KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/03/2022 - Lượt xem: 119
Sáng mãi tinh thần Tô Hiệu

Tô Hiệu - Người chiến sỹ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp lớn lao trong việc khôi phục, củng cố các tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Đồng chí Tô Hiệu là tấm gương sáng về tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.
Thế hệ trẻ thăm gian trưng bày tài liệu, hiện vật tái hiện lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu
Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu qua các tư liệu tại Khu lưu niệm đồng chí Tô Hiệu và đọc những bài viết của những nhà lão thành cách mạng là bạn chiến đấu kể về quãng đời đấu tranh cách mạng của đồng chí Tô Hiệu trong cuốn sách Tinh thần Tô Hiệu, chúng tôi càng thêm tự hào về người con ưu tú của quê hương xứ Nhãn. Với 32 năm tuổi đời, 18 năm dấn thân và hy sinh vì độc lập của dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu là một tấm gương sáng của một chiến sỹ tiên phong, người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng ta.
Mặc dù hai lần bị địch bắt và đày ải trong những nơi địa ngục trần gian, nhưng đó là hai lần đồng chí cùng các đồng chí của mình biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Ý chí kiên cường của đồng chí Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ. Thời gian bị đày ra Côn Đảo, tuy bị lao phổi, nhưng đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Khi bị thực dân Pháp bắt lần 2, tại Hải Phòng, dù bị bọn mật thám đánh đập dã man, đồng chí vẫn không hề hé răng tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Đặc biệt, khi bị đày ở nhà tù Sơn La, dù bị đói rét và bệnh lao hành hạ, đồng chí Tô Hiệu vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Đồng chí đã không ngừng làm việc, viết các bài tuyên truyền, lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với quân thù.
Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La, là Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa học. Ủy ban Nhà tù được thành lập để lãnh đạo mọi mặt. Ủy ban Nhà tù lại tổ chức ra các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo…, để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban Chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La… Sau này, nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội…
Trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp của quá trình vận động phong trào cách mạng trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp mới thấy hết vai trò tiên phong, tài năng tổ chức và những cống hiến to lớn trong tổ chức xây dựng Đảng và xây dựng phong trào cách mạng ở nước ta của đồng chí Tô Hiệu. Bằng những hoạt động thực tế rất hiệu quả, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho Đảng và phong trào cách mạng nước ta bước vào giai đoạn vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để lại cho Đảng nhiều kinh nghiệm có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Trong chốn lao tù đế quốc, với vô vàn thiếu thốn, gian khổ về vật chất, sự hành hạ về tinh thần và vật vã với bệnh tật, đồng chí Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng. Dù biết chắc chắn mình sẽ hy sinh vì bệnh lao phổi đã ở giai đoạn cuối, đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền và lãnh đạo Chi bộ Nhà tù Sơn La. Trong bài viết Người đã đào tạo nhiều cán bộ cốt cán cho cách mạng (Cuốn sách Tinh thần Tô Hiệu), đồng chí Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương viết: Giữa những ngày cục diện chung còn mờ mịt, trước khi tắt thở, anh bảo ghi lại cho anh em mấy lời dặn lại rằng “ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”.
Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn. Đồng chí đã có công gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng và liên tỉnh B, bao gồm các tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên; khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ cuối năm 1936. Trong những năm bị địch bắt giam, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần rất quan trọng biến Nhà tù Sơn La thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng, cho Cách mạng”.
Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng, luôn vững niềm tin theo Đảng. Cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng tại Nhà tù Sơn La trong thời gian bị giam giữ ở đây đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La mà còn là biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết.
Kỷ niệm 110 năm Năm sinh đồng chí Tô Hiệu - người cộng sản kiên cường, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, qua đó tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của các thế hệ cách mạng tiền bối, để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan