Những mô hình hiệu quả
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Thực tế, chỉ có những vùng, hợp tác xã tổ chức liên kết sản xuất tốt, tìm kiếm được thị trường giải quyết được đầu ra cho sản phẩm thì mới đứng vững trước những biến động.
Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) được thành lập từ năm 2017 với 12 thành viên, diện tích thanh long 35 ha. Từ năm 2018, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với 5 hợp tác xã mới thành lập trong huyện và các hộ nông dân trong vùng, nâng diện tích tiêu thụ thanh long lên hơn 160 ha.
Tất cả thanh long tươi của thành viên hợp tác xã và hộ liên kết, các hợp tác xã trong chuỗi liên kết được Hợp tác xã Hòa Lệ bao tiêu đầu ra. Thanh long của Hợp tác xã Hòa Lệ được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã Hòa Lệ đã liên kết với Công ty TNHH Màu xanh Vĩnh Cửu xuất hàng đi Mỹ với sản lượng 65 tấn/tháng; liên kết với Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka xuất hàng đi Nhật Bản với sản lượng 72 tấn/tháng; liên kết với Công ty TNHH Phát triển thương mại quốc tế Song Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Ðộ với sản lượng trung bình 116 tấn/tháng; liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 210 tấn/tháng.
Năm 2021, mặc dù thị trường tiêu thụ có nhiều biến động, nhưng nhờ có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, sản phẩm thanh long của Hợp tác xã Hòa Lệ vẫn có đầu ra ổn định và đã xuất khẩu 6.000 tấn thanh long.
Anh Ðỗ Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ cho biết, việc ký hợp đồng với các đơn vị xuất khẩu để có thị trường tiêu thụ thanh long ổn định đã tạo sự yên tâm cho các thành viên hợp tác xã và các thành viên ngày càng đoàn kết, gắn bó với tập thể để cùng nhau phát triển. Hợp tác xã đã tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động ở địa phương.
Từ năm 2020, hợp tác xã đã nghiên cứu đưa ra thị trường hơn 10 sản phẩm chế biến từ thanh long sạch như: Rượu vang; nước cốt thanh long trắng, đỏ lên men; kem; mứt; nước ép thanh long; bia thanh long; kẹo; thanh long sấy dẻo... Góp phần tăng giá trị của quả thanh long, tăng thêm thu nhập cho gia đình các thành viên hợp tác xã và người lao động… Hiện, hợp tác xã tiếp tục liên kết chuỗi tiêu thụ với 6 hợp tác xã sản xuất thanh long VietGAP trên địa bàn huyện và các tổ, vườn sản xuất của các huyện khác trong tỉnh để mở rộng diện tích tiêu thụ thanh long.
Còn Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có 100 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 100 ha. Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện cho biết, nhờ được hỗ trợ kinh phí chứng nhận chứng chỉ GlobalGAP và xây dựng nhà đóng gói đạt chuẩn trong dự án QSEAP nên nhiều doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài tới tham quan hợp tác xã và đặt hàng với số lượng lớn.
Hợp tác xã thực hiện ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng do thành viên sản xuất với mức giá cao hơn mức giá thị trường bên ngoài khoảng 2.000 đồng/kg trở lên. Mỗi năm, Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An gia công và xuất khẩu cho các đối tác khoảng 1.000 tấn thanh long. Ðây được xem là một trong những mô hình liên kết tiêu thụ thanh long thành công của tỉnh Tiền Giang…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 502 tổ hợp tác với 9.797 hộ; 35 hợp tác xã và một liên hiệp hợp tác xã với 673 thành viên. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 hợp tác xã có cơ sở sơ chế, đóng gói thanh long, thực hiện thu mua trái thanh long cho thành viên, tạo được liên kết trong sản xuất, sơ chế và tiêu thụ thanh long. Nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng lúng túng trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Văn Lanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết, toàn huyện hiện có 232 tổ thanh long VietGAP. Các tổ này gồm những nông dân trồng thanh long liền kề, tập quán canh tác giống nhau, chất lượng trái thanh long đồng đều. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ củng cố và hình thành tổ hợp tác, dần dần từng bước thay đổi tư duy của người nông dân sản xuất, tiêu thụ nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản lượng nhiều, chất lượng cao và liên kết với các doanh nghiệp đưa ra thị trường tiêu thụ ổn định, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động.
Thay đổi phương thức sản xuất
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác (Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, cái căn cơ nhất mà ở các vùng trồng thanh long rất khó làm đó là phát triển kinh tế tập thể. Phát triển hợp tác xã ở những vùng trồng thanh long rất khó so với những mô hình khác. Do biên độ lợi nhuận của thanh long rất lớn, tư duy của những người làm trong hợp tác xã vùng trồng thanh long là tư duy của một doanh nghiệp, chỉ chú trọng ở mảng lợi nhuận, chứ không chú trọng tới lợi ích cho cộng đồng, khi có rủi ro về thị trường là mạnh ai nấy lo, thân ai nấy lo vì vậy ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho rằng, để gắn kết sản xuất với tiêu thụ thì cần phải hoàn thiện chuỗi giá trị thanh long. Ðẩy mạnh liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo liên kết sản xuất với doanh nghiệp; giảm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian. Ðẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, số hộ sản xuất thanh long cũng cao nhất cả nước, chính vì vậy, Bình Thuận phải tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long tập trung quy mô lớn, tạo ra sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh một số nước chung quanh đang đầu tư phát triển mạnh cây thanh long.
Theo đó, rà soát lại tình hình sản xuất và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hợp lý, phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Phát triển tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long; xây dựng và kết nối hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ. Cùng với tiêu thụ sản phẩm tươi, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm tiêu thụ trái tươi.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: "Ðiều sống còn là phải tổ chức lại sản xuất, phải gắn sản xuất với thị trường. Các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Phát triển phải nhờ tư duy liên kết, tư duy hợp tác, buôn có bạn, bán có phường".
Người nông dân chính là người đầu tiên bắt đầu cho chuỗi ngành hàng, vì vậy phải quản lý người sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm" theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Phải thay đổi dần dần tư duy từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch vì đây là xu thế tất yếu.