KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/04/2022 - Lượt xem: 98
Thế giới ghi nhận hơn 6,1 triệu ca tử vong vì COVID-19

Tính đến sáng ngày 4/4/2022 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 491.556.331 ca nhiễm COVID-19, trong đó 6.175.684 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 771.344 ca nhiễm mới và 1.766 ca tử vong vì dịch.

Anh đang có khoảng 5 triệu người được cho là mắc COVID-19 trong tuần qua - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. (Ảnh: newssky.com)
Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 180.326.705 ca nhiễm, trong đó có 1.775.718 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 140.956.297 ca nhiễm và 1.405.003 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 96.660.475 ca nhiễm và 1.443.929 ca tử vong; Nam Mỹ có 56.200.035 ca nhiễm và 1.288.810 ca tử vong; châu Phi có 11.763.970 ca nhiễm bệnh và 252.873 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 5.648.128 ca lây nhiễm và 9.336 ca tử vong.
Hết ngày 3/4, châu Âu ghi nhận 284.038 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 694 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Đức, Anh là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19. Hiện Pháp ghi nhận 25.997.852 ca nhiễm bệnh và 142.506 ca tử vong; . Đức ghi nhận 21.646.375 ca lây nhiễm, trong đó 130.563 ca tử vong vì COVID-19; Anh có 21.216.874 ca nhiễm và 165.570 ca tử vong vì dịch bệnh.
Anh đang có khoảng 5 triệu người được cho là mắc COVID-19 trong tuần qua - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca nhập viện và tử vong cũng đang tăng song không quá mạnh. Giới chuyên gia Anh cho biết số ca mắc mới tăng vọt chủ yếu do sự lây lan của biến thể BA.2, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể ban đầu Omicron, vốn hoành hành tại nước này hồi đầu năm nay. Làn sóng lây nhiễm mới diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Anh quyết định dừng việc xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 khi nước này chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Điều này đang làm dấy lên quan ngại số ca mắc mới có thể tăng hơn nữa, kéo theo số người nhập viện và tử vong tăng theo. 
Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm 411.439 ca mắc mới và 830 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Trong ngày qua, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 234.301 ca nhiễm, trong đó 306 ca tử vong.
Tại Nhật Bản, dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng trở lại.  Nước này đang chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm mới tại hầu hết các địa phương. Trong khi đó, các chuyên gia y tế nước cảnh báo nước này đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới. Báo cáo mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho biết chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Nhật Bản gỡ bỏ các biện pháp ứng phó dịch bệnh khẩn cấp cùng với một các biện pháp hạn chế khác, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng tại 44 trong tổng số 47 tỉnh của nước này. Ngày 3/4, Nhật Bản ghi nhận 47.377 ca mắc mới và 48 ca tử vong do sự lây lan mạnh của "biến thể tàng hình" BA.2 của Omicron.
Trung Quốc hiện đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ nước này đã kiểm soát được làn sóng dịch đầu tiên hồi năm 2020. Hơn 20 khu vực đã báo cáo số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trong vài tuần qua. Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 trên toàn thành phố lớn nhất nước này trong ngày 3/4 và sẽ tiến hành xét nghiệm acid nucleic ngày 4/4 trong nỗ lực ngăn chặn sự tái bùng phát dịch COVID-19 gần đây.
Song song với những biện pháp phong tỏa tạm thời và xét nghiệm diện rộng, giới chức và các nhà cung cấp ở Thượng Hải đang chạy đua với thời gian để bảo đảm việc cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày kịp thời cho người dân ở thành phố này. Các nhà kho tạm được lập để tăng lượng dự trữ rau xanh. Giới chức địa phương cấp xác nhận cho các công ty vận chuyển để đưa hàng kịp thời đến những khu vực đang thuộc diện phong tỏa. 
Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.722.954 ca nhiễm COVID-19, trong đó 100.050 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ethiopia...
Tiến sĩ Ridhwaan Suliman thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ (CSIR) của Nam Phi nhận định, một biến thể mới với tên gọi Deltacron (sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron) đã xuất hiện tại Nam Phi và có thể sẽ gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5 tới ở nước này. Bên cạnh việc khuyến khích những người mắc bệnh nền tiêm nhắc lại, ông Suliman cũng cho rằng Nam Phi hiện đã có mức độ miễn dịch dân số cao, khi các nghiên cứu gần đây cho thấy 68% - 80% người dân có khả năng miễn dịch. Cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nam Phi kêu gọi người dân tiếp tục duy trì tinh thần cảnh giác vì dịch COVID-19 vẫn chưa bị "đánh bại", đồng thời khuyến khích tất cả những người trên 12 tuổi tiêm chủng.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 12.229 ca nhiễm COVID-19 mới và 119 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama…
Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 29.995.638 ca nhiễm, trong đó 660.192 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Đại dương ghi nhận có thêm 56.841 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 37 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/
Tin liên quan