KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 19/07/2022 - Lượt xem: 111
Tích cực điều chỉnh chương trình môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông

Môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) thiết kế môn Lịch sử là môn lựa chọn trong giáo dục trung học phổ thông, gây nên nhiều ý kiến khác nhau. Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực điều chỉnh chương trình môn Lịch sử trở thành môn học có cả phần bắt buộc và phần lựa chọn.

Giờ học môn Lịch sử tại Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội.
Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống.
Môn học kết nối, liên thông kiến thức, kỹ năng
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Lịch sử góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), môn Lịch sử giúp học sinh phát triển năng lực lịch sử, biểu hiện của năng lực khoa học đã được hình thành ở cấp trung học cơ sở.
Môn học góp phần giáo dục tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, các phẩm chất, năng lực của người công dân Việt Nam, công dân toàn cầu phù hợp xu thế phát triển của thời đại. Bên cạnh đó, học Lịch sử cũng giúp học sinh tiếp cận và nhận thức rõ vai trò, đặc điểm của khoa học lịch sử cũng như sự kết nối giữa sử học với các lĩnh vực khoa học và ngành nghề khác; định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp như: nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, ngoại giao, quản lý, hoạt động du lịch, công nghiệp văn hóa, thông tin truyền thông...
Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại. Chương trình quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước; hướng tới việc hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, khám phá theo những nguyên tắc của khoa học lịch sử, thông qua đó giúp học sinh phát triển tư duy lịch sử và tư duy phản biện.
Chương trình bảo đảm phù hợp thực tiễn và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước và của các địa phương, các hình thức tổ chức giáo dục, chương trình tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt để có thể điều chỉnh phù hợp các địa phương và các nhóm đối tượng học sinh, đồng thời bảo đảm trình độ chung của giáo dục phổ thông trong cả nước, tương thích với trình độ khu vực và thế giới. Đáng chú ý, nội dung môn Lịch sử tạo cơ hội cho học sinh kết nối, liên thông với kiến thức, kỹ năng các môn học khác như Địa lí, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh...
Xây dựng thời lượng bắt buộc 52 tiết/tuần
Nghị quyết số 63/2022/QH15 (Nghị quyết 63) yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, ngành Giáo dục đang tích cực điều chỉnh môn Lịch sử theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 63, bảo đảm có phần bắt buộc với tất cả học sinh trung học phổ thông và có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng chuyên sâu về Lịch sử. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, 11, 12) để dạy cho tất cả học sinh.
Xây dựng kế hoạch biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình Lịch sử bắt buộc; tổ chức tập huấn trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện chương trình Lịch sử phần bắt buộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chọn cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bảo đảm các hoạt động; triển khai tập huấn đại trà về tổ chức dạy học chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc.
Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, đang triển khai sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.
Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì năm môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Với phương án điều chỉnh dự kiến nêu trên, chương trình cấp trung học phổ thông đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử). “Các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm một môn học trong các tổ hợp năm môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua”, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết/năm học không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giản từ chương trình môn Lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ và chất lượng như kế hoạch đã ban hành.
Vụ Giáo dục Trung học tổ chức hội thảo xin ý kiến, tổ chức, các nhà khoa học, giáo viên về chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học, để thực hiện tốt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan