KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/09/2022 - Lượt xem: 135
Phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế

Xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh đã và đang mở ra nhiều cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào các thị trường tiềm năng trên thế giới, đưa nước ta trở thành điểm sáng trong nền kinh tế quốc tế. Song, khi "sân chơi" càng lớn thì rủi ro đi kèm càng nhiều.

Bốc xếp công-ten-nơ hàng hóa xuất khẩu lên tàu chở hàng tại Cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MINH DŨNG)
Nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo, còn thiếu kiến thức, thông tin về đối tác, đặt niềm tin quá lớn vào môi giới xuất khẩu,... Để từ đó chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín doanh nghiệp Việt Nam vì vướng phải lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế.
52% doanh nghiệp từng bị lừa đảo thương mại
Vụ việc lô hàng gần 100 container hạt điều của 5 doanh nghiệp Việt Nam với trị giá hàng chục triệu USD được xuất khẩu sang Italia hồi tháng 3 vừa qua thông qua môi giới của Công ty Kim Hạnh Việt "suýt" bị mất trắng đã đặt ra một bài học kinh nghiệm to lớn cho các doanh nghiệp khi tham gia ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác nước ngoài.
Ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu lô hàng hạt điều thông qua một công ty môi giới, sau khi hàng đã xuất đi, các doanh nghiệp này mới bắt đầu phát hiện số container kia đã bị mất kiểm soát và có dấu hiệu bị người mua lừa đảo khi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam lại bị gửi đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Kiểm tra thấy hàng đã đến Italia, dù chưa nhận được tiền nhưng bằng một cách nào đó, người mua đã lấy được toàn bộ chứng từ gốc của số hàng hóa nêu trên nhưng chưa thanh toán tiền hàng. May mắn trong sự việc này các doanh nghiệp Việt Nam đã không mất một container nào vào tay những kẻ lừa đảo vì kiên trì đấu tranh cùng sự can thiệp kịp thời, vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại thì toàn bộ số hàng đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam sau gần nửa năm bị tạm giữ để giải quyết.
Sự việc nêu trên không phải duy nhất, bởi các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa, đối phó cho nên rất dễ vướng vào các lừa đảo, tranh chấp thương mại quốc tế.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu vì lừa đảo. Trung bình một vụ lừa đảo có trị giá khoảng 1,7 triệu USD. Năm 2018 có 49% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế, đến năm 2020 là 47% và năm 2022 là 46%. Về phân loại lừa đảo, có 43% từ bên ngoài, 31% từ nội bộ, 26% thông đồng giữa trong và ngoài doanh nghiệp.
Còn theo khảo sát của Công ty kiểm toán PwC Việt Nam, 52% số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, đã từng được trải nghiệm bị lừa đảo quốc tế. Con số này cao hơn mức 46% chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Điều này cho thấy sự thiệt hại qua mỗi vụ lừa đảo là không nhỏ, để hạn chế những rủi ro trong thương mại quốc tế, việc thay đổi các phương thức giao dịch, sử dụng những biện pháp phòng ngừa là yêu cầu được đặt ra.
Doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo và thường vướng vào các lừa đảo và tranh chấp vì không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác; lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp; bị đối tác nước ngoài cài cắm những điều khoản hợp đồng bất lợi mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm để phát hiện ra.
(Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn)

Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo và thường vướng vào các lừa đảo và tranh chấp vì không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác; lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp; bị đối tác nước ngoài cài cắm những điều khoản hợp đồng bất lợi mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm để phát hiện ra.

