Báo cáo ban đầu tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) với các biểu hiện viêm đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt... sau nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ... ảnh hưởng khả năng học tập và vui chơi của trẻ, thậm chí có thể có những hậu quả lâu dài cần tiếp tục theo dõi.
Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng của Covid-19 sẽ góp phần tạo nên một thế hệ lao động đủ sức khỏe về thể chất và tinh thần. Để đạt mục tiêu đó thì công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh.
Tiêm vaccine giúp trẻ tránh mắc bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em nhằm tăng diện bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người chung quanh, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Hiện nay đã có hàng chục quốc gia trên thế giới triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị để tiêm cho nhóm đối tượng này vào đầu tháng 4 tới đây sau khi tiếp nhận, kiểm định, đánh giá chất lượng, độ an toàn của lô khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do Chính phủ Australia viện trợ.
Được biết, việc triển khai tiêm vaccinephòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học.
Với trẻ trong độ tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp, bao gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo. Triển khai trước cho nhóm dưới 12 tuổi (học lớp 6) và hạ thấp dần độ tuổi. Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu.
Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là bảo đảm an toàn tiêm chủng. Do đó, các cán bộ y tế tham gia sẽ được tập huấn kỹ về khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine cho trẻ em. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.
Đáng chú ý, sự phối hợp của các thầy, cô giáo, cha mẹ cũng rất quan trọng. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ; đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Nhằm triển khai hiệu quả chiến dịch, Bộ Y tế vừa yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ sở giáo dục và đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi (đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp chính quyền địa phương để lập danh sách), xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vaccine; thực hiện khám sàng lọc trước tiêm và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn chuyên môn trước đó của Bộ Y tế; tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ hơn là tác hại và đang là xu hướng toàn cầu. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ trẻ, cha mẹ nên đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không được tiêm, trẻ sẽ là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất.
Các cháu được tiêm thì cộng đồng tại trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều. PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện tại, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 được đánh giá là rất tốt trong việc giảm ca bệnh nặng và tử vong.
Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng, các gia đình hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng; cho trẻ ăn uống đầy đủ; thực hiện quy định 5K tại điểm tiêm... Sau khi tiêm, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có...
Đồng thời, các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu. Trước lo lắng của nhiều cha mẹ về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài, PGS, TS Trần Minh Điển khẳng định vaccine phòng Covid-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ. Điều này đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng.