Hiện nay, lúa xuân tại các địa phương đang xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại, do đó, việc chủ động phòng, trừ kịp thời, hiệu quả theo hướng dẫn của ngành chuyên môn là yêu cầu rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đến năng suất, chất lượng khi thu hoạch.
Tại những cánh đồng của huyện Phù Cừ, thời điểm này đã có khoảng hơn 1/3 diện tích lúa đã trỗ bông, còn lại đang ở giai đoạn làm đòng; lúa sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng một số diện tích đã xuất hiện các bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn và sâu cuốn lá nhỏ. Chị Doãn Thị Hà ở xã Đình Cao cho biết: “Vụ xuân năm 2019, gia đình tôi gieo cấy 3 sào lúa TBR225, khi lúa trỗ khoảng 1 tuần thì phát hiện bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Qua kiểm tra, nhận thấy, các vị trí khác nhau của bông lúa có những vết màu nâu xám hơi teo thắt lại. Do phát hiện muộn và phòng, trừ không kịp thời, nên có hiện tượng gẫy cổ bông làm tỷ lệ hạt bị lửng, lép trên mỗi bông cao, năng suất giảm. Vụ này, được thông báo và hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật, khi lúa mới chớm có hiện tượng trên, tôi đã phun thuốc phòng trừ ngay”.
Qua kiểm tra của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phù Cừ, toàn huyện có 119ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, 435ha nhiễm bệnh khô vằn, 810ha bị sâu cuốn lá gây hại, trong đó có hơn 110ha bị nhiễm nặng. Những ngày qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phù Cừ đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo về diễn biến của sâu bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, phòng, trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đến ngày 5.5, nông dân trong huyện đã phòng, trừ những đối tượng gây hại nêu trên được gần 1,8 nghìn ha.
Đồng chí Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Qua điều tra tại đồng ruộng, hiện nay bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện rải rác trên một số diện tích lúa đã và đang trỗ bông và đã gây hại cục bộ trên một số ruộng lúa nếp trỗ sớm mà phòng trừ kém hiệu quả. Diện tích nhiễm 26,5ha, nông dân đã và đang phòng, trừ ở nơi có nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh cao được gần 1,5 nghìn ha. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, cơ bản nông dân các địa phương đã phòng, trừ tốt ở nơi có mật độ sâu cao; tuy nhiên, do sâu nở kéo dài và có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái nên ở một số ruộng lúa xanh tốt, ruộng bướm dồn và trên diện lúa muộn, sâu non tiếp tục nở; mật độ sâu phổ biến 7-10 con/m2, nơi cao 20-25 con/m2, cục bộ hơn 40 con/m2. Diện tích nhiễm 681ha, trong đó nhiễm nặng 16ha. Nông dân đã và đang tiếp tục phòng, trừ ở những nơi có mật độ cao được 655ha. Rầy nâu – rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ tiếp tục phát sinh chủ yếu ở một số diện tích lúa cấy sớm, những giống lúa nhiễm rầy; mật độ phổ biến 100 – 150 con/m2, nơi cao 300–500 con/m2, cục bộ có ruộng trên 1 nghìn con/m2. Diện tích nhiễm 76ha, nông dân đã phòng trừ được 22,5ha. Bệnh khô vằn tiếp tục xuất hiện và gây hại nhẹ, cục bộ ở một số ruộng lúa cấy dày, bón thừa đạm; tỷ lệ bệnh phổ biến 5 -7% số dảnh, nơi cao 10 - 15% số dảnh. Diện tích nhiễm hơn 4,4 nghìn ha; trong đó diện tích nhiễm nặng 111ha; nông dân đã phòng, trừ được gần 7 nghìn ha. Bệnh bạc lá - đốm sọc do vi khuẩn xuất hiện rải rác, diện hẹp. Ngoài ra, sâu đục thân 2 chấm, bệnh đen lép hạt xuất hiện rải rác; chuột hại nhẹ và cục bộ, chủ yếu ở khu vực ven gò, làng, khu công nghiệp, tỷ lệ hại nơi cao 1 - 3% số dảnh.
Dự báo trong thời gian tới, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng tiếp tục xâm nhiễm từ giai đoạn lúa trỗ đến khi lúa đỏ đuôi, chủ yếu trên các giống nhiễm như nhóm lúa Nếp, Q5… Nếu không thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, không kiểm tra chặt chẽ và phòng, trừ kịp thời, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ xâm nhiễm, gây hại và làm bông bạc trên nhiều diện tích lúa, làm giảm năng suất lúa ở các địa phương. Rầy nâu – rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ lứa 2 tiếp tục gây hại cục bộ trên các trà lúa; Rầy lứa 3 sẽ nở rộ khoảng từ ngày 15 đến cuối tháng 5 và sẽ gây hại trên các trà lúa từ giữa tháng 5 đến cuối vụ. Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non sẽ tiếp tục gây hại cục bộ ở một số ruộng không phòng, trừ tốt. Bệnh khô vằn tiếp tục xuất hiện và gây hại gia tăng, đặc biệt những diện tích lúa cấy dày, bón thừa đạm, ruộng lúa xanh tốt. Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn tiếp tục xuất hiện cục bộ và có khả năng gây hại gia tăng ở một số ruộng lúa bón nhiều đạm, trên các giống lúa nhiễm.
Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo phòng, trừ sinh vật hại cây trồng vụ xuân. Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh, đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và các đối tượng sâu bệnh chính như bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu – rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và một số đối tượng sâu bệnh khác hại lúa; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng, trừ kịp thời nơi có áp lực sâu, bệnh cao bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Nguồn: baohungyen.vn