Những ngày qua, thị trường đã chứng kiến những ngày “điên đảo” của giá vàng khi giá vàng trong nước liên tiếp thiết lập mức đỉnh mới, từ 70 triệu đồng/lượng (ngày 7/3) rồi nhanh chóng lên đến 74,4 triệu đồng/lượng. Ngày 8/3, giá vàng SJC giao dịch ở mức 74,4 triệu đồng mỗi lượng, trong khi giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.987 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá tương đương 55,03 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng trong nước đã cao hơn thế giới tới 19,37 triệu đồng mỗi lượng, là mức cao chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, sang ngày 9/3 giá vàng lại bất ngờ đảo chiều lao dốc mạnh. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, giá vàng SJC đã giảm tới 4 triệu đồng/lượng, niêm yết tại mức chỉ còn hơn 70 triệu đồng/lượng. Đà giảm còn kéo tiếp sang ngày 10/3 khi đến 14 giờ cùng ngày, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ở mức 66,7-69,5 triệu đồng (mua vào-bán ra). Trong khi đó trên thế giới, giá vàng giao dịch ở mức 1.985 USD/ounce.
Cửa hàng vàng Mi Hồng, chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh đông khách vào sáng 9/3. (Ảnh TẤT ĐẠT)
Lý giải về nguyên nhân khiến giá vàng tăng cao, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Xung đột ở Ukraine đã khiến cho giá xăng dầu, giá một số loại nguyên vật liệu và giá lương thực, thực phẩm tăng cao trên thế giới. Các nhà đầu tư trên thế giới từ đó cũng đổ xô vào đầu tư vàng và làm cho giá vàng tăng từ ngưỡng dưới 1.900 USD lên 1.988 USD (ngày 8/3). Giá vàng trong nước cũng tăng theo.
“Tình hình chính trị giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh tới thị trường tài chính thế giới. Trong khi chứng khoán toàn cầu đỏ lửa thì thị trường kim loại quý lại tăng tích cực do nhà đầu tư tìm vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng cao cũng khiến nhà đầu tư tìm đến vàng để trú ẩn cho dòng vốn của họ”-ông Thịnh giải thích thêm.
Chuyên gia kinh tế-TS Cấn Văn Lực cho rằng, đầu tư vàng được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá vàng biến động rất mạnh.
Giải thích về nguyên nhân giá vàng SJC trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) Huỳnh Trung Khánh lại cho rằng, vàng là hàng hóa doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được, phải nhập khẩu, bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm... “Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cấm nhập vàng nguyên liệu nhưng cơ quan này vẫn quản lý, khi nào cần thiết mới cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng để chế tác nữ trang. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế”-ông Khánh cho biết thêm.
Thế nhưng do vàng miếng SJC là thương hiệu uy tín, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng, đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, khiến cho vàng miếng SJC có giá trị hơn các loại vàng khác.
Tuy nhiên trên thực tế, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới được đẩy lên quá cao là khó chấp nhận được. Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng để mức chênh lệch lên tới 14, 15 thậm chí 19 triệu đồng/lượng sẽ khiến nhà đầu tư phải gánh rủi ro rất lớn. Đáng lưu ý, cùng với đó, họ cũng kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán, càng đẩy thêm rủi ro về phía các nhà đầu tư.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, chỉ tính riêng trong vòng một tháng qua, giá vàng SJC đã tăng khoảng 23%, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng 7%, thấp hơn nhiều so với tốc độ của giá vàng trong nước. Do vậy, ông Hiếu khuyến cáo, người dân không nên đầu cơ, lướt sóng vàng trong thời gian ngắn bởi thị trường vàng rất bất định, không thể biết trước giá lên xuống như thế nào.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để lướt sóng lúc này bởi lẽ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Nếu “găm” vàng, người mua phải trả với mức giá đắt hơn gần 20 triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều: “Vì vậy, chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thật sự cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện không phải là thời điểm thích hợp, chỉ mua khi chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức hợp lý là khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”.
Đồng thời, việc tăng nóng của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngoài ra, cũng theo ông Thịnh, từ khi có Nghị định 24/NĐ-CP, vàng đã không còn là vật trung gian thanh toán trong nền kinh tế Việt Nam, cũng không phải là phương tiện đo lường giá trị của các tài sản lớn. Thực tế, giá vàng tăng cao không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động nền kinh tế. Tuy nhiên, giá vàng tăng sẽ tác động CPI cơ bản, từ đó tác động làm giảm giá trị VNĐ so với USD và ngoại tệ khác, tác động tới chỉ số lạm phát của nền kinh tế quốc dân.
Khi giá vàng tăng làm cho một số nhà đầu tư, “đầu cơ” đổ xô mua vàng lướt sóng kiếm lời, từ đó một lượng tiền lớn sẽ chuyển vào kinh doanh vàng. Việc chuyển nguồn vốn đó sẽ giảm nguồn vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó lượng vốn đầu tư trên thị trường giảm đi, khả năng phục hồi của nền kinh tế quốc dân sẽ giảm. “Tôi cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng thế giới đi sát với giá vàng trong nước cũng như để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần quan sát, theo dõi xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay có nhập lậu vàng hay không để có thể can thiệp kịp thời”-ông Thịnh kiến nghị.