KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 27/05/2022 - Lượt xem: 117
Tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.  

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các văn bản này đã quy định tương đối đầy đủ các nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở.
Nhiều điểm mới trong dự thảo luật
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa thống nhất, đồng bộ, toàn diện…, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
 Quang cảnh phiên họp tại hội trường sáng 27/5. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Bộ trưởng nhấn mạnh hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều, quy định thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp; Thanh tra nhân dân; trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của các văn bản trước đó, dự thảo Luật bổ sung một số điểm mới gồm: mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của nhân dân; bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Dành một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với 3 loại hình cơ sở chính, gồm: xã, phường, thị trấn và cộng đồng dân cư trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã; cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội; và doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật cho biết qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Theo đó, trong Luật cần có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, đồng thời có một số nội dung quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước bởi đây là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực công nên có những đặc điểm, yêu cầu riêng về tổ chức, quản lý, kiểm soát không giống như các doanh nghiệp thông thường khác.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc Luật quy định sâu hơn về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về Thanh tra nhân dân, Ủy ban Pháp luật tán thành việc chuyển quy định về Thanh tra nhân dân (hiện đang được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự thảo Luật này nhưng đề nghị cần kế thừa cách thức quy định của Luật Thanh tra hiện hành, bảo đảm tính đầy đủ và toàn diện của chế định Thanh tra nhân dân. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu có phương án phù hợp hơn về tên gọi “Ban Thanh tra nhân dân” để phản ánh đúng bản chất của chế định này là hoạt động giám sát của người dân, tránh nhầm lẫn với hoạt động thanh tra của Nhà nước.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan