KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 09/05/2022 - Lượt xem: 135
Sản xuất công nghiệp phục hồi

Đến nay, sản xuất tại các trung tâm công nghiệp ở phía bắc đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng, của cả nước nói chung. Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm 2022, các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Công ty TNHH Điện tử Chilisin (Khu công nghiệp VSIP, Hải Phòng) sản xuất ổn định và tiếp tục mở rộng đầu tư. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)
Những ngày này, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang nỗ lực đẩy nhanh sản xuất, bù lại khoảng thời gian hai năm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Tăng tốc mở rộng sản xuất
Chỉ số sản xuất công nghiệp bốn tháng đầu năm 2022 của thành phố Hải Phòng - một trọng điểm công nghiệp ở phía bắc, đã tăng 11,73%, gấp 1,56 lần mức bình quân chung cả nước và là một trong những địa phương có mức tăng trưởng cao. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,62%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,66%. Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử Chilisin- một doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công các linh kiện điện tử của Đài Loan (Trung Quốc) có nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng, thời gian qua không chỉ duy trì, giữ vững hoạt động sản xuất liên tục, mà còn tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất. 
Phó Tổng Giám đốc Công ty Liao Jun Huan cho biết: “Doanh nghiệp trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam và thành phố Hải Phòng đã triển khai thần tốc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động, giảm tối đa ảnh hưởng của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp. Sự hỗ trợ tích cực của thành phố và Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã khiến Tập đoàn Chilisin vững tin vào chủ trương bảo đảm an toàn và khuyến khích phát triển kinh tế của Việt Nam. 
Cũng chính vì vậy, dù tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng doanh nghiệp vẫn quyết định đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam”. Ngay trong đầu năm 2022, công ty đã tăng tổng vốn đầu tư từ 96,5 triệu USD lên 170,2 triệu USD, góp phần tạo thêm việc làm cho 500 lao động.
Tính chung bốn tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội đã tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt hơn 5,4 tỷ USD, tăng 17,4%. 
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đang tăng tốc mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng cho những đơn hàng xuất khẩu mới và những đơn hàng đã tăng số lượng nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Toàn bộ các mặt hàng truyền thống của May 10 hiện đã có hợp đồng đặt hàng đến hết quý II/2022, thậm chí, mặt hàng veston đã có hợp đồng đến hết quý III/2022.
Tại các trung tâm công nghiệp lớn ở miền bắc như các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG)-doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với 15 nghìn cán bộ, công nhân, vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022, khi dịch Covid-19 bùng phát, có năm nghìn công nhân là F0, F1 phải cách ly, mặc dù vậy, nhờ công ty chủ động nguồn nguyên, vật liệu từ sớm, từ xa, khi thị trường có nhiều biến động mà doanh thu bốn tháng đầu năm 2022 vẫn đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã ký các đơn hàng đến hết quý II/2022, đang đàm phán các đơn hàng đến hết năm. 
Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên thời gian qua đã có chính sách hỗ trợ bằng gói an sinh cho công nhân là F0 để ổn định đời sống và giữ chân người lao động; cải thiện bữa ăn ca, môi trường làm việc; đồng thời cơ cấu lại sản xuất để tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, doanh thu bốn tháng đầu năm nay vẫn đạt khoảng 600 tỷ đồng, lương bình quân công nhân đạt 13,5 triệu đồng/tháng, tăng 200 nghìn đồng so với bình quân năm trước, nộp ngân sách vượt so với cả năm 2021.
Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang ước đạt 13,92%-mức cao nhất cả nước, trong đó, công nghiệp-xây dựng tăng 19,32%. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn phân tích, đạt được kết quả đó là do tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đồng thời, các doanh nghiệp đã tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, tăng tốc sản xuất, đạt doanh thu cao. 
Với lực lượng lao động dồi dào cùng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt thời cơ, nỗ lực bứt phá trong hoạt động kinh doanh. Giá trị sản xuất ba tháng đầu năm toàn tỉnh đạt hơn 60,8 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm gần 53 nghìn tỷ đồng, tăng 33,8%, còn lại là khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp
Tuy đã có sự phục hồi đáng kể, nhưng sản xuất công nghiệp tại các địa phương còn gặp không ít khó khăn. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên nhiều phương diện, từ việc tiếp cận khách hàng, tiếp cận dòng vốn, nhân lực, thiếu nguyên liệu cung ứng, giảm đơn hàng, giảm sản lượng... 
Trong khi đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của doanh nghiệp cũng như chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công lao động và những dịch vụ khác đều tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào, khiến sản phẩm công nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh về giá. Chính vì vậy, chỉ số phát triển công nghiệp bốn tháng đầu năm 2022 của Hà Nội tuy đã tăng 6% so với năm 2021, nhưng kết quả này vẫn còn thấp so với mục tiêu chung phát triển công nghiệp cả năm 2022 của Hà Nội là từ 7,3 đến 7,5%. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu này thì giai đoạn tới cần có những giải pháp hiệu quả và sự nỗ lực, quyết tâm lớn của chính quyền và doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, 80% chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may là từ Trung Quốc, nên khi nước bạn thực hiện chính sách “zero Covid”, đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung cho doanh nghiệp, cùng với đó, cước phí vận chuyển tăng gấp 10 lần đối với một số tuyến đi thị trường Mỹ, châu Âu,... 
Toàn bộ những yếu tố này đẩy chi phí của nguyên phụ liệu đầu vào tăng, dẫn tới giá thành sản phẩm cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân để các nhãn hàng tính đến việc dịch chuyển sản xuất từ Việt Nam sang một số thị trường lao động mới tại châu lục khác. Trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp tại Bắc Giang đã giảm giá thành sản phẩm bằng cách cắt giảm chi phí trong hoạt động, cơ cấu lại nhân sự, cắt giảm lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp; chuẩn hóa các khâu trong quy trình sản xuất, tăng cường sáng tạo, đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhằm chuẩn hóa hệ thống và quản lý người lao động, cũng như kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có những điều tiết kịp thời, phù hợp.
Trong Tháng công nhân này, tỉnh Thái Nguyên và hàng loạt doanh nghiệp tổ chức phiên chợ 0 đồng, hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm công đoàn, khám bệnh miễn phí, các hoạt động hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tỉnh chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức các phiên giao dịch để kết nối cung-cầu lao động trong tỉnh và liên tỉnh. Nhờ đó, đến nay tình trạng thiếu nhân lực lao động công nghiệp cơ bản được khắc phục. 
Để giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn chủ động giảm các thủ tục hành chính để thực hiện các chính sách về giảm lãi suất các khoản vay, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất từ 0,15 đến 2%/năm; tăng cường cho vay mới để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, tổng dư nợ cho vay đến ngày 30/4 đạt 75,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,46% so với ngày 31/12/2021, nợ xấu chỉ có 0,74% tổng dư nợ.
Để duy trì đà phục hồi sản xuất và phấn đấu mức tăng trưởng GRDP của thành phố Hải Phòng năm 2022 tăng hơn 13% so với năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 19 đến 20%, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long cho biết, Hải Phòng đang tăng cường thực hiện “Chương trình kết nối đầu tư kinh doanh” để kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với thành phố, đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu, liên kết hợp tác mở rộng các kênh phân phối hàng hóa. 
Thành phố thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực của doanh nghiệp, như: hỗ trợ chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp... Thành phố quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp; duy trì đối thoại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức nhằm tháo gỡ nhanh, kịp thời những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp hoạt động ổn định và không ngừng phát triển, mở rộng, đóng góp cho ngân sách thành phố.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan