KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 25/10/2022 - Lượt xem: 117
Thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử diễn ra toàn trình bằng phương tiện điện tử

Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử

Sáng 25/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) có 08 chương và 57 điều.
Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) đã sửa đổi, chi tiết hoá cách thức xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Bổ sung quy định điều kiện đảm bảo giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Bổ sung quy định về chứng thư điện tử nhằm tháo gỡ vướng mắc về kết quả giao dịch để có thể đưa một giao dịch lên trực tuyến toàn trình (end-to-end).
 Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Ảnh: TH.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề lớn nhất trong việc thúc đẩy giao dịch điện tử toàn trình chính là việc kết quả cuối cùng vẫn cấp văn bản giấy. Hiện nay, mới chỉ có quy định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử ở cấp Nghị định. Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình, toàn bộ từ đầu đến cuối bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) quy định về dịch vụ tin cậy, trong đó ngoài dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (dịch vụ chữ ký số công cộng) và dịch vụ cấp dấu thời gian đã có và được triển khai trên thực tế, dự thảo Luật bổ sung thêm dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu…
Bảo đảm chặt chẽ, khả thi quy định chuyển nhượng chứng thư điện tử
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ: Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Đa số ý kiến Ủy ban KH,CN&MT tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Pháp luật của một số quốc gia đã mở rộng phạm vi điều chỉnh GDĐT đối với nhiều lĩnh vực. Theo đó, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa khoản 1 Điều 1 như sau: “Luật này quy định về các thành tố cơ bản và nguyên tắc của các phương thức, biện pháp thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế, dân sự, hành chính công và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh vì cho rằng sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, vẫn có nhiều nước chưa áp dụng việc thực hiện GDĐT trong một số lĩnh vực (đặc biệt như đất đai, thừa kế). Việc cấp trực tiếp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn… thông qua mạng có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch. Một số giấy tờ sử dụng trong GDĐT mang thông tin liên quan “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình” có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt, vi phạm Hiến pháp.
Về chứng thư điện tử, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, quy định pháp luật hiện hành về GDĐT mở ra nhiều cơ hội cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (giao dịch tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ…). Tuy nhiên, nếu quy định như Điều 21 của dự thảo Luật thì các TCTD phải gia tăng chi phí, tăng thời gian vận hành khi cung cấp chứng thực điện tử chữ ký số theo yêu cầu. Mặt khác, trong GDĐT, chứng thư điện tử có thể bị chiếm quyền kiểm soát bởi tổ chức, cá nhân khác. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định “khẳng định được sự kiểm soát duy nhất” tại điểm a khoản 2 Điều 21 vì có thể dẫn đến việc không bảo vệ được đầy đủ, thực chất quyền của chủ sở hữu. Quy định chuyển nhượng chứng thư điện tử tại Điều 22 là chưa rõ ràng, cụ thể, cần nghiên cứu chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Về dịch vụ tin cậy, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng việc quản lý loại hình dịch vụ này nên tập trung giao cho một cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy. 
“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cho phù hợp với pháp luật trong các lĩnh vực. Đề nghị rà soát, chỉnh sửa quy định tại Điều 33 về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy (điều kiện kinh doanh) bảo đảm sự thuận lợi, minh bạch khi thực hiện”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nói.
Liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý GDĐT từ người dân và doanh nghiệp gửi, không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong GDĐT./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/

Tin liên quan