Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một trung tâm xét nghiệm tạm thời trước Tòa thị chính ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), ngày 18/1/2022. (Ảnh: Yonhap)
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 19/1, hiện 60,1% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 9,73 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 30,88 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 9,6%. |
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 106.794.869 trường hợp, trong đó có 1.579.262 ca tử vong và 82.939.384 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 1.374.102 và 3.748 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.
Tại Pháp, số ca mắc COVID-19 nhập viện tăng cao nhất kể từ tháng 11/2020 - trước khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai tại nước này. Viện nghiên cứu Pasteur tuần trước cho biết đơn vị này từng dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 1, kế đó số ca nhập viện sẽ lập đỉnh vào nửa cuối tháng này. Trong khi đó, tình hình tại Ba Lan cũng không khả quan hơn khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 đã bùng phát và giới chức y tế dự báo số ca mắc mới sẽ tăng lên mức cao đỉnh điểm vào giữa tháng 2 tới với khoảng 60.000 ca/ngày.
Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 19/1 lên tới 80.181.758 trường hợp, trong đó có 1.279.640 ca tử vong.
Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 68.388.503 ca nhiễm và 876.796 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 371.868 ca.
Tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 91.355.703 trường hợp, với 1.273.276 ca tử vong và 85.236.960 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 528.357 ca nhiễm mới.
Ngày 18/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã kêu gọi người dân nước này hạn chế các hoạt động ngoài trời nếu không có vấn đề khẩn cấp, đồng thời ưu tiên làm việc tại nhà. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh các ca lây nhiễm biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Indonesia. Trong 24 giờ qua, quốc gia châu Á này có thêm 1.362 ca nhiễm bệnh, nâng tổng con số thống kê tính tới sáng 19/1 là 4.273.783 trường hợp mắc COVID-19.
Trong những tuần gần đây, các khu vực của Nhật Bản chao đảo khi số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tiến sát mốc 2 triệu. Trước bối cảnh trên, Tokyo và các tỉnh khác đang yêu cầu chính quyền trung ương đặt các khu vực này vào tình trạng khẩn cấp quốc gia theo đó có thể yêu cầu các nhà hàng rút ngắn thời gian hoạt động và ngừng phục vụ rượu, cũng như yêu cầu người dân tránh di chuyển sang các khu vực khác
Tính đến sáng 19/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 10.568.835 trường hợp, trong đó có 235.092 ca tử vong và 9.358.338 ca bình phục. Trong tổng số 975.405 ca đang điều trị thì có 2.969 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.564.578 ca nhiễm COVID-19 và 93.551 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 73.973 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 73.580 ca. Hiện khu vực này có tổng số 2.049.397 trường hợp ca mắc COVID-19, với 5.096 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 1.876.035 ca, tiếp theo sau là Fiji với 59.785 ca.
Nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh đang bùng phát, chính phủ Australia vừa “kích hoạt” một thỏa thuận với hệ thống bệnh viện tư nhân, qua đó có thể huy động hơn 57.000 y tá và hơn 100.000 nhân viên của hệ thống này tham gia công tác phòng chống dịch trên khắp đất nước. Theo đánh giá của Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt thì động thái trên là một phần của kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19 đã được xây dựng từ trước./.