KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 29/10/2021 - Lượt xem: 145
Thực hiện an sinh xã hội là trọng trách của hệ thống chính trị và toàn xã hội

Hệ thống an sinh xã hội trong tình hình mới cần định hướng rõ mục tiêu phát triển vì con người, coi trọng bao trùm xã hội, thay đổi căn bản nhận thức về vị trí, vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong các trụ cột an sinh, giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước và hội nhập sâu hơn với quốc tế.

Công tác an sinh xã hội được TPHCM đẩy mạnh nhằm hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mặc dù an sinh xã hội là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống chính sách xã hội ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta quan tâm xây dựng, song sau 35 năm đổi mới hệ thống an sinh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Các chính sách tuy được ban hành nhiều, song thiếu đồng bộ, và chưa đến tay đối tượng cần hỗ trợ khi triển khai trên thực tế. Chất lượng các dịch vụ công còn thấp, các biện pháp an sinh nhằm khắc phục khó khăn trong điều kiện bất thường, như đại dịch Covid-19, còn chậm trễ, chưa đảm bảo công bằng, bao trùm và bền vững. Hệ thống an sinh xã hội trong tình hình mới cần định hướng rõ mục tiêu phát triển vì con người, coi trọng bao trùm xã hội, thay đổi căn bản nhận thức về vị trí, vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong các trụ cột an sinh, giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước và hội nhập sâu hơn với quốc tế.
HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI TỐT GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUỐC GIA
Khi đánh giá vai trò của an sinh xã hội (ASXH), Ngân hàng Thế giới đã nhận định rằng một hệ thống ASXH được thiết kế tốt sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của quốc gia (1). Thông qua hệ thống ASXH, nhà nước tiến hành phân phối lại thu nhập và dịch vụ cho người nghèo và những nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương, góp phần giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ tái nghèo, tiến tới thu hẹp bất bình đẳng xã hội. ASXH là một trong những hợp phần quan trọng của các chương trình, chiến lược phát triển nhằm mục tiêu ổn định xã hội, thu hẹp bất bình đẳng, tạo nên sự đồng thuận xã hội trong quá trình phát triển. ASXH, do đó, vừa có tính kinh tế, vừa mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc (2).
Ở Việt Nam, các trụ cột cơ bản của hệ thống ASXH gồm tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và giảm nghèo do nhà nước làm chủ đạo, tạo ra một lưới an toàn nhiều tầng cho tất cả các thành viên, các nhóm xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập, khi gặp rủi ro, hoạn nạn, đau ốm, bệnh tật,... ASXH còn nhằm nâng cao khả năng ứng phó khi mất việc làm, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, và vì vậy, ASXH góp phần quan trọng vào phát triển xã hội bền vững. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, kinh tế suy thoái và tình hình an ninh quốc tế biến động khó lường, ASXH trở thành một trụ cột quan trọng, góp phần ổn định chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân ở Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người lao động và doanh nghiệp, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg về việc thực hiện gói hỗ trợ gần 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho các lao động bị mất việc, suy giảm thu nhập và các doanh nghiệp chịu tác đông của đại dịch Covid-19.

Hệ thống ASXH nước ta là một ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, như được ghi nhận trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của Việt Nam. Bản Hiến pháp công nhận quyền được hưởng bảo hiểm xã hội của công nhân viên chức nhà nước, chăm sóc những người già cả, người khuyết tật, trẻ em mồ côi. Truyền thống nhân ái, sẻ chia, “lá lành đùm lá rách” được nhấn mạnh trong các hoạt động tập thể và sinh hoạt cộng đồng. Ngay từ trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ASXH đã được quan tâm. Việc khám chữa bệnh, học hành, phân công việc làm được nhà nước đảm bảo và dựa trên nguồn lực bao cấp. Bảo trợ xã hội trong giai đoạn này tuy ở mức tối thiểu nhưng đã góp phần thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, ASXH theo mô hình bao cấp không còn phù hợp, đòi hỏi huy động các nguồn lực trong xã hội, với sự tham gia của những chủ thể ngoài nhà nước, cũng như nhận thức đầy đủ hơn về sự vận hành bền vững của hệ thống an sinh trong dài hạn.
ASXH ngày nay được đảm bảo và trở thành quyền hiến định tại điều 34 của Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”. Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 xác định: “An sinh xã hội là sự bảo đảm mà xã hội cung cấp cho mọi thành viên trong xã hội thông qua việc thực thi hệ thống các cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn sinh kế”(3). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(4). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn đề cập khá cụ thể những vấn đề cần tiếp tục đổi mới như chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; thực hiện các biện pháp chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm,... Qua đó, xác định đúng vị trí, vai trò của ASXH đối với sự phát triển đất nước, phù hợp với tình hình mới, là cơ sở và điều kiện để người dân được thụ hưởng nhiều hơn thành quả tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Có thể nói, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành các chủ trương, chiến lược phù hợp, từng bước đáp ứng các nhu cầu an sinh như hỗ trợ việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội, và các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin, v.v...). Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người càng trở nên phong phú, nhu cầu ASXH chưa được đáp ứng của các tầng lớp dân cư trở nên đa dạng. Do đó, đối tượng thụ hưởng được mở rộng cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng tới mục tiêu công bằng cho tất cả mọi người. Công bằng xã hội vừa là mục đích, vừa là sự biểu hiện tập trung nhất mục đích của ASXH, đó là thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người, trợ giúp các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhằm tạo dựng bao trùm xã hội.
Để có một hệ thống ASXH bền vững ở Việt Nam thì cần định rõ vị trí của ASXH trong chiến lược phát triển, tăng cường chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân, cộng đồng và các tổ chức xã hội, trong đó nhà nước là chủ thể chính với vai trò chủ đạo. Trên cơ sở đó mở rộng độ che phủ, bảo đảm cho mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm tham gia, thụ hưởng và chia sẻ lợi ích của ASXH. Cần ưu tiên các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương không loại trừ hay bỏ sót đối tượng nào, dựa trên sự kết hợp đồng bộ ba chức năng phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro của ASXH.
MỘT SỐ HẠN CHẾ, THÁCH THỨC ĐỐI VỚI AN SINH XÃ HỘI HIỆN NAY
So với đổi mới tư duy kinh tế, nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội còn chậm, coi ASXH là trách nhiệm hoàn toàn của nhà nước. Vì vậy, đến nay ASXH vẫn chưa thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các chủ thể và nguồn lực xã hội. Các hoạt động an sinh hiện đang bộc lộ sự thiếu đồng bộ về thể chế trong điều kiện kinh tế thị trường khi các dịch vụ công không còn được bao cấp như trước, dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Nguồn lực của nhà nước dành cho ASXH chủ yếu dựa vào ngân sách với khả năng hạn chế. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, trợ cấp xã hội mới chỉ đến được một bộ phận đối tượng yếu thế. Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội đa dạng và chưa theo kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường; chất lượng các dịch vụ xã hội nhìn chung còn thấp, với không ít tiêu cực, rào cản và thủ tục phiền hà trong tiếp cận dịch vụ. Nhiều nhóm cư dân không thể ứng phó với những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thậm chí bị loại trừ trong các chinh sách hỗ trợ. Chênh lệch mức sống gia tăng gây thiệt thòi cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương, hạn chế cơ hội và điều kiện tiếp cận các dịch vụ an sinh. Việc xác định đối tượng hỗ trợ còn thiếu khách quan, chưa thống nhất. Không ít hộ gia đình có điều kiện nhưng vẫn có tên trong danh sách được hỗ trợ của dự án giảm nghèo. Trong khi đó, các đối tượng yếu thế lại không có khả năng tiếp cận được chương trình an sinh và bảo hiểm xã hội. Họ không chỉ rơi vào vòng xoáy đói nghèo, mất thu nhập mà còn đồng thời chịu gánh nặng bệnh tật, sức khỏe kém, không có đất sản xuất, thiếu vốn,... Hiện nay, nhiều rủi ro khó lường, luôn rình rập trong cuộc sống như tai nạn giao thông, đau ốm, dịch bệnh, thiên tai, đe dọa tính mạng của người dân và thách thức sự bền vững của an sinh xã hội.
Đặc thù của ASXH nước ta là sự bao cấp về nguồn lực hoạt động. Nhà nước đảm nhiệm cùng một lúc hai chức năng: vừa là người ban hành chính sách, vừa là người thực hiện chính sách thông qua bộ máy hành chính các cấp, dẫn đến sự thiếu phân tách giữa quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ. Cán bộ chính quyền tại nhiều địa phương vừa xét duyệt đối tượng hỗ trợ, vừa thực hiện việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng. Trong khi đó, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho ASXH còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách công, với diện che phủ thấp và mức hỗ trợ có hạn. Người dân nông thôn, nhất là các dân tộc thiểu số là những nhóm xã hội phải đối mặt với những rủi ro, khó khăn trong cuộc sống. Người dân ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp đang gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa đủ sức hỗ trợ kịp thời trong những tình huống cấp bách, khủng hoảng.
Có thể nói, do nguồn lực và các biện pháp bảo vệ, bảo trợ của hệ thống an sinh còn hạn chế nên người dân chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của gia đình, người thân mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn (5). Tuy nhiên, sự biến đổi của giá trị xã hội , chuẩn mực đạo đức, thu hẹp quy mô và cấu trúc gia đình, cùng với những xung đột và rạn nứt trong quan hệ dòng họ, cộng đồng đang đặt ra những thách thức đối với các thành viên trong gia đình, đòi hỏi việc xây dựng một hệ thống ASXH hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, và phù hợp với tình hình mới.
Hệ thống ASXH tuy từng bước mở rộng về phạm vi và đối tượng, song chất lượng các dịch vụ nhìn chung còn hạn chế. Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, số lượng người lao động rút sổ bảo hiểm một lần gia tăng cho thấy niềm tin của xã hội vào hệ thống này còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ được ban hành song bất cập khi vào thực tế, chưa bảo đảm được sự bền vững của ASXH, thể hiện ở tỷ lệ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm xã hội và giữa các khu vực, vùng miền. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, và thất nghiệp ở thành thị, nhất là trong thanh niên, còn cao. Tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định vĩ mô đòi hỏi sự quyết tâm hy sinh lợi ích cục bộ, và thực hiện tái cấu trúc đối với hệ thống ASXH nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, tăng sức chống chịu trước những tác  động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh.
AN SINH XÃ HỘI ỨNG PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội. Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dẫn đến doanh nghiệp phá sản, hoặc ngừng sản xuất, lao động nghỉ việc. Tình trạng không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến trong mỗi làn sóng đại dịch, khiến cho hàng trăm nghìn lao động bị mất việc, hàng triệu lao động phải nghỉ giãn việc. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt lao động trong khu vực phi chính thức càng khó khăn hơn, do sinh kế của họ gắn nhiều với các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao. Trong tình hình đó, chính sách ASXH kịp thời sẽ góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người lao động và doanh nghiệp, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg về việc thực hiện gói hỗ trợ gần 62 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho các lao động bị mất việc, suy giảm thu nhập và các doanh nghiệp chịu tác đông của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có những khó khăn, bất cập phát sinh khi triển khai thực hiện gói hỗ trợ trên thực tế. Chỉ có bốn nhóm đối tượng nhận được hỗ trợ là: người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo trong danh sách. Sự hỗ trợ không đến tay nhiều đối tượng thực sự gặp khó khăn như lao động tự do, lao động bị mất việc trong khu vực phi chính thức, các doanh nghiệp gặp khó khăn do phải ngừng sản xuất, và nhiều đối tượng khác bị tác động nhưng không được hỗ trợ.
Chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân ở Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân ở Hà Nội (Ảnh: Duy Linh).

Việc rà soát, lập danh sách các nhóm lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng gặp nhiều trở ngại, kéo dài do thiếu căn cứ để thực hiện. Nhiều lao động làm việc trong doanh nghiệp hay khu công nghiệp bị tác động nhưng do không có hợp đồng lao động nên không có cơ sở để xem xét. Mặt khác, do mức hỗ trợ thấp, thời gian hỗ trợ ngắn (1-3 tháng, tối đa 3 tháng) nên nhiều hộ kinh doanh cá thể không đề nghị hỗ trợ. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tuy muốn vay vốn ngân hàng để trả lương ngừng việc cho người lao động song gặp khó khăn, với các quy định cứng nhắc như phải chứng minh tài chính, xuất trình hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm nên cũng không tiếp cận được gói hỗ trợ. Tính đến cuối năm 2020, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng chỉ giải ngân được 12,8 nghìn tỷ đồng (đạt tỷ lệ 20,6%). Sau một năm triển khai thực hiện, cho đến quý II năm 2021, cả nước vẫn chưa giải ngân được 1/4 gói hỗ trợ. Ngay cả các đối tượng ưu tiên trong diện được hỗ trợ tiền mặt cũng chỉ nhận được tổng số tiền bằng 1-2% quy mô gói hỗ trợ (6).

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư năm nay, rút kinh nghiệm từ những bất cập khi triển khai gói hỗ trợ 52 nghìn tỷ đồng, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ở những vùng tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ đã có những đổi mới trong cách làm, giúp cho tiền hỗ trợ đến được những hộ gia đình và cá nhân gặp khó khăn trong giai đoạn cách ly xã hội. Hộ chính sách, hộ nghèo, người lao động bị chấm dứt hợp đồng do đại dịch. Tuy nhiên, các lao động phi chính thức, lao động làm nghề tự do không có hợp đồng do chưa phải là đối tượng ưu tiên nên hầu hết không nhận được hỗ trợ. Số đông phải lo ăn, ở, sức khỏe sống qua ngày với nguy cơ lây nhiễm cao rình rập khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài hàng tháng. Cuối cùng, người lao động di cư tự quyết định rời thành phố và các khu công nghiệp về quê để tránh dịch bằng phương tiện cá nhân do không còn khả năng trụ lại. Đây không chỉ là nhu cầu mà là lựa chọn bắt buộc của đại đa số người lao động rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà lưới an sinh xã hội chưa đủ che phủ. Người lao động ồ ạt quay về quê hương vì không còn lựa chọn nào tốt hơn. Để giữ chân họ, không thể vận động, phong tỏa mà yếu tố quyết định để thu hút, giữ được tinh thần, động lực của công nhân và lao động cho các KCN, KCX hiện nay nằm ở phương thức phản ứng, vận hành, chính sách an sinh xã hội và chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp và địa phương nơi lao động sinh sống và làm việc.
THỰC HIỆN AN SINH XÃ HỘI LÀ TRỌNG TRÁCH CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN XÃ HỘI
Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho toàn dân là một chủ trương đúng và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Mục đích cơ bản của chính sách ASXH là nhằm đảm bảo đời sống nhân dân và ổn định chính trị-xã hội. Thực hiện ASXH là trọng trách của toàn thể hệ thống chính trị và trách nhiệm của toàn xã hội. ASXH là mục tiêu, thước đo quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Có thể nói, ASXH là một quyền cơ bản của con người, là tiêu chí quan trọng phản ánh trình độ phát triển của một quốc gia. Do đó, đầu tư cho ASXH cũng chính là đầu tư cho phát triển, cho con người.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận sau 35 năm đổi mới, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đảm bảo được tính bao trùm xã hội, mức độ minh bạch chưa cao và chưa huy động được sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước. Các chính sách an sinh tuy được ban hành nhiều, song bất cập, nhiều đầu mối, thiếu đồng bộ, và khi triển khai thực hiện thì không phù hợp với thực tế. Những cú sốc về giá cả, thị trường, dịch bệnh, thiên tai luôn tác động tiêu cực đến người dân đòi hỏi phải chỉ đạo kịp thời, quyết liệt. Trong khi đó, công tác hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về ASXH chưa được quan tâm ở các cấp.
Trong các cuộc khủng hoảng do thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19, hệ thống ASXH đã bộc lộ sự bất cập, thể hiện bằng phản ứng chậm chạp và thủ tục hành chính rườm rà, xa thực tế trong khâu thực hiện chính sách. Nhiều đối tượng yếu thế, đối tượng gặp khó khăn do đại dịch cần được hỗ trợ nhưng không nằm trong danh sách nên đã không thể ứng phó và ứng phó kịp thời với những tác động bất lợi của đại dịch đến việc làm, thu nhập, sinh kế và thậm chí tính mạng, cuộc sống.
Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các chương trình trợ giúp và cứu trợ xã hội theo hướng khả thi, linh hoạt, và kịp thời đến tay đối tượng, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Tập trung triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, nhất là ở các vùng dân tộc. Ưu tiên đầu tư nguồn lực tài chính cho ASXH, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa dựa trên sự đóng góp, chia sẻ của cộng đồng, doanh nghiệp, khu vực tư nhân, để có thể giảm bớt gánh nặng bao cấp của nhà nước và hội nhập sâu hơn với quốc tế. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các chương trình ASXH, tránh rò rỉ nguồn lực, đảm bảo hệ thống vận hành công khai, minh bạch và kịp thời trong hoạt động hỗ trợ. Quan tâm bồi dưỡng cán bộ và đào tạo đội ngũ làm công tác ASXH, tránh tình trạng gặp khó khăn về nhân lực khi xảy ra tình huống bất thường, khủng hoảng.
Mô hình ASXH của nước ta cần tiếp tục quán triệt và thể hiện mục tiêu phát triển vì con người, lấy người dân làm trung tâm. Cần bảo đảm để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong tình hình mới, việc tăng cường và hoàn thiện hệ thống ASXH trở thành một đòi hỏi bức thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cuộc sống và sức khỏe của nhân dân, tiến tới ổn định kinh tế-xã hội. Cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng luân cứ khoa học đối với các vấn đề thực tiễn và những thách thức đối với ASXH trong giai đoạn 2021-2030. Chú trọng xây dựng hệ thống an sinh thích ứng và phù hợp với tình hình mới nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong 10 năm tới.

Nguồn: https://tuyengiao.vn
________________________________________
 
(1) World Bank. 2008. The Growth Report: Strategies for sustained growth and inclusive development. Washington D.C.
(2) Đặng Nguyên Anh: An sinh xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất mô hình giải pháp, Tạp chí Xã hội học, số 1, H, 2013
(3) Ban cán sự Đảng Chính phủ: Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, H, 2010
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội. 2021.
(5) Đặng Nguyên Anh:Sự thiếu hụt chính sách an sinh xã hội cho các gia đình ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, H, 2018
(6) Ủy ban về Các vấn đề xã hội: Một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19,  Báo cáo chuyên đề, 2021.
Tin liên quan