Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến từ thực tiễn lãnh đạo từ các địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó thực hiện mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
* Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 198,8 liều vaccine phòng Covid-19, đủ tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi trong năm 2021. Tính đến ngày 19/11/2021, đã tiếp nhận 131,2 triệu liều; đã phân bổ 129,6 triệu liều (1,6 triệu liều chưa phân bổ do vaccine mới được tiếp nhận đang kiểm định).
Cả nước đã tiêm được hơn 106 triệu liều (trong tuần đã tiêm được 8,2 triệu liều, giảm 2 triệu liều so tuần trước đó); tỷ lệ tiêm 1 liều vaccine là 89,4%, 2 liều là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Kế hoạch sử dụng vaccine cho năm 2022 với mục tiêu 95% trẻ em và người lớn có chỉ định tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tiêm chủng đủ số liều cơ bản và liều nhắc lại trong năm 2022. Theo đó, tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi từ quý 4/2021, tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi từ năm 2022, tiêm mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi từ quý 4/2021.
Tiếp tục triển khai thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng tại 34 tỉnh, thành phố. Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị, tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, không có ca tử vong. Việc triển khai tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Về xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống Covid-19: Bộ Y tế đã rà soát các chiến lược, kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành của Việt Nam để xây dựng dự thảo Chiến lược. Bộ Y tế đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia; Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng; các bộ, ngành; UBND cấp tỉnh; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chiến lược, chính sách; các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF, USCDC) và tổ chức nhiều cuộc họp xin ý kiến, thảo luận về nội dung Chiến lược. Đến nay đang tổng hợp, tiếp thu ý kiến và tiếp tục hoàn thiện dự thảo lần thứ 8...
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128, Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, nhìn chung, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, bước đầu đạt mục tiêu đề ra. Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng biểu dương các địa phương thực hiện sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết 128 thời gian qua trong phòng, chống dịch.
Về tình hình sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, diễn biến dịch bệnh vẫn có chiều hướng phức tạp, do đó đòi hỏi phải nắm tình hình, dự báo phải sát hơn, tích cực hơn, chính xác hơn để thống nhất về nhận thức, chủ trương, các biện pháp thực hiện và tổ chức thực hiện tốt; đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ, giá xăng dầu, chi phí logistics và lạm phát ở một số nước còn tác động nước ta. Do đó, các bộ ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... nắm chắc tình hình liên quan giá cả, thị trường, chính sách tiền tệ và tài khóa, để có giải pháp phù hợp và chủ động ứng phó tình hình. Chúng ta đã chuyển trạng thái không còn “Zero Covid”, phải thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Trong công tác tuyên truyền, cần bám sát tình hình, kiểm soát rủi ro, đặc biệt là không để tăng nặng, không để tử vong. Việc theo đuổi “Zero Covid” là khó trong tình hình hiện nay. Chúng ta chấp nhận có ca nhiễm nhưng phải có biện pháp không để tăng nặng; tìm cách bình thường hoá an toàn, khoa học, phù hợp và hiệu quả với dịch Covid-19.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn, tổng kết, đánh giá đợt phòng, chống dịch tập trung đợt dịch thứ 4, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 trình các cấp thẩm quyền trước ngày 30/11. Thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy xã phường thị trấn triển khai công tác phòng, chống dịch, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện an sinh xã hội, kiểm soát trật tự an toàn xã hội. Các cấp, các ngành tiếp tục góp ý, bổ sung, hoàn thiện Nghị quyết 128, Quyết định tạm thời, Hướng dẫn 4800 để hoàn thiện từng bước các biện pháp, tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện phòng chống dịch. Trong quá trình này, chúng ta phải hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới; trước mắt vẫn phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128, Quy định tạm thời. Việc sáng tạo linh hoạt phải sát thực tế, báo cáo cấp thẩm quyền quyết định theo nguyên tắc bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, không để mỗi nơi một kiểu, ứng với cấp độ dịch nào phải đánh giá chính xác, có biện pháp về y tế, hành chính, trật tự an toàn xã hội, quản lý người dân phù hợp.
Triển khai nghiêm túc, chặt chẽ các quy định sát thực tế, tránh tình trạng đánh giá một kiểu, khi vận dụng, áp dụng lại một kiểu; phải rất linh hoạt, nắm chắc tình hình, có kịch bản phù hợp. Có kế hoạch, kịch bản hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương. Một thôn, một ấp có ổ dịch thì cả xã, phường tập trung vào làm. Một xã, phường bị ổ dịch thì các xã chung quanh, huyện tập trung vào. Tương tự là huyện có ổ dịch thì các tỉnh, các huyện chung quanh tập trung làm. Khi tình hình đòi hỏi thì có sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội. Các địa phương, cơ quan, đơn vị lên kế hoạch đẩy mạnh tiêm vaccine trong tháng 11 và 12, phấn đấu hoàn thành cơ bản tiêm 2 mũi cho người 18 tuổi trở lên trong năm 2021.
Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành, địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em để mở lại trường học an toàn, hiệu quả. Có kế hoạch tăng cường tiêm mũi 3 cho người dân đang tiêm 2 mũi. Chủ động về thuốc điều trị Covid-19; thuốc về phải phân bổ ngay, rút gọn về mặt thủ tục hành chính. Hội đồng đạo đức, cấp phép phải phối hợp, Bộ Y tế chỉ đạo việc này thực hiện các công việc liên quan thuốc và vaccine. Thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước từ năm 2022. Bộ Y tế phải chủ động, tuân thủ về mặt chuyên môn; cắt giảm tối đa về thủ tục hành chính với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vaccine. Các bộ, ngành địa phương phối hợp Bộ Y tế. Bộ cũng nghiên cứu, sớm ban hành quy định cách ly phù hợp, nhất là cách ly đối với những người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; tham khảo cách làm các nước. Quy định việc xét nghiệm và xã hội hóa việc xét nghiệm phù hợp tình hình, nhất là khi giá kit xét nghiệm đã giảm, được sản xuất trong nước thì phải tính phù hợp tình hình, điều kiện hoàn cảnh của nước ta.
Về an sinh xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát các chính sách đã có, xem xét cần bổ sung chính sách gì. Các bộ, ngành, địa phương chủ động kinh phí mua sắm. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để chỉ đạo, bảo đảm nhân dân di chuyển thuận lợi, không bị cản trở bởi thủ tục hành chính, các biện pháp chống dịch.
Các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống dịch; không được hoảng hốt, lo sợ trước các ổ dịch. Từng bước bình thường hóa Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý. Các tỉnh chưa có kế hoạch cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 128 phải làm sớm trước 30/11. Chính phủ sẽ hoàn thành Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và báo cáo.
Các bộ, ngành, Tiểu ban căn cứ tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm những quy định đã được ban hành; tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung. Nghiên cứu kiện toàn Ban Chỉ đạo phù hợp tình hình. Về công nghệ, Thủ tướng đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... phối hợp Bộ Công an để sử dụng các nền tảng, cơ sở dữ liệu đã có để kết nối, nhất là Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an tạo thuận lợi cho nhân dân. Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công an, Bộ Y tế quy định thủ tục xuất nhập cảnh phù hợp tình hình một cách khoa học, hiệu quả và hợp lý.
Bên cạnh việc đẩy mạnh phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội thì phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Việc phân bổ, tiêm vaccine phải công khai, minh bạch, chống mọi tiêu cực.
Nguồn: https://nhandan.vn