KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Biển và Hải đảo Việt Nam
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 135
Tiếng chuông chùa ở Trường Sa

Phải rất lâu sau khi về đến nhà, qua những cảm giác chao đảo dư âm của cơn say sóng trong ngày cuối cùng trên biển mà người ta vẫn gọi là “say đất”, qua nhiều đêm mất ngủ nhớ về biển, về đảo lâng lâng trong tâm khảm, tôi mới lại lần giở những bức ảnh, những thước phim về Trường Sa trong ổ lưu trữ máy tính. Trong hồi quang của nỗi nhớ, bất chợt lòng tôi như vang lên một tiếng chuông chùa…

1- Sóng ở phía bình minh

Đại đức Thích Như Đạo, Phó Trụ trì chùa Trường Sa như múa ngọn bút lông, bằng các thủ pháp “phá bút”, “công bút” trên viên sỏi, những chữ “Đức”, chữ “Tâm”, chữ “Trung” hiện ra cùng dòng lạc khoản tạo thành bức tranh thủy mặc lung linh. Với những người lần đầu đến Trường Sa, hầu như ai cũng muốn mang về cho mình một món quà nhỏ kỷ niệm chuyến đi hiếm hoi và vô cùng ý nghĩa. Viên đá san hô, cũng là tác phẩm thư pháp của nhà chùa, theo chân mỗi người về đất liền như một lơi nhắn nhủ từ một dải hải đảo thiêng liêng…

Đại đức Thích Như Đạo tại Triển lãm ảnh về chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa(thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa) (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Như một cái “duyên” trong câu “tùy duyên” của nhà Phật, cùng với một số người lính Trường Sa, tôi đã ngồi trò chuyện với  Đại đức cả buổi tối hôm đó. Cách ngôi chùa chỉ vài chục mét, quảng trường thị trấn Trường Sa đang rộn rã đêm giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác từ đất liền và quân, dân trên đảo. Trong khói hương u tịch và ầm ào sóng biển bên kè đá sau chùa, bất giác, tôi cảm thấy khoảng cách giữa đạo vào đời thật gần. Không gian trầm lắng trong này và không khí sôi động ngoài kia dường như đang hòa vào nhau, cùng hướng đến sự an lạc của chúng sinh.

Vẫn ngấm ngầm tự kiêu một chút rằng, mình đã từng được theo thầy ăn dầm ngủ dề hàng tuần lễ trong vài ngôi chùa có tuổi đời hàng mấy trăm năm xứ Bắc, xứ Đông để nghiên cứu về mỹ thuật của người Việt qua nhiều giai đoạn của lịch sử, nhưng tiếng mõ tiếng chuông, tiếng kinh sớm chiều ngoài việc trở thành một kỷ niệm, một sự tĩnh lặng của tâm hồn thì với tôi, nó chẳng khác gì đàn gảy tai trâu. Ấy thế mà, ngắn ngủi trong có hơn tiếng đồng hồ, dưới tán bàng vuông xanh mướt mát một cách lạ kỳ đang âm thầm nở những bông hoa có vẻ đẹp kiều mị cạnh nơi đảo nhỏ, tôi như dần “cảm” được cái uyên nguyên của đạo Phật. “Rồng nghe kinh mà mộ đạo/ Cá đọc kệ được thành tiên”*, sau này, tôi vẫn đùa rằng, lúc ấy, những cảm giác như là bàng hoàng chợt đến, tôi như được khai môn về đạo pháp, mà lại là khai môn kiến sơn, mở cửa ra thấy núi cao lừng lững. Thật ra, câu chuyện xoay quanh mấy chuyện quê quán, nhà cửa, chùa miếu mỗi nơi. Rồi loanh quanh thế nào, lại quay về kiến trúc của ngôi chùa nhỏ sau Tam quan nổi lên hàng chữ quốc ngữ giản dị mà như một sự khẳng định chủ quyền “Chùa Trường Sa” trước mặt. Sử Việt từ ngàn đời vẫn thế, Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, thăng trầm cùng sự hưng vong của dân tộc, có dân là có chùa; có chùa rồi sẽ có tăng, ni. Những người dân biển đất Việt ngàn năm đương đầu với gió bão, đặt mạng sống của mình trên đầu ngọn sóng, niềm tin của họ vào sức mạnh của chính mình chưa lớn bằng niềm tin vào đấng siêu nhiên, vào sự bao dung của đức Phật. Đến nỗi những sinh vật như cá Ông Voi, cá heo thường cứu mạng người cũng được cho là sự hiển hiện của Phật hay do Phật cử đến. Trong lòng có Phật, thế nên việc cư dân Trường Sa dựng chùa tô tượng cũng chẳng phải là ý định của một vài năm hay một vài chục năm trở lại đây.

Đại đức Thích Như Đạo cùng các chiến sĩ tại  Trường Sa (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vẫn biết những bậc chân tu thường là khổ hạnh để hoằng dương Phật pháp, nhưng tôi vẫn đồ rằng, hẳn các nhà sư khi phát tâm tu hành ở các đảo trên quần đảo Trường Sa phải là những nhà sư khổ hạnh nhất. Bằng vào sự quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, quân dân huyện đảo Trưởng Sa những năm gần đây đã cơ bản phủ xanh đảo bằng những mướt mát trù phú của rau màu, đã nuôi trồng và đánh bắt thủy sản để tự cung tự cấp. Nhìn những nụ cười tươi rói của đám thanh niên và ánh mắt trong trẻo sáng ngời, tiếng ríu ran  của bầy trẻ nhỏ  trong những lớp học ở các đảo chúng tôi đã đến thì đủ thấy rằng, cuộc sống của cư dân trên đảo đang dần đuổi kịp mặt bằng chung của đời sống nhân dân cả nước. Tọa lạc trên một cộng đồng dân cư như thế, hẳn đời sống của chư tăng các chùa cũng không đến nỗi kham khổ quá. Dù vậy, buổi chiều, sau khi vào lễ Phật, dạo một vòng quanh chùa, thấy vạt rau xanh sau Nhà Tổ đã thoáng một chút băn khoăn, cho rằng dù tươi tốt, đám rau ấy cũng chẳng đủ chu cấp cho các thầy trong chùa. Với cuộc sống chay trường, đám rau ấy chỉ đủ để các đại đức dùng một cách cầm chừng. Các bữa ăn, chủ yếu là đậu, củ được tích trữ ngày này qua tháng khác. Phải thế chăng, mà nhìn chư tăng, ngoài nước da sạm màu nắng gió và mặn mòi biển cả, vẫn thấy phảng phất trên gương mặt sự se sắt thường thấy ở dòng khổ tu.

Kham khổ thế, nhưng việc Phật sự không bị chư tăng xao nhãng. Khi thăm Chùa, trong lung linh huyền ảo khói hương, tôi nhìn thấy những pho tượng Phật ngọc, nghe nói là quà tặng của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng cung tiến cho chùa Trường Sa, vẫn không mảy nay một hạt bụi, tiếng chuông tiếng mõ vẫn du dương dưới lồng lộng gió biển mặn mòi. Bước qua Tam quan, du khách như lại trở về với không gian thâm trầm tĩnh lặng của ngôi chùa thân thuộc ở một làng quê Bắc Bộ. Có cảm giác rằng, các nhà sư không chỉ làm mỗi công việc độ pháp cho cư dân nơi đây, mà còn góp phần quan trọng trong việc lưu giữ hồn Việt ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.

Suốt hành trình trong chuyến công tác ấy, hầu như cứ sau mỗi đêm, tỉnh dậy là chúng tôi đã nhìn thấy một đảo hay một nhà giàn trong quần đảo Trường Sa thân yêu. Những hôm dậy sớm ra ngắm bình minh, khi đằng đông đám mây bắt đầu hồng rực và mặt biển như có ai vừa vung ra một xấp vàng quỳ, câu thơ cổ mà Đại đức Như Đạo đọc cho tôi hôm ấy lại hiện lên: Hải nhật sinh tàn dạ, giang xuân nhập cựu niên, mặt trời mọc lên trên biển là đêm sẽ tàn lụi, dòng sông xuân ùa vào làm mới mẻ cả ngày tháng cũ. Trong rực rỡ ánh bình minh, dường như tiếng chuông chùa vẫn ngân nga ngân nga lấp lánh dát vàng trên mênh mênh mang mang bình yên sóng nước quê hương.

2- Uy thần biển đảo

Giờ thì thầy Như Đạo đã là Trụ trì chùa Sơn Ca, thuộc đảo Sơn Ca- một đảo tiền tiêu phía bắc của quần đảo Trường Sa. Trước khi Đại đức đến nhận nhiệm sở mới, tôi lại được gặp thầy. Chuyến đi dài ngày mùa biển động từ Trường Sa Lớn về Khánh Hòa khiến cho Đại đức trông tiều tụy hẳn, dù vẫn không làm cho vẻ rắn rỏi và an nhiên, tĩnh tại mất đi. Đại đức kể, có những lúc sóng to, các thầy phải nằm bệt một chỗ, chẳng ăn uống được gì mấy bữa liền, đến nỗi ngồi trong nhà nói chuyện mà nghĩ chuyến đi tới là đã thấy vương vất chao đảo. Nhưng tâm chí thành nguyện chí thiết được hành trì ở nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước thì gió to sóng cả có là gì. Vả lại, việc Phật sự một ngày không thể thiếu, việc tâm linh của nhân dân đảo tiền tiêu càng chẳng thể xao nhãng, vượt qua gian lao càng  nhanh đến được chính quả.

Đảo Sơn Ca (lấy từ internet)

“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp”, Phật pháp ở tại thế gian, không xa rời thế gian. Hàng nghìn năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Không kể đến những bậc “quốc sư” như Khuông Việt, Vạn Hạnh hay Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngay đến những nhà sư chùa làng qua các thời kỳ lịch sử, cũng đều có những hành động góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiếp nối tinh thần hộ quốc an dân ấy, các nhà sư âm thầm hành trì Phật pháp trên những vùng biên giới, hải đảo đang góp phần  trách nhiệm công dân của mình vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chuyến đi tới Trường Sa, nhìn những ngôi chùa, những bóng cà sa lồng lộng trên các đảo, tôi như được nghe lại lời ân cần nhắc nhở của thiền sư Viên Chứng với vua Trần Thái Tông:  Sơn bản vô Phật, duy tồn hồ tâm, trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta. Phật không chỉ hiển hiện nơi Tam bảo, Phật tính được thể hiện ở những hành động thiết thực vì cuộc sống chúng sinh, đặc biệt là ở những nơi còn nhiều gian khó như các đảo tiền tiêu của đất nước như Trường Sa, Hoàng Sa. Những ngôi chùa ấy, các nhà sư ấy không những đang góp phần củng cố niềm tin và tình yêu biển đảo quê hương cho đồng bào, chiến sĩ cả nước, mà còn là một trong những chỗ dựa về mặt tinh thần cho chính cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang lao động và rèn luyện giữ vững chủ quyền đất nước trên quần đảo thân yêu.

            … Để bây giờ, chiều chiều nghe tiếng chuông vang lên từ mái chùa làng, lòng tôi lại miên man như từng đợt sóng ầm ào nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Ở nơi ấy, có những con dân đất Việt dù ngày đêm vẫn phải vật lộn với phong ba bão tố hay canh cánh sự cơ cảnh với giặc giã vẫn an nhiên tự tại, sừng sững là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền đất nước. Ở nơi ấy, như lời hịch từ ngàn năm sang sảng vọng về giữa trung khơi, uy linh của giang sơn vẫn hằng hiển hiện: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ”*.  

            Phạm Minh Hoàng

 -------

* Những câu đối ở chùa Trường Sa  

 

 
Tin liên quan