Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I tuy chưa trở về mức như trước đại dịch nhưng đã tăng cao hơn so cùng kỳ năm 2020 và 2021. Lạm phát được kiểm soát ở mức 1,92% so cùng kỳ trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới tăng nhanh. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng khi duy trì xuất siêu trong 2,53 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm; thu ngân sách tăng 15,4% so cùng kỳ,…
Trong tài liệu gửi đến các đại biểu Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ ba đang diễn ra, Chính phủ nhấn mạnh yếu tố dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các ngành, lĩnh vực chính đều tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ; nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao,…
Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Song con đường phục hồi của nền kinh tế không bao giờ bằng phẳng trong bối cảnh kinh tế, chính trị quốc tế còn nhiều bất định, cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Trong bối cảnh đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 như mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5%, kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức rất lớn.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô lên tới 347 nghìn tỷ đồng. Nhiều nội dung của Chương trình đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; thi công các công trình giao thông trọng điểm,...
Việc thực hiện Chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2-3%.
Dự báo gần đây của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều nhận định lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó ổn định quanh mức 6,5%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 6% và 7,2%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Các tổ chức nghiên cứu trong nước đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP từ 6-6,5% (kịch bản lạc quan).
Ðể tăng tốc phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, Chính phủ đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung vào giải pháp đẩy nhanh tiến độ gói chính sách đang triển khai chậm như gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cho các doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công. Chính phủ cũng yêu cầu tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như phát triển khoa học-công nghệ, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,… Cùng với nền tảng ổn định vĩ mô, đây sẽ là dư địa để nền kinh tế tăng tốc phục hồi, sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng.