Tuy nhiên, gia đình Việt Nam đang đứng trước những thách thức của quá trình phát triển và hội nhập, tác động đến chính hạnh phúc và sự bền vững của gia đình. Thực tế cho thấy, bất bình đẳng giới và định kiến giới trong quan hệ gia đình vẫn tồn tại. Các thành viên đang phải đối mặt các vấn đề mới xuất hiện, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân, cùng với tình trạng buông lỏng sự giáo dục của cha mẹ khiến cho tỷ lệ tội phạm vị thành niên gia tăng.
Hay sự bùng nổ các thiết bị thông minh làm cho tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, nảy sinh mâu thuẫn, xung đột. Và kéo theo đó, là hàng loạt vấn đề nhức nhối, đáng báo động đang xảy ra, như: bạo lực gia đình; tỷ lệ ly hôn, ly thân gia tăng; trẻ em bị bỏ rơi, xao nhãng, thậm chí bị bạo hành bởi chính những người ruột thịt trong gia đình.
Đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó phụ nữ và trẻ em là hai trong số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn tới tăng khoảng cách giới, gây thách thức trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới. Khi phụ nữ vừa đi làm vừa đóng góp kinh tế cho gia đình, vừa đảm nhiệm trách nhiệm chính trong nội trợ, chăm sóc con cái trong thời gian dịch bệnh kéo dài, vừa phải vượt qua định kiến giới trong công việc, sự nghiệp vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xây đắp củng cố hạnh phúc gia đình ngày càng lớn.
Tuy nhiên điều đó, mặt khác cũng khiến họ chịu áp lực công việc, tâm lý, tình cảm... cũng ngày càng lớn. Đồng thời, sức ép về sức khỏe, bệnh tật, hạn chế đi lại, cách ly xã hội đi kèm với áp lực kinh tế, khiến đời sống trở nên khó khăn hơn đối với các gia đình, khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng. Việc tìm đến các dịch vụ y tế, hỗ trợ, nhất là phụ nữ và trẻ em, trong đó có phụ nữ mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ cũng bị ảnh hưởng trong thời kỳ dịch bệnh.
Có thể thấy, định kiến giới tồn tại nặng nề ở nhiều địa phương dẫn đến các vấn đề xã hội còn phổ biến như mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em chưa được cải thiện... Trong khi đó, chúng ta chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết “gốc rễ” những tồn tại của gia đình có chiều hướng phức tạp; công tác phòng, chống bạo lực gia đình, can thiệp hỗ trợ nạn nhân chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, hiệu quả chưa cao; việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa kiên quyết.
Nỗi sợ hãi, sự tự ti mặc cảm của các nạn nhân không dám nói ra, tố cáo, bạo hành gia đình từ chính những người thân của mình càng làm vấn đề thêm trầm trọng. Nhiều gia đình còn đối diện với những khó khăn, thách thức khi cha mẹ phải đi làm xa khiến con cái thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, nảy sinh những khoảng cách về mối liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó là tình trạng xung đột, mâu thuẫn, bất đồng giữa người lớn trong gia đình, không giải quyết được gây ra những hành động bất bình thường, tăng nguy cơ dẫn đến hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống, để lại những hậu quả đau xót và thương tâm, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.
Yếu tố bình đẳng, tiến bộ trong gia đình hiện đại cần được thấm sâu trong mỗi gia đình Việt Nam. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có ý thức đúng và chủ động sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. Cần sự bảo vệ mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền, báo chí và công luận, của các cơ quan bảo vệ pháp luật, kể cả việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật để bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Nhưng điều quan trọng hơn hết, là ý thức tự bảo vệ bản thân của mỗi người phụ nữ, có những suy nghĩ chuẩn mực, thoát khỏi định kiến xã hội từ cộng đồng, không sống cam chịu và chấp nhận hành vi bị bạo hành là một lẽ thường tình. Phụ nữ cần trang bị kiến thức để nâng cao giá trị bản thân, hướng tới những giá trị tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, đóng góp ngày càng nhiều trên các lĩnh vực của đời sống xã hội
Nguồn: https://nhandan.vn