Tại phiên thảo luận đã có 46 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và nêu rõ, các nội dung nêu trong báo cáo đã bảo đảm đầy đủ những vấn đề trọng tâm, đáp ứng yêu cầu giám sát tối cao của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm mà Đoàn giám sát đã tập trung giám sát như: việc ban hành, thực hiện các định mức, chế độ, tiêu chuẩn; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng; trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới; các đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách trước mắt và dài hạn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các nội dung yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần triển khai trong thời gian tới với những mốc thời gian trong dự thảo Nghị quyết cũng như trong báo cáo đề xuất của Đoàn giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” của Quốc hội (về tên gọi, bố cục, nội dung, các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng cơ quan) và 4 phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết liên quan đến việc theo dõi, đôn đốc, giám sát, xử lý các dự án trọng điểm trước mắt (gồm các dự án, cụm dự án đầu tư công sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả; các dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; các dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án công trình chưa đưa đất vào sử dụng).
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thứ Ba, ngày 1/11/2022: Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự./.