Khi hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Thế nhưng, không nhiều doanh nghiệp muốn báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước biết thông tin, sự vụ mà mình bị lừa đảo. Nguyên nhân do họ không tin tưởng vào năng lực chuyên môn cơ quan nhà nước, lo ngại thông tin bị lộ lọt. Do đó, để khắc phục tình trạng này, trước tiên doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình để có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt.
Bên cạnh đó, phải có mạng lưới thông tin chính xác, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý nhằm hỗ trợ các hoạt động giao dịch quốc tế được bảo đảm an toàn hơn.
Cẩn trọng thanh toán quốc tế
Có thể thấy, trong các hoạt động thương mại quốc tế, các doanh nghiệp của chúng ta đã quá tin tưởng vào người môi giới, sử dụng hợp đồng do môi giới soạn thảo rất đơn giản nên thường thiếu nhiều điều khoản quan trọng, thậm chí bỏ qua các khâu kiểm tra thông tin, năng lực của đối tác.
Trong vụ container hạt điều vừa qua, khi thương vụ Việt Nam tại Italia hỗ trợ doanh nghiệp đi kiểm tra, hầu hết công ty nhập khẩu hạt điều của Việt Nam đều có địa chỉ là nhà dân thường, ở vùng sâu vùng xa, không hoạt động, thậm chí có công ty là ngôi nhà bỏ hoang giữa cánh đồng.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng không đủ nhạy bén để nhận biết rủi do, quá tin vào môi giới, vì trên thực tế, từ trước đến nay Italia vốn là thị trường mua hạt điều rất ít, nay có hợp đồng lớn đột ngột, giao dịch trong thời gian ngắn mà không thấy đó là điều bất thường, vì như thị trường Italia không thể trong một thời gian ngắn tiêu thụ đến gần 100 container hạt điều, nên cũng cần có sự phân tích để tránh rủi ro có thể xảy đến.
Trong vụ container hạt điều vừa qua, khi thương vụ Việt Nam tại Italia hỗ trợ doanh nghiệp đi kiểm tra, hầu hết công ty nhập khẩu hạt điều của Việt Nam đều có địa chỉ là nhà dân thường, ở vùng sâu vùng xa, không hoạt động, thậm chí có công ty là ngôi nhà bỏ hoang giữa cánh đồng.
Một sơ hở lớn nữa trong vụ việc vừa qua là doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho người mua mã vận chuyển toàn cầu gửi chứng từ đến ngân hàng nước ngoài. Với mã này, kẻ gian có thể theo dõi hành trình, can thiệp và đánh tráo, đánh cắp chứng từ ở một khâu nào đó.
Theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, hiện trong thương mại quốc tế, có 3 phương thức thanh toán phổ biến là thanh toán bằng điện chuyển tiền (T/T) thường dùng cho khách hàng mới; thanh toán bằng nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết và phương thức thư tín dụng (L/C) sử dụng cho hợp đồng trị giá lớn. Trong đó L/C là phương thức thanh toán an toàn nhất cho người bán do có bảo đảm thanh toán từ ngân hàng dựa trên một chứng từ của bên thứ ba tại nước người mua. Hợp đồng L/C quy định trong bộ chứng từ phải xuất trình có chứng từ do người mua phát hành và có những quy định về vận đơn để làm giảm khả năng kiểm soát hàng hóa của người bán. Do đó, doanh nghiệp nên sử dụng phương thức thanh toán L/C và có thể yêu cầu mã vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Nếu ai có mã vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng cũng chưa thể nhận được hàng.
Ngoài ra cũng có các phương thức phòng ngừa rủi ro khác bao gồm mua bảo hiểm thanh toán, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật, mua thông tin từ các trang thông tin uy tín để xác minh độ tin cậy của đối tác,...
Các chuyên gia kinh tế dự báo trong thời gian tới, rủi ro trong lừa đảo thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng, để chuẩn bị ứng phó, trước hết tự doanh nghiệp phải hoàn thiện mình, trau dồi kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó các lừa đảo và tranh chấp; làm quen với văn hóa kinh doanh của từng nước, đối tác cũng như tìm hiểu về các hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp của nước mà mình có quan hệ kinh tế. Thậm chí, phải sử dụng thường xuyên hơn những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại.
Cùng với đó, vai trò của các doanh nghiệp logistics cũng rất quan trọng vì họ không chỉ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các thủ tục đưa hàng hóa đến tay người bán, người mua mà còn đóng vai trò như một chiếc "van" an toàn. Theo đó, nếu người mua yêu cầu vận đơn đích danh, khi xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng vận đơn chủ và vận đơn thứ cấp. Vận đơn chủ được gửi cho đại lý của doanh nghiệp logistics còn vận đơn thứ cấp gửi cho ngân hàng người mua.
Chỉ khi thanh toán tiền cho ngân hàng, người mua mới nhận được vận đơn thứ cấp, đại lý của doanh nghiệp logistics sẽ dùng vận đơn chủ để nhận hàng từ hãng tàu và sau đó giao cho người mua. Như vậy, nếu người mua hay ai đó chỉ có trong tay một bộ vận đơn đều không thể trực tiếp nhận hàng từ hãng tàu.
Các doanh nghiệp cần nắm vững nguyên tắc rằng, trong làm ăn, ngoài lợi nhuận cần tính kỹ đến rủi ro. Và để hạn chế rủi ro, hành trang mà các doanh nghiệp cần trang bị khi bước vào tiến trình hội nhập là hết sức quan trọng để bảo đảm an toàn, uy tín trong giao dịch thương mại kinh tế quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan