KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/09/2022 - Lượt xem: 178
Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống

Để miền núi tiến kịp miền xuôi, các đại biểu tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng phát huy truyền thống quê hương cách mạng, là những tấm gương sáng, bền bỉ lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm trong cuộc sống, đóng góp xây dựng quê hương đất nước.

Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng tại Cao Bằng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, chương trình giảm nghèo bền vững. (Ảnh: TTXVN)
Mong muốn trên được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tại buổi gặp mặt 45 đại biểu tiêu biểu đại diện cho đồng bào của hơn 20 dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng chiều 21/9, tại Phủ Chủ tịch.
Vui mừng gặp các đại biểu tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cao Bằng là vùng đất căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước, vinh dự là nơi mà năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt chân đầu tiên khi trở về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để kháng chiến thành công, giữ gìn biên cương Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Qua nghe báo cáo của Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ, dù có 95% người dân tộc thiểu số.
"Bà con luôn đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng như giữ gìn an ninh trật tự vùng biên cương Tổ quốc. Hạ tầng điện, đường giao thông đến trung tâm xã đã đạt tỷ lệ cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm" - Chủ tịch nước đánh giá.
Đáng chú ý, Chủ tịch nước bày tỏ ấn tượng tại Cao Bằng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, chương trình giảm nghèo bền vững.
Trong số 45 đại biểu có 41 đại biểu là đảng viên, trong đó có nhiều bí thư chi bộ tiêu biểu từ các dân tộc Tày, Mông… đã phát huy vai trò nêu gương của người đảng viên, người có uy tín, tích cực lan tỏa phong trào xóa đói giảm nghèo, giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây cũng là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân.
Thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Cao Bằng chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Đảng bộ và chính quyền gần dân, sâu sát dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
 
Cho rằng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Cao Bằng còn cao so với mức bình quân chung của cả nước, Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và các đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.
"Cần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…" - Chủ tịch nước đề nghị.
Theo Chủ tịch nước, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các bí thư, trưởng thôn, người có uy tín cần phát động phong trào tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ tại địa phương, khích lệ, tạo điều kiện để bà con tích cực lao động, sản xuất để thoát nghèo; giữ gìn truyền thống văn hóa, phát huy những thuần phong mỹ tục tốt đẹp, xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
"Nhất là cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tất cả con em đều được đến trường, được học tập tử tế, bởi đây là tiền đề quan trọng để giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, có cuộc sống tốt đẹp hơn" - Chủ tịch nước nêu rõ.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và các đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách đặc thù về tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là giáo viên mầm non; xã hội hóa nguồn lực để xây dựng các vùng định canh, định cư tập trung; thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về các kiến nghị này, Chủ tịch nước cho biết sẽ giao các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Nguồn: https://nhandan.vn/

 

Tin liên quan