KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/07/2022 - Lượt xem: 114
Tâm lý 'chín ép' làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh COVID-19

Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vaccine COVID-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian.

Tam ly 'chin ep' lam tang nguy co tai bung phat dich benh COVID-19 hinh anh 1
Người dân tiêm vaccine nhắc lại phòng COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Ngày 4/7, Bộ Y tế cho biết biến thể phụ BA.5 của Omicron (một dạng biến chủng của SARS-CoV-2) đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam, số ca mắc COVID-19 có thể gia tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân.
Tâm lý nôn nóng thoát dịch
Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới BA.5 của SARS-CoV-2 và đã xâm nhập vào Việt Nam làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trở lại, để tăng cường kiểm soát dịch, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một cách an toàn, khoa học, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ra công văn hỏa tốc gửi 9 bộ về việc tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gồm Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công thương; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vaccine COVID-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian.
Tính đến tháng 2/2022, các mũi tiêm cơ bản vaccine ngừa COVID-19 trên cả nước gần như được phủ kín, sau 4-6 tháng, sự miễn dịch trong cơ thể những người được tiêm chủng không còn mạnh như trước.
Kháng thể chống SARS-CoV-2 của mũi tiêm thứ 3 sẽ suy giảm đáng kể trong khoảng 15 tuần, nhất là kháng thể chống biến chủng Omicron.
Việc tiêm vaccine mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (gồm cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu: lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).
Tam ly 'chin ep' lam tang nguy co tai bung phat dich benh COVID-19 hinh anh 2
Ninh Bình đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và đạt kết quả rất cao về tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các mũi cơ bản.
Ngành y tế đã cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với việc triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tính đến ngày 4/7 đã có hơn 233 triệu mũi tiêm đã được thực hiện và công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng vẫn được duy trì. Số lượng vaccine đang có đủ để tiêm nhắc lại cho người dân.
Bộ Y tế đã lên kế hoạch phân bổ cho các tỉnh theo đúng số đối tượng tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, do người dân chưa hiểu biết đầy đủ, mang tâm lý nôn nóng thoát dịch, chủ quan nên không tích cực tham gia dẫn đến tình trạng nhiều điểm tiêm chủng đã mở lọ vaccine nhưng người dân không đến theo kế hoạch. Nhiều đơn vị mang giấy mời đến tận nhà nhưng người dân từ chối tiêm chủng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, hiện tại trong kho còn 15 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Nếu vaccine không được sử dụng đúng hạn sẽ gây lãng phí trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tại Hội nghị tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và công tác phòng, chống sốt xuất huyết các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung (ngày 30/6/2022), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong tình hình tiêm chủng chung của cả nước thì miền Nam có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, sau đó là miền Trung và Tây Nguyên.
Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết số mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhắc lại lần 1 và lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Trung thấp nhất trong toàn quốc (mũi 3 mới đạt 54,8%; mũi 4 là 4,3%), chậm tiến độ.
Mức độ tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ 12-17 tuổi của khu vực cũng chỉ đạt 7,5%, thấp so với cả nước. Mức độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng thấp nhất trong toàn quốc với 43%.
Nhiều địa phương ghi nhận tình trạng tồn kho hàng trăm nghìn liều vaccine do tâm lý lơ là, chủ quan, e ngại, thiếu tích cực trong một bộ phận người dân và cả cán bộ cơ sở.
Nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tốc độ gia tăng số mắc hằng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm; khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.
Theo ông, mặc dù số ca mắc, tử vong do COVID -19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện các biến chủng mới.
Tam ly 'chin ep' lam tang nguy co tai bung phat dich benh COVID-19 hinh anh 3
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Trước đây, chủ yếu lưu hành hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay, tại một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc.
Thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá tính lây lan của hai biến thể phụ này. Một số đánh giá nhỏ ban đầu cho thấy, hai biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 khoảng 12-13% và sẽ từng bước thay thế chúng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch, Omicron hiện là biến thể phổ biến, nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng.
Có thể xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm người dễ bị tổn thương.
Vì vậy, các quốc gia cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine, giám sát trọng điểm.
Hiện nay, số ca mắc COVID-19 ở châu Âu đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua và có thể sẽ ở mức cao trong mùa Hè năm nay.
Trong khi đó, tại Mỹ, 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 cũng là nguyên nhân dẫn đến hơn 50% số ca mắc mới COVID-19, thuộc hàng cao nhất trên thế giới.
Dự kiến, số ca mắc do các biến thể này còn tăng mạnh trong những tuần tới. Mỗi ngày, Mỹ vẫn có gần 300 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca nhập viện đang tăng nhẹ.
Tại châu Á, Campuchia đã ghi nhận các ca mắc mới sau 51 ngày liên tục không có ca mắc mới, còn Singapore không loại trừ khả năng phải thắt chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội. Indonesia vừa phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm BA.4 và BA.5 trên đảo Bali...
Giới chuyên gia y tế cho rằng làn sóng mới của dịch COVID-19 là do hầu hết các nước đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch để khôi phục và phát triển hoạt động kinh tế-xã hội.
Trong khi đó, virus chưa hoàn toàn biến mất mà vẫn tiếp tục biến đổi, khả năng miễn dịch nhờ tiêm phòng trong cộng đồng giảm dần theo thời gian nhưng tỷ lệ tiêm các mũi tăng cường lại ở mức thấp.
Bộ Y tế Việt Nam cũng không loại trừ khả năng trong thời gian tới tình hình dịch COVID-19 có thể diễn tiến như sau: sẽ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn và có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Tại Hà Nội đã xuất hiện 3 ca mắc biến thể BA.5 có lịch sử du lịch về từ các tỉnh phía Nam.
Việc phòng, chống dịch sẽ chú trọng vào 6 giải pháp: bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19; kiểm soát sự lây lan của dịch; nâng cao năng lực hệ thống y tế; bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch; bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống của nhân dân phù hợp với tình hình mới.
Bộ Y tế nhấn mạnh vẫn tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược," là yếu tố quyết định, nền tảng, quan trọng đầu tiên trong phòng, chống dịch COVID-19.
Liên quan đến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy những biểu hiện tích cực.
Trước sự xuất hiện biến chủng mới BA.5 cùng nỗ lực vận động từ ngành y tế, người dân tại thành phố mang tên Bác đang quay trở lại với việc tiêm vaccine.
Trong hơn 2 tuần triển khai Tháng cao điểm tỷ lệ người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã tăng gấp 5,4 lần.
Ngày 14/6, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19. Cơ quan chức năng của thành phố phối hợp tổ chức nhiều điểm tiêm tại khu chế xuất, khu công nghiệp, tiêm tại trường học, cộng đồng, bệnh viện. Với những người thuộc nhóm nguy cơ và việc di chuyển đến điểm tiêm gặp khó khăn thì nhân viên y tế và chính quyền địa phương sẽ đưa vaccine đến tiêm tại nhà.
Trung bình mỗi ngày ngành y tế thành phố thực hiện 36.184 mũi tiêm, ngày cao điểm đạt hơn 115.000 mũi tiêm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, những quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng như toàn thành phố sẽ đối mặt với nguy cơ bị biến thể BA.5 xâm nhập và gia tăng số ca bệnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có chuyến đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Phó Thủ tướng và người lãnh đạo Bộ Y tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4.
Hai ông thúc giục cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương hơn nữa trong việc triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng trên diện rộng./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan