KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/03/2022 - Lượt xem: 116
Sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao

Những năm qua, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đang được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Theo thống kê, hết năm 2021, cả nước đã có hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng được chứng nhận sản xuất theo hướng VietGAP.  

Kiểm tra nhật ký trồng xoài theo hướng VietGAP ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Theo các cơ quan chuyên môn, sản xuất theo hướng VietGAP giúp bảo vệ môi trường, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, tăng sức cạnh tranh phục vụ tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng
Mỹ Xương là một trong năm xã có diện tích trồng xoài lớn của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) với hơn 500 ha. Nhờ canh tác theo quy trình VietGAP, các nhà vườn đã giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập. Những ngày này, ông Nguyễn Ngọc Thọ, ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương đang tập trung chăm sóc bảy công vườn xoài cho vụ mới.
Ông Thọ cho biết, “vườn xoài của gia đình đang thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP. Để bảo đảm xoài phát triển tốt, cán bộ ngành nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn quy trình sản xuất phù hợp thời vụ. Nhờ đó xoài luôn đạt năng suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn về kích cỡ nên luôn bán được giá cao. Như vụ thu hoạch đợt Tết Nguyên đán vừa qua, xoài Cao Lãnh của gia đình bán được 80 nghìn đồng/kg, xoài cát chu bán được 38 nghìn đồng/kg”.
Nhằm thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương ở tỉnh Đồng Tháp ngày càng chú trọng đến các tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Năm ngành hàng chủ lực của tỉnh hiện nay như: lúa gạo, xoài, hoa cảnh, cá tra, vịt, nông dân đều thực hiện nhiều biện pháp sản xuất mới, nhất là theo quy trình VietGAP, trong đó có cây xoài.
Toàn tỉnh có khoảng 13.000 ha xoài, sản lượng gần 113 nghìn tấn mỗi năm, trong đó có hơn 353 ha chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, đã hình thành được hai vùng chuyên quy mô lớn tại huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh. Tại Cao Lãnh, huyện đang từng bước hình thành vùng chuyên canh tập trung với diện tích gần 4.107 ha. Trên địa bàn huyện hiện có 445 ha trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 2.200 ha xử lý ra hoa rải vụ theo hướng an toàn, 1.617 ha xoài được cấp mã số vùng trồng.
Trong khi đó, Lục Ngạn (Bắc Giang) được biết đến là địa phương trồng cây ăn quả lớn ở miền bắc. Những năm qua, cây ăn quả nói chung, cây vải nói riêng đã và đang trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Niên vụ vải năm 2021, toàn huyện trồng 14.500 ha vải, sản lượng đạt 145.286 tấn, doanh thu 3.259 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Nguyễn Thế Thi cho biết, “hiện nay huyện có khoảng 28.000 ha cây ăn quả, trong đó có đến 80% diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP. Riêng cây vải, qua so sánh sản xuất theo hướng VietGAP đạt lợi nhuận hơn nhiều so với trồng truyền thống. Nếu vải trồng truyền thống giá bán chỉ được 10.000 đồng/kg thì sản xuất VietGAP phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 25.000 đồng/kg”.
Bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, Bộ đã chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai các nội dung đề án, chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc... Đến nay, cả nước đã có 463.000 ha cây trồng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; 16.991 ha diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.
Qua đánh giá, sản xuất theo hướng VietGAP tiết kiệm được chi phí do sử dụng vật tư đầu vào, quản lý sản xuất hiệu quả hơn thông qua đánh giá nội bộ và cải tiến các điểm chưa phù hợp trong hệ thống quản lý. Từ đó, làm tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi tất yếu để tạo nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp các địa phương mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; phối hợp các bộ, ngành xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn...
Tuy nhiên, qua nhận định của các cơ quan chuyên môn, hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở nước ta vẫn gặp những hạn chế nhất định do một số nơi sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, nhiều giống cây không đạt chất lượng, vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, đầu ra còn bỏ ngỏ là thách thức lớn đối với việc thực hiện cũng như mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, một số nơi nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chẳng hạn, như tại Đồng Tháp, quy mô sản xuất xoài còn nhỏ lẻ, cách chăm sóc của các hộ khác nhau dẫn đến xoài cùng kích cỡ, mầu sắc, trọng lượng, hạn chế ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Hơn nữa, một số hộ trồng xoài vẫn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, ít dùng phân hữu cơ.
Vừa qua, Đồng Tháp đã xuất khẩu ba tấn xoài cát chu đầu tiên của năm 2022 sang thị trường châu Âu. Đây là sự nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Huỳnh Minh Tuấn cho biết, “để phát triển bền vững ngành hàng xoài trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát huy hơn nữa kết quả đạt được, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu; phát triển kinh tế hợp tác, củng cố liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chuỗi giá trị...
Song song đó, các nhà vườn trồng xoài cần duy trì sản xuất xoài bảo đảm chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thực hiện mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu”. Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển ngành hàng xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền tại vùng chuyên canh; mở rộng các hộ trồng xoài tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán áp dụng tiêu chuẩn GAP, gắn với kiểm tra cấp mã vùng trồng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thương hiệu xoài của tỉnh đạt 100%.
Có thể thấy, sản xuất theo hướng VietGAP sẽ giúp nông dân tiếp cận với phương thức canh tác hiện đại, nâng cao giá trị nông sản tiến tới ổn định về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đáp ứng yêu cầu thị trường. Vì vậy, thời gian tới các bộ, ngành và địa phương cần có những chính sách hợp lý cũng như hỗ trợ để mở rộng diện tích. Đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nhân dân dễ dàng tiếp cận thị trường, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định...
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan