Trong năm 2022, Việt Nam ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng, cho thấy nhiều "điểm sáng" cùng sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp.Hiện Việt Nam có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Phong trào mới tại các địa phương
Mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ tại các địa phương trên cả nước. Các tỉnh, thành phố tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ và các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong các ngành, lĩnh vực. Trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Hiện Việt Nam có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Việc thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có ba đại diện vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng là điểm nhấn kết nối, khẳng định vị thế Việt Nam trong khởi nghiệp.
Những năm gần đây, để hình thành, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Ðà Nẵng đã có chính sách đặc thù về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa...
Thông qua các chính sách này đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ từ các viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn. Các chính sách đã xác định mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo liên kết, kết nối cung-cầu công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ...
Ðà Nẵng hiện đạt tỷ lệ bình quân 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, là địa phương có tỷ lệ cao thứ hai cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh); có 44 nghìn người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (chiếm 7,5% lực lượng lao động). Bên cạnh đó, Ðà Nẵng là địa phương có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam với 41,75 Mb/giây; mạng dữ liệu di động phủ sóng 100% khu vực dân cư...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Ðà Nẵng, Trưởng Làng công nghệ Metaverse Việt Nam Võ Ðức Anh, thị trường khoa học và công nghệ của thành phố đang từng bước hình thành nhưng chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ. Lượng giao dịch hàng hóa công nghệ chưa nhiều, tốc độ phát triển chậm và thị trường còn nhỏ lẻ; việc hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học còn hạn chế.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng chú trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của địa phương. Kết quả là nhiều nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được đưa vào sản xuất và đời sống, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vũ Thị Hiếu Ðông cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu năng suất lao động tăng 6,2- 6,5%/năm; năng suất các nhân tố tổng hợp trong tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 40% GRDP. Tỉnh cũng phấn đấu tối thiểu 40% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, kết nối với đối tác trong và ngoài nước…
Ðể đạt các mục tiêu nêu trên, tỉnh Sóc Trăng đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh được tham gia, thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, trọng tâm là đổi mới sáng tạo; phát triển các thế mạnh liên quan đến khoa học kỹ thuật của địa phương. Ðồng thời, hỗ trợ tỉnh xây dựng các mô hình ứng dụng, các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực: trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, quản lý khai thác biển…; triển khai các dự án gắn với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Sóc Trăng" cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST25 trên địa bàn tỉnh, đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài…
Đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế
Từ năm 2017, Việt Nam sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách liên quan nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ðến nay, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất. Bộ chỉ số đánh giá theo 80 tiêu chí, tùy từng địa phương để thay đổi tiêu chí cho phù hợp. Kết quả áp dụng tại 20 tỉnh, thành phố cho thấy có 18 địa phương được lọt vào xếp hạng. Thủ đô Hà Nội có điểm số cao nhất là 61.07 (xếp hạng 1), tiếp theo là Ðà Nẵng (56.69, hạng 2) và Thành phố Hồ Chí Minh (52.27, hạng 3); Sơn La là địa phương có điểm số thấp nhất (26.49, xếp hạng 18).
Ðến nay, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất.
Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, các địa phương cần sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác, chỉ đạo điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của các địa phương và quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với WIPO và các đơn vị, tổ chức liên quan để triển khai đánh giá, sử dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; hỗ trợ các địa phương trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng và cách thức thu thập, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng; xây dựng các nhóm chuyên gia theo từng lĩnh vực để thiết kế các chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính khả thi trong thu thập dữ liệu và phục vụ tính toán, xếp hạng. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang đề xuất Chính phủ cho triển khai chính thức Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo từ năm 2023 trên phạm vi toàn quốc.
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi địa phương trên cả nước xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nguồn: https://nhandan.vn