thức tuân thủ và đồng thuận xã hội là rất quan trọng. Đại dịch COVID-19 hiện nay được nhận định là “diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; công tác phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ...”. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
Bảy là, trong lúc chưa đủ lượng vaccine để tiêm chủng miễn dịch cho toàn cộng đồng, các địa phương kịp thời, chủ động thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa xã hội, biện pháp 5K, lựa chọn trúng nhóm đối tượng cần được tiêm chủng trước… Điều này cần phải thực hiện nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả.
Thực tiễn cho thấy, nếu thực hiện giãn cách xã hội ngay từ khi có số ca bệnh ít, thời gian kiểm soát ngắn, khối lượng áp lực phòng, chống dịch bệnh ở tuyến đầu sẽ được giảm nhẹ; trong khi đó, nếu tiến hành giãn cách xã hội không kịp thời thì tỷ lệ người bị bệnh và tử vong sẽ cao; hệ quả xã hội sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Sự quyết tâm chống dịch COVID-19 là rất lớn, nhưng chưa thể ngăn chặn dịch hoàn toàn; dịch đã bùng phát trở lại các địa phương với tính chất, mức độ khác nhau. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa… của từng địa phương không chỉ tính đến vấn đề hiệu quả trong phòng, chống dịch,đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự xã hội, sự “chịu đựng”của nền kinh tế mà còn phải tính đến việc chuẩn bị nguồn lực để ứng phó tốt hơn với làn sóng dịch tiếp theo có thể xảy ra. Từ góc độ tiếp cận đa-liên - xuyên ngành khoa học, để đảm bảo vừa thực hiện mục tiêu chống dịch COVID-19, vừa duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, đòi hỏi việc vận hành hệ thống chính sách can thiệp phải hết sức linh hoạt theo nhịp độ và diễn tiến của dịch bệnh ở từng địa bàn; tính toán thời điểm cụ để thực hiện chế độ “BẬT - TẮT” và khoanh vùng dịch theo từng khu vực, địa bàn đối với các mức độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp.
Đồng thời, rất cần có tư duy đa - liên - xuyên ngành trong việc lựa chọn nhóm xã hội được tiêm chủng trước. Do đó, các cơ quan chức năng cần tính toán, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, khía cạnh xã hội khác nhau; phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh; tính chất công việc; đặc điểm về sản xuất, mật độ dân cư và cư trú… ở từng địa phương và thời điểm khác nhau để đưa ra quyết định phân bổ vaccine và nhóm xã hội được ưu tiên. Đặc biệt, cần đảm bảo tính minh bạch, giải trình trách nhiệm nhằm tạo nên sự thuyết phục, đồng thuận và yên tâm đối của toàn bộ hệ thống xã hội về chiến lược vaccine của Việt Nam. Trên cơ sở đó,mới phát huy tối đa sự cộng hưởng lan tỏa của chiến lược tiêm chủng cho toàn dân trong điều kiện đất nước chưa chủ động được nguồn vaccine.
Lịch sử Y học và phòng, chống dịch bệnh của nhân loại cho thấy, mỗi khi đại dịch xảy ra, đã thúc đẩy những nỗ lực cao độ trong nghiên cứu khoa học để xác định bản chất y sinh hóa của quá trình lây nhiễm bệnh, phát triển các bộ kít xét nghiệm, đề xuất các biện phòng, chống trong cộng đồng; sản xuất vaccine tiêm chủng, điều chế ra thuốc đặc trị, phác đồ điều trị… Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng, đòi hỏi thời gian, trình độ phát triển về kinh tế và khoa học công nghệ. Đồng thời, đại dịch COVID-19 được chứng minh không giống như những dịch bệnh mà nhân loại đã phải trải qua. Vì vậy, cho đến nay, thế giới vẫn chưa thực sự “chế ngự” được COVID-19, chưa có loại thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh hiệu quả nào đạt hiệu quả cao như kỳ vọng của xã hội. Do đó, việc cập nhật những thông tin khoa học tổng quát về dịch COVID-19 trên cơ sở gắn kết đa - liên - xuyên ngành của nhiều khoa học khác nhau để gia tăng sự hiểu biết và đề xuất các biện pháp can thiệp “làm chậm” tốc độ lây nhiễm và giảm thiểu sự tàn phá của dịch bệnh COVID-19 là điều rất cần thiết để chiến thắng đại dịch với thời gian nhanh nhất và ít tổn thất nhất.
Hiện nay, chiến lược mới đã được đưa ra là “thích ứng an toàn với COVID-19,thích ứng với trạng thái bình thường mới” và chiến lược này cần phải được thẩm thấu trong toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội. Quan sát phản ứng của các nhóm, tổ chức, giai tầng xã hội cho thấy, đa số người dân tin tưởng, chấp hành vào chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19; nhưng vẫn có một số những ý kiến thể hiện sự không hài lòng, hoài nghi hoặc cảm thấy phiền hà với những chính sách này. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng, việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 không thể chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước, mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của từng cá nhân, cộng đồng, tổ chức và toàn bộ xã hội. Thay vì buông xuôi và coi dịch bệnh là hệ quả “không tránh khỏi”, “có nguồn gốc từ tự nhiên”, cần đầu tư vào nâng cao năng lực ứng phó và phòng, tránh dịch bệnh cho từng thành viên cộng đồng. Theo thống kê sơ bộ cho thấy, đa số người dân đồng thuận với chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước ta; đây là điều mà chính phủ các nước khác trên thế giới không thể có được khi so sánh với Việt Nam. |
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Năm 2020 đã trở thành một mốc lịch sử khi toàn thế giới phải chống chọi với đại dịch COVID-19, một thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Đại dịch này làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội toàn cầu và “đảo ngược tiến độ phát triển của thế giới tới hàng chục năm”. Cuộc chiến của các nước chống đại dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề đối với đời sống cá nhân, cộng đồng, quốc gia, quốc tế trên các phương diện kinh tế, xã hội, chính trị và quan hệ quốc tế... Toàn thể nhân loại trên thế giới đang gồng hết sức mình để ngăn chặn đại dịch, huy động toàn bộ sức mạnh của xã hội: y tế, kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng… và nhất là sức mạnh của các khoa học - công nghệ trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm từng bước khống chế và chiến thắng dịch COVID-19.
Mục tiêu được đặt ra vì một đất nước Việt Nam giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong và những thiệt hại về kinh tế, các hệ quả xã hội ở mức thấp nhất vì ảnh hưởng của dịch COVID-19là có thể đạt được. Dịch bệnh là một dạng khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng mà không một thể chế chính trị, nhà nước, chính quyền nào, dù mạnh mẽ, hiệu quả đến đâu cũng có thể dễ dàng xử lý nếu thiếu sự chủ động, nỗ lực, tự giác đóng góp chung của từng thành viên trong xã hội. Do đó, quan điểm quy giản trách nhiệm xử lý dịch bệnh là của một chủ thể, tổ chức, cơ quan chức năng hay cá nhân nào đó đều là không thỏa đáng. Do đó, trong mỗi thành công hoặc chưa thành công trong phòng, chống dịch COVID-19, đều có vai trò hoặc trách nhiệm mang tính tự giác của tất cả các chủ thể trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc. Ảnh: TTXVN
Góc độ tiếp cận đa - liên - xuyên ngành khoa học sẽ giúp hiểu rõ, kịp thời mọi khía cạnh của dịch bệnh. Trên cơ sở đó, có phương thức ứng phó kịp thời, phù hợp, hiệu quả với dịch COVID-19. Do đó, cần phải mở rộng, kết nối các sự hiểu biết của các khoa học mà xã hội đã đạt được (khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học lý luận chính trị) thì mới hiểu và ứng phó có hiệu quả với phần nào về dịch COVID-19. Việt Nam đã, đang và sẽ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống xã hội; đã triển khai thành công không ít các tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình phòng, chống dịch bệnh; nhưng có lẽ chúng ta vẫn còn thiếu ở phương pháp và tư duy gắn kết, tiếp cận đa - liên-xuyên ngành khoa học trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tiếp cận gắn kết và đa - liên - xuyên ngành khoa học trong phòng, chống dịch COVID-19 không chỉ là các loại vaccine đặc trị COVID-19, mà còn đòi hỏi sự đồng bộ bởi sự tương hỗ của các loại vaccine trên các phương diện khác của xã hội: “vaccine tinh thần, vaccine trách nhiệm xã hội, vaccine tương thân tương ái, vaccine an sinh xã hội, vaccine an ninh xã hội, vaccine chống kỳ thị và hoảng loạn xã hội, vaccine chống bệnh thành tích, chủ quan nóng vội, vaccine phục hồi và phát triển kinh tế”… Từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay ở Việt Nam có thể khẳng định, việc tăng cường đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh là hết sức cấp thiết; góp phần chủ động, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, khống chế và đẩy lùi dịch các dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra. Cần nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá, vượt trội để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh. Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, không thể chỉ bó hẹp trong một số lĩnh vực khoa học - công nghệ truyền thống mà cần phải mở rộng tối đa, tiếp cận theo hướng gắn kết, đa - liên - xuyên ngành khoa học. Phòng, chống dịch bệnh thành công trong bối cảnh hiện nay chính là xây dựng và phát triển “sức đề kháng của toàn bộ hệ thống xã hội” trước bệnh dịch; không chỉ là vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn cần quan tâm tới các yếu tố như: cư trú, giao tiếp văn hóa, sản xuất kinh doanh-cung ứng hàng hóa dịch vụ...
Trong điều kiện dự báo đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể kéo dài, do đó cần thống nhất ở từ Ban Chỉ đạo Phòng chống COVID-19 Trung ương và đến các tỉnh/thành và bộ, ngành cần quan tâm thành lập Tổ tư vấn chính sách/giải pháp phòng, chống COVID-19, mà thành phần tham gia và phương pháp thực hiện cần đảm bảo nhiều yếu tố theo quy định, trong đó không thể bỏ qua tiếp cận theo hướng tăng cường gắn kết, đa - liên - xuyên ngành khoa học. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc; bám sát tình hình, chủ động xây dựng giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Đồng thời, tạo dựng điều kiện để guồng máy nền kinh tế - xã hội của đất nước chủ động thích nghi nhanh, ứng phó hiệu quả với mọi tình huống do tác động của đại dịch gây ra, không để bị động bất ngờ dẫn đến xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội.
Nguồn: https://tuyengiao.vn