Đồng chí Hà Thị Nga: 5 năm qua, hưởng ứng các phong trào thi đua của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII phát động, các tầng lớp phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, sự năng động, sáng tạo, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể kể đến năm điểm nổi bật của phong trào phụ nữ nhiệm kỳ qua:
Một là, các tầng lớp phụ nữ ngày càng năng động, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia phát triển kinh tế, đóng góp đáng kể trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Phụ nữ cũng là lực lượng quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, chương trình quốc gia khởi nghiệp, góp phần khẳng định chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hai là, phụ nữ ngày càng ý thức được trách nhiệm và quyền công dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chủ thể, tham gia giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách, pháp luật.
Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của bản thân, đội ngũ cán bộ nữ ngày càng trưởng thành, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.
Ba là, phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt thiên chức người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, là điểm tựa tinh thần, gắn kết yêu thương và chia sẻ trách nhiệm chăm lo xây dựng gia đình. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ đã trao truyền các giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bốn là, trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ cả nước bằng tấm lòng yêu thương, nhân ái, đã phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Năm là, trong tiến trình hội nhập toàn diện của đất nước, phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh đất nước, khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam như một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Những kết quả đó được thể hiện qua những con số ấn tượng như: các cấp Hội đề xuất hơn 600 chính sách/đề án/chương trình trong nhiều lĩnh vực thiết thân đối với phụ nữ; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với gần 17 nghìn công trình, phần việc; hỗ trợ thành lập mới gần 800 hợp tác xã; hơn 480 tỷ đồng ủng hộ cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, trong đó hơn 730 nghìn phần quà san sẻ yêu thương…
Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã nhanh chóng thích ứng, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đồng chí có thể chia sẻ tinh thần càng trong gian khó càng tỏa sáng của hội viên, phụ nữ?
Đồng chí Hà Thị Nga: Trong cuộc chiến chống Covid-19, hàng trăm nghìn hội viên, phụ nữ nêu cao gương sáng tận tụy, kiên cường, sẵn sàng xông pha trên mọi mặt trận cam go nhất, “biến nguy thành cơ”, hàng nghìn sáng kiến, mô hình thiết thực hiệu quả như “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Vì nụ cười phụ nữ”, “Kiên cường Việt Nam”, “Mẹ đỡ đầu”, “Phiên chợ 0 đồng”…, không chỉ góp phần huy động sức người, sức của cho cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh và thiên tai mà còn lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Riêng trong năm 2020-2021,
Hội đã vận động nguồn lực trị giá hơn 150 tỷ đồng, hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một trong những chương trình mang tính nhân văn sâu sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ chăm sóc trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Kết quả bước đầu các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu 1.458 trẻ em mồ côi do Covid-19 tại các tỉnh.
Trong đại dịch, tôi thật sự xúc động với hình ảnh những nữ y, bác sĩ tuyến đầu đã phải để lại con thơ và gia đình, tạm gác hạnh phúc riêng để vào tâm dịch, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ suốt nhiều tháng liền.
Tôi cũng vô cùng ấn tượng với những hình ảnh chị em trên khắp mọi nẻo đường sẵn sàng bỏ dở những bữa cơm, giấc ngủ, lăn lộn với cơ sở, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người dân nghèo; những tấm lòng của các cô, các dì cán bộ Hội tham gia “Tổ phòng, chống Covid cộng đồng”; những chuyến bay, chuyến xe ấm áp tình đồng bào đón lao động nữ, phụ nữ mang thai và trẻ em từ vùng tâm dịch trở về quê và các địa phương. Trong hàng triệu những phụ nữ vì cộng đồng ấy, không ít người đã nhiễm bệnh và đã có những cán bộ Hội qua đời khi đang tham gia chống dịch.
Phóng viên: Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển của đất nước, đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá được đặt ra trong nhiệm kỳ tới?
Đồng chí Hà Thị Nga: 5 năm tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định hai khâu đột phá mang tính chất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ, đó là: Đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin và tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh.
Bên cạnh đó, xác định ba nhiệm vụ theo ba yếu tố quan trọng của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội. Một là, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện; xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Chú trọng khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vận động, hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em.
Hai là, tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; chú trọng giám sát, phản biện xã hội; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới. Các hoạt động trọng tâm bao gồm tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách liên quan phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới.
Ba là, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Phát triển mạng lưới, thu hút hội viên, thành viên; nâng cao chất lượng cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội các cấp; chú trọng xây dựng văn hóa của tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành bộ máy cơ quan chuyên trách và hệ thống Hội; nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng của tổ chức Hội trong quan hệ đối ngoại.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kỳ vọng Đại hội lần này sẽ tiếp tục mở ra một nhiệm kỳ mới thành công và hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, Hội sẽ khẳng định vị thế tổ chức tiên phong hành động vì hạnh phúc của phụ nữ, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Nguồn: https://nhandan.vn