KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 21/06/2015 - Lượt xem: 248
Tin Văn Giang góp phần chiến thắng

Nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu một bài viết về một tờ “báo huyện” được thực hiện trong thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khó.

Cách mạng Tháng Tám, thành công, cả nước có hai tờ báo lớn được phát về tận cấp huỵên. Đó là báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh  và báo Cờ Giải Phóng của Đảng Cộng Sản Đông Dương. Mọi việc tuyên truyền đến nhân dân lúc ấy chủ yếu bằng cách đứng trên bàn cao diễn thuyết trong các cuộc mít tinh hay phiên chợ, bằng truyền đơn, tờ rơi, khẩu hiệu viết trên tường, bằng phổ biến trong các cuộc sinh hoạt.

Tháng 11/1945 Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố giải tán, rút vào hoạt động bí mật, thì báo Cờ Giải Phóng cũng không còn nữa, duy nhất còn tờ Cứu Quốc được lưu hành ở nông thôn. “Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác” tỉnh Hưng Yên (thực chất là Tỉnh uỷ) có tập san Tiến Lên lưu hành bí mật trong các cấp uỷ. 

Tháng 12/1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí đưa về được đến nông thôn càng khó khăn hiếm hoi, nhận được tờ Cứu Quốc có khi phải hàng tháng vì tổ chức giao chuyển công văn tài liệu  của ta hoàn toàn phụ thuộc vào  đôi chân của cán bộ giao thông, liên lạc. Cán bộ  tuyên truyền thôn, xã được tờ báo thì rất vui sướng, vì có tài liệu để chiều chiều trèo lên chòi tre cao giữa làng  đọc qua chiếc loa cuốn bằng sắt tây cho dân nghe. Người đọc vừa phải nhìn vừa đánh vần những chữ khó, có lúc ngắc ngứ hàng giây, có lúc lại đọc liên hồi không cần chấm phẩy. Người nghe chăm chú nuốt từng câu từng lời.

Địch chiếm đóng, đồn bốt giặc mọc lên khắp chỗ, tổ chức và cơ sở cách mạng tan vỡ nhiều. Cán bộ hoạt động bí mật thường lấy báo cũ bọc vào hòn gạch, ném vào nhà dân hoặc rải trên đường làng, mục đích chính là để  dân tin tưởng: “Việt Minh  lúc nào cũng ở bên dân, không bạt hết lên rừng như bọn Pháp và Tề tuyên truyền đâu”. Bọn Bảo an ở các làng tề sáng nào cũng phải đi thu nhặt, chúng tức tối chửi bới Việt Minh và ra sức lùng sục bắt bớ.   

                                                            *

            Văn Giang bị giặc chiếm hoàn toàn, cơ quan huyện chạy xuống trú tạm tại Bô Thời (Khoái Châu), việc liên hệ với cấp trên  vất vả, chậm trễ. Tài liệu tuyên truyền cần mà không có. Một hôm anh Đông- Trưởng Phòng Thông tin, họp toàn phòng gồm ba người  lại nói rằng :

- Huyện giao cho Phòng ta phải biên soạn một loạt tài liệu chống giặc thu thuế, bắt phu, dùng chính sách người Việt đánh người Việt bằng thành lập các đội Bảo an, Dân Vệ ở các làng. Tài liệu cần nhiều, phương tiện in ấn lại không có, cả huyện chỉ có mỗi một máy chữ Rơ-manh-tông thì Văn phòng Uỷ ban sử dụng, chúng ta bàn thử xem có cách gì để in tài liệu không ?

Tôi chợt nhớ có đọc một bài báo nói cán bộ cách mạng thời kỳ trước Cách mạng in truyền đơn bằng bánh đúc và đất thó trắng, liền đề xuất và được phân công làm thí nghiệm ngay .

Thế là chúng tôi hì hục làm thử, cuối cùng cũng in được. Đó là cách lấy đất sét trắng nhào dẻo quánh đặt trong một khay vuông rồi phơi khô, sau đó viết truyền đơn, tài liệu bằng mực tím thật đặc trên giấy rồi áp vào đất, cắt dọc chuối thành từng đoạn ngắn xoa lên mặt sau tờ giấy. Chỉ lúc sau, mực trên tờ giấy đã in hết vào đất. Từ khuôn in này, chỉ cần lấy giấy áp vào và xoa nhẹ phía sau là có một bản in như bản chính. Lúc đầu mỗi bản viết chỉ in thêm được 3- 4 bản đã nhoè nhoẹt, sau rút kinh nghiệm dần nâng lên được 10- 12 bản, lại rõ ràng đẹp đẽ. Từ in mực tím, dần dân chúng tôi cải tiến  in được thêm mầu đỏ và xanh. Việc cải tiến cách in của chúng tôi đã được Ty Thông tin Hưng Yên biểu dương.

Từ “nhà in đất sét ”, Phòng Thông tin huyện Văn Giang sản xuất ra truyền đơn và tài liệu tuyên truyền kịp thời trong các ngày kỷ niệm. Lại ấn hành tờ “Tin Văn Giang” như tờ báo riêng của huyện. Anh Đông viết các bài chính trị ngắn, còn