Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy định nội dung của mỗi chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính, phân tố chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) gồm 6 bước:
1- Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP.
2- Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.
3- Biên soạn số liệu GDP, GRDP.
4- Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP.
5- Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP.
6- Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.
Bảo đảm tính thống nhất, minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP
Nghị định nêu rõ nguyên tắc biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP phải bảo đảm thực hiện tập trung, thống nhất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); bảo đảm tính thống nhất và minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP; đáp ứng việc tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu GDP, GRDP dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng.
Việc biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP còn phải bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống và kết nối ở tất cả các bước của quy trình biên soạn; bảo đảm tính logic, tương thích, phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác.
Về phương pháp, Nghị định quy định số liệu GDP được biên soạn theo phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm; phương pháp thu nhập đối với kỳ 5 năm.
Số liệu GRDP biên soạn theo phương pháp sản xuất đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm.
Các chỉ tiêu biên soạn chủ yếu gồm: Quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng GDP, GRDP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp thu thập thông tin; tổng hợp thông tin từ bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để biên soạn GDP, GRDP.
Bộ, ngành cung cấp thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP theo quy định của chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP theo Biểu số 01/TKQG, Biểu số 02/TKQG, Biểu số 03/NLTS, Biểu số 04/NLTS, Biểu số 05/CNXD và Biểu số 06/TMDV quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cung cấp thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP theo Biểu số 01/TCT, Biểu số 02/TCT, Biểu số 03/TCT, Biểu số 04/TCT, Biểu số 05/TCT, Biểu số 06/TCT, Biểu số 07/TCT, Biểu số 08/TCT, Biểu số 09/TCT và Biểu số 10/TCT quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Trình Chủ tịch nước tặng quà cho người có công dịp Tết Nguyên đán 2023
Tại Văn bản 7564/VPCP-KGVX ngày 9/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch nước về việc tặng quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Mức quà cho người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất gồm 2 mức: 300.000 đồng/suất (tăng 100.000 đồng/suất so với các dịp Tết trước) và mức 600.000 đồng/suất (tăng 200.000 đồng/suất).
Cụ thể, mức quà 600.000 đồng/suất tặng người có công với cách mạng thuộc các nhóm đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đến Cách mạng Tháng 8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh mất sức từ 81% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất; thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên đang hưởng trợ cấp tuất.
Mức quà 300.000 đồng/suất tặng người có công với cách mạng thuộc các nhóm đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống; thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 80% trở xuống; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người có công giúp đỡ cách mạng; đại diện thân nhân liệt sĩ; người thờ cúng liệt sĩ (trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tính toán, cả nước có hơn 1,5 triệu người có công thuộc diện tặng quà Tết theo các mức kể trên, với tổng kinh phí hơn 460 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Bệnh viện Xây dựng tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 chuyển Bệnh viện Xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo đó, Bệnh viện Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng được chuyển nguyên trạng về Đại học Quốc gia Hà Nội để quản lý và tổ chức lại thành Bệnh viện Đại học Y Dược trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quyết định nêu rõ các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nội vụ, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp và có văn bản hướng dẫn thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận nguyên trạng Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.
Bộ Xây dựng và Đại học Quốc gia Hà Nội chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương thực hiện việc chuyển giao và tiếp nhận Bệnh viện Xây dựng theo đúng quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/