Cơ sở khám, chữa bệnh công phải niêm yết giá dịch vụ theo yêu cầu
Liên quan quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được thông qua quy định cụ thể các yếu tố, chi phí cấu thành cũng như nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Luật cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác. HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Luật cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Các sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bệnh viện sẽ được tự chủ về nhân sự và mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh
Về tự chủ bệnh viện, Luật vừa thông qua quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật cũng quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá; Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật…
Với các ý kiến góp ý về vấn đề tự chủ bệnh viện, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, do các vấn đề liên quan đến cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước nói riêng đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau và đang có những vướng mắc nhất định. Do đó, để có thể giải quyết một cách triệt để, về lâu dài cần nghiên cứu tổng thể, hoàn thiện chính sách pháp luật về cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ hơn. Dự thảo Luật chỉ quy định một số nội dung mang tính đặc thù y tế để tháo gỡ một phần vướng mắc, khi hệ thống pháp luật về tự chủ đối với đơn vị cung ứng dịch vụ công được hoàn thiện sẽ kết nối thực hiện được.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 9/1. Ảnh: QH
Về nội dung xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Luật vừa thông qua quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng; khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Giải trình ý kiến đại biểu liên quan việc quy định hình thức liên doanh, liên kết vào nội dung xã hội hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, luật đã quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội khác theo quy định của pháp luật, trong đó có hình thức liên doanh, liên kết nên xin phép Quốc hội giữ như dự thảo luật.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng thông qua 3 điều gồm điều 25 về Hội đồng Y khoa quốc gia; điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này.
Hội đồng Y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập Luật vừa thông qua quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng. Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ gồm: Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày trước khi thông qua Luật cho biết, liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25), có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, cho rằng, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế; có ý kiến băn khoăn về chất lượng Hội đồng và tính độc lập của Hội đồng với Bộ Y tế, cân nhắc quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên tham gia vào Hội đồng Y khoa quốc gia, bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ đạo “thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia” và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng nguồn nhân lực y tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo kinh nghiệm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực của người hành nghề thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh. Dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Tuy nhiên, khi quy định cụ thể về các nội dung trong Điều này, đề nghị Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, do Hội đồng Y khoa quốc gia là mô hình lần đầu tiên có ở Việt Nam, nên còn nhiều vấn đề mới, chưa rõ, chưa ổn định nên dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động. Vì những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc giao tất cả các nhiệm vụ cho Hội đồng Y khoa Quốc gia, đề nghị giao nhiệm vụ “chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” (quy định tại điểm c khoản 2) cho địa phương. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc phân cấp cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ sẽ giúp chia sẻ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, linh hoạt của địa phương. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả, giám sát chặt chẽ khi triển khai thực hiện, nhằm thực hiện đánh giá năng lực hành nghề thống nhất trên phạm vi toàn quốc, dự thảo Luật giao Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở huy động các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu của việc tổ chức đánh giá năng lực. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật. |