Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương tại cuộc họp báo cuối năm.
Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý IV/2022 và năm 2022 diễn ra sáng 29/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cả năm 2022 ước tính đạt 8,02%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
“Kết quả này cho thấy nền kinh tế nước ta đang phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; khu vực dịch vụ chiếm 41,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động, tăng 622 USD). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so năm 2021).
Theo Tổng cục Thống kê, điểm sáng của nền kinh tế thể hiện rõ qua hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế; sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu; ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8%, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao; hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ; số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao; vốn thực hiện đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành cả năm ước đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2% so năm trước; lạm phát được kiểm soát; số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng cao.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại xuất hiện rõ từ cuối quý III/2022 như: Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp; sản xuất công nghiệp có xu hướng giảm dần do đơn hàng sụt giảm; một số ngành dịch vụ thị trường chưa đạt được quy mô như trước đại dịch Covid-19. Đáng lo ngại là hoạt động xuất , nhập khẩu đang chững lại với tốc độ tăng chậm dần; một bộ phận doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã tăng 19,5% so năm trước.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, kiềm chế lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023 như mục tiêu Quốc hội giao, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới để chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, có hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, quy hoạch lại các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất để chủ động nguồn cung...