Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030".
Tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng
Đề án nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.
Tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt. Thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi.
Đề án được triển khai trong giai đoạn 2023-2030, đồng thời với Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.
Định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu "Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài"
Đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Cụ thể, tổ chức hội nghị kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm, hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với các điểm cầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức giáo dục trong nước, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Khuyến học, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Định kỳ tổ chức cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu "Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài" thông qua các hoạt động vì cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận, có sức ảnh hưởng như: Tổ chức hệ thống giáo trình dạy tiếng Việt có uy tín, được nhiều kiều bào tin dùng; có sáng kiến xây dựng tủ sách/hệ thống tư liệu học tiếng Việt cho các em thiếu nhi người Việt Nam ở nước ngoài; có dự án-mô hình lớp học tiếng Việt hỗ trợ miễn phí cho thanh thiếu niên kiều bào; từng đạt giải thưởng về tiếng Việt ở cấp độ quốc gia thông qua các kỳ thi liên quan đến tài năng tiếng Việt; các cuộc thi liên quan đến tiếng Việt (sáng tác thơ, bài hát, hùng biện, kể chuyện...). Đại sứ tiếng Việt ở nước ngoài có nhiệm vụ lên kế hoạch bài bản, hệ thống thực hiện quảng bá tiếng Việt thông qua các hoạt động công chúng, truyền thông, báo chí, nghệ thuật... hướng đến cộng đồng.
Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật "Tiếng Việt thân thương" tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có sự tham gia của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, biểu diễn nghệ thuật ở trong nước và tại các nước có đông cộng đồng người Việt Nam; kết hợp cùng các nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài thực hiện những sản phẩm nghệ thuật quảng bá tiếng Việt trong cộng đồng.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền và các đại sứ quán ở nước sở tại tổ chức các hoạt động quảng bá ngôn ngữ các nước, lồng ghép chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt với các hoạt động đối ngoại tại địa bàn.
Tổ chức các buổi tọa đàm tìm kiếm các mô hình dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (đặc biệt là các mô hình giảng dạy, giao lưu trực tuyến với sự tham gia của các giáo viên, sinh viên, thanh niên và thân nhân kiều bào trong nước cũng như các hoạt động ngoại khóa tiếng Việt, trại hè cho con em kiều bào).
Tổ chức chương trình "Tri ân" các cá nhân đóng góp tích cực lan tỏa tiếng Việt
Nhân dịp Ngày Tôn vinh tiếng Việt hằng năm, Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam...), các địa phương tổ chức chương trình "Tri ân" ghi nhận, động viên các cá nhân, gia đình, tổ chức, hội đoàn có đóng góp tích cực trong phong trào giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng. Đồng thời tri ân và ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, giáo viên, thanh niên và thân nhân kiều bào trong nước có sáng kiến, đóng góp cho hoạt động phát triển, duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chính thức ra mắt cổng thông tin phục vụ Kênh đào tạo trực tuyến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì và điều phối.
Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá trong và ngoài nước hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt.
Phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp-nông dân-nông thôn giai đoạn 2022-2025
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ truyền hình tuyên truyền về đối ngoại; về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa phục vụ cộng đồng; về nông nghiệp-nông dân-nông thôn giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu nhằm thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó chú trọng quảng bá các giá trị về lịch sử, văn hóa dân tộc, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, tạo cầu nối giữa người dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ người dân trang bị kiến thức, kỹ năng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa.
Thông tin nhằm nâng cao nhận thức, giúp bà con nông dân tích cực, chủ động tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nhiệm vụ của các dịch vụ truyền hình tuyên truyền là phải tổ chức sản xuất các chương trình truyền hình đảm bảo nội dung thông tin chính xác, kịp thời, khách quan, hữu ích, có tính chuyên biệt và hình thức thể hiện sinh động, hiện đại, hấp dẫn; đáp ứng các mục tiêu trên; thực hiện phát sóng các chương trình truyền hình trên các kênh chuyên biệt thông qua các hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình và tổ chức phân phối nội dung trực tuyến.
Quy mô dịch vụ
Phương thức thực hiện theo quy định của pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Theo quyết định, quy mô dịch vụ truyền hình đối ngoại: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa mỗi ngày không quá 3,74 giờ sản xuất phát mới và biên tập khai thác lại, tương đương 1.365 giờ/năm.
Dịch vụ truyền hình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hiểm họa, phục vụ cộng đồng: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa mỗi ngày không quá 3,67 giờ sản xuất phát mới tương đương 1.330 giờ/năm.
Dịch vụ truyền hình nông nghiệp-nông dân-nông thôn: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa mỗi ngày không quá 3,5 giờ sản xuất phát mới tương đương 1.270 giờ/năm.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa, dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 3/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức dạy văn hóa, dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp và các cơ quan liên quan (trong đó có Văn bản số 21/BC-BTP ngày 07/2/2022 của Bộ Tư pháp) để chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát Văn bản số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019, văn bản số 2570/BGDĐT-GDTX ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ động xử lý các vấn đề liên quan để bảo đảm văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ tuân thủ đúng quy định của pháp luật cả về nội dung và hình thức.
Bên cạnh đó, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp xử lý các vướng mắc liên quan đến việc dạy văn hóa, dạy chương trình giáo dục thường xuyên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc dạy giáo dục nghề nghiệp trong các trường phổ thông theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống nhất giải pháp đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phù hợp để các trường trong khối văn hóa nghệ thuật có đủ cơ sở tuyển sinh bình thường theo quy định.
Miễn nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 927/QĐ-TTg phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Phan Văn Đa vì lý do sức khỏe./.