Hơn 1 năm qua, bản tin COVID-19 hằng ngày của Bộ Y tế đã trở nên quen thuộc. Cứ đều đặn vào 18h mỗi chiều, số ca mắc mới, số đang điều trị tại bệnh viện, số khỏi bệnh và tử vong... sẽ được Bộ cung cấp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân. Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra mới đây, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo tạm dừng thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày.
Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% - cơ bản đáp ứng tiến độ. Đến hết quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1/2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.
Đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỉ lệ chết/số ca mắc trên toàn quốc giảm sâu. Tỉ lệ tử vong/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%), ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9% nhưng số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%.
Cùng với đó, 63 tỉnh, thành phố cũng đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Mặt khác, Bộ Y tế cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; Hướng dẫn cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần...
Với những lý do đó, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày để tránh gây hoang mang cho người dân vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
Đồng tình ý kiến với Bộ Y tế về việc tạm dừng công bố ca mắc mới, một số ý kiến cho rằng vì con số công bố hằng ngày hiện nay cũng không chính xác, chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, nhiều người mắc tự chữa, không khai báo, do đó không đánh giá đúng tình trạng dịch bệnh, vì vậy có thể dừng công bố ca mắc mới. Bên cạnh đó, việc dừng công bố ca nhiễm mới sẽ tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Hơn nữa hầu hết ca nhiễm hiện nay biểu hiện nhẹ do đã được tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19. Tại nhiều nước trên thế giơi cũng đã không còn công bố ca nhiễm hằng ngày nữa.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, việc cần làm bây giờ không phải là truy vết, không làm đồng loạt mà nên tập trung vào ca nặng, nguy kịch và ca nguy cơ. Đặc biệt là việc phát hiện sớm, đưa vào bệnh viện các ca nguy cơ để điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ: Đến thời điểm này chúng ta không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, quan tâm số ca nặng bao nhiêu, tử vong bao nhiêu và lý do tử vong là gì? Chúng ta nên phân tích tử vong ở đối tượng nào, đã tiêm vắc xin hay chưa, có phải tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không? Từ những phân tích đó để điều chỉnh đưa việc mắc COVID-19 trở thành bệnh không gây chết người, không tránh được việc ca nhiễm tăng.
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, nếu không công bố ca nhiễm COVID-19 sẽ khiến mọi người nghĩ rằng dịch đã chấm dứt, không thực hiện nghiêm quy tắc 5K và càng dễ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nắm bắt xu hướng dịch bệnh, địa phương có số ca nhiễm cao để hạn chế di chuyển đi đến.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, dừng công bố số ca nhiễm nhưng các nhà quản lý và ngành Y tế vẫn có thể áp dụng phương pháp giám sát dịch bệnh khác, ví dụ như giám sát điểm hoặc báo cáo số liệu của từng địa phương, sau đó đưa ra dự báo để cảnh báo người dân. Nói cách khác, các nhà quản lý và ngành Y tế vẫn phải nắm số ca nhiễm, từ đó mới đánh giá được xu thế của dịch và có biện pháp xử trí phù hợp.
“Trong giai đoạn mở cửa, thích ứng linh hoạt, chúng ta nới lỏng chứ không buông trôi, thả lỏng. Việc cảnh báo đến người dân có thể bằng nhiều cách như đưa ra các biện pháp hạn chế hay nới lỏng, chứ không nhất thiết dựa vào công bố số ca nhiễm hằng ngày. Hoặc có thể công bố hàng tuần, mức độ trầm trọng của việc phát sinh những ca nhiễm mới" - PGS Phu nói.
Luồng ý kiến khác thì cho rằng, Bộ Y tế phải công bố số ca nặng phải nhập viện và tử vong hằng ngày và đề nghị các địa phương công bố 7 chỉ số đánh giá mức độ dịch của địa phương. Bởi theo một số chuyên gia, số ca mắc mới là 1 trong 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, nhưng số ca mới sẽ luôn đi trước số chuyển nặng và tử vong, nếu ngưng đếm, thả lỏng bây giờ là buông xuôi, chưa được. Tuy nhiên khi công bố thông tin thì chỉ cần thông báo số ca nặng và tử vong, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Và khi số mắc mới tăng rất cao có thể đề xuất dừng đếm ca sẽ được chấp thuận nhưng các cơ quan y tế vẫn phải nắm số ca nhiễm để đánh giá xu thế của dịch để có biện pháp xử lý.
Như vậy, việc có nên công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày nữa hay không cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tình trạng chủ quan, lơ là hoặc đánh giá không đúng, không đủ về tình hình dịch bệnh.
Song song với đó, cần dựa trên các phương pháp giám sát dịch bệnh để dự báo lúc nào và tại đâu dịch bệnh lên cao điểm, mức độ trầm trọng ra sao, có biến thể mới hay có quá tải hệ thống y tế hay không? Từ đó đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu người dân phòng bệnh. Đặc biệt, cần tập trung tuyên truyền các biện pháp dự phòng và đáp ứng, hướng dẫn người dân điều trị, khuyến cáo biện pháp phòng bệnh. Không để xảy ra trường hợp không công bố ca mắc mới mà chúng ta lơ là phòng dịch…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn