Các dữ liệu nghiên cứu, được thực hiện không chỉ ở Nga, mà còn trên khắp thế giới, đã chứng minh rằng những thảm họa xã hội vĩ mô nghiêm trọng như đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần con người. Số lượng các trường hợp trầm cảm, bệnh nhân mắc chứng suy nhược cơ thể và chứng sợ bệnh tật tăng… Tất cả những điều này không liên quan trực tiếp bản thân virus SARS-CoV-2, mà là hậu quả xã hội, bị kéo theo bởi bệnh dịch.
Tuy nhiên, để đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần con người, đòi hỏi quá trình phân tích dài và hiện vẫn chưa có con số chính xác.
Trong khi đó, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Và rõ ràng, có quá nhiều rủi ro vẫn đang chờ đợi chúng ta. Thậm chí, ngay cả khi đại dịch sẽ kết thúc, hậu quả của nó sẽ còn dai dẳng đeo bám trong tâm trí những người vốn dễ bị ảnh hưởng bởi “virus” tâm thần. Trên thực tế, chúng ta cần xác định phải đối mặt với sự thay đổi tâm lý trong nhiều năm tới. Tiến sĩ Shmilovich cho rằng điều này đáng lo ngại.
Chúng ta cần thực hiện các dự án xã hội vĩ mô toàn cầu nhằm đưa cuộc sống trở về với hiện thực. Các lễ hội quốc tế lớn sẽ giúp con người đến gần nhau, kích thích mong muốn được gặp gỡ thực sự, được tay bắt mặt mừng, được giao tiếp… Nhưng thực tế hiện tại lại chưa cho phép tổ chức các sự kiện đại chúng, song chúng ta cần xác định tư tưởng rằng sớm muộn gì dịch bệnh cũng sẽ kết thúc. Và điều quan trọng là phải chuẩn bị tâm lý thay đổi để thích ứng các điều kiện “bình thường mới”.
Thống kê y khoa cho thấy trong một năm qua, Covid-19 đã làm gia tăng tình trạng rối loạn tâm thần ở người Nga, với mức tăng từ 10 đến 30%, tùy thuộc từng vùng, miền. Ngoài rối loạn mùi, vị, nhiều người còn gặp phải chứng cao huyết áp, chứng đau nửa đầu, khó ngủ… Tuy nhiên, có một thực tế là rất ít người tìm đến bác sĩ tâm lý để giải quyết những vấn đề tâm thần mà họ dường như đang mơ hồ nhận thấy. Chính vì vậy, hầu hết những người có vấn đề về tâm thần vẫn không được tiếp cận hỗ trợ y tế và không được thống kê đầy đủ.
Những vấn đề này đặt ra yêu cầu tìm ra hướng giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên, chăm sóc để có sức khỏe tâm thần tốt là công việc không phải một sớm một chiều, nhất là khi sự sa sút sức khỏe tâm thần thường âm thầm và là cả một quá trình, không dễ nhận biết ngày một ngày hai.
Những gì thực sự cần làm lúc này là quan tâm, tạo cơ hội để người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên và trẻ em - những người dễ bị tổn thương tinh thần, để họ có thể dễ dàng tiếp xúc, được thăm khám, điều trị tâm thần ban đầu. Cần có nhiều dịch vụ hơn để thanh thiếu niên có thể sử dụng với điều kiện ẩn danh, bảo mật, giúp đối tượng này có cơ hội tìm sự trợ giúp ở các tổ chức chính phủ, để các em có thể mạnh dạn nói về nỗi sợ hãi và rắc rối của chính mình. Nhà khoa học Nga kêu gọi.
Hiện nay, ngoài việc tích cực phòng, chống bệnh Covid-19, chính quyền Nga cũng đặc biệt quan tâm sức khỏe người dân giai đoạn hậu Covid. Từ ngày 1/7/2021, người dân Nga có thể khám lâm sàng chuyên sâu tại các cơ sở y tế địa phương, tư vấn bác sĩ, làm xét nghiệm, nhằm xác định kịp thời biến chứng và ngăn chặn sự tiến triển của chúng sau khi mắc Covid-19. Chính phủ, Bộ Y tế Nga cũng đã ra văn bản hướng dẫn và công bố để người dân nắm rõ quy trình thăm khám hậu Covid.
Mùa thu năm 2021 này, tình trạng dịch bệnh Covid-19 tại Nga diễn biến hết sức phức tạp. Số ca nhiễm bệnh mới mỗi ngày đang tiệm cận con số 30 nghìn, lên đến 29.409 ca trong ngày 11/10, đây là con số cao chưa từng có ở những sóng dịch trước, trong khi số ca tử vong mỗi ngày cũng liên tục lập những “dấu mốc buồn” mới với gần 1.000 ca. Thống kê cho biết trong ngày 12/10 có 973 ca tử vong và đây là con số tử vong cao nhất tính theo ngày tại Nga.
Chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có sức khỏe tâm thần hậu Covid đang là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay tại Nga.
Nguồn: https://nhandan.vn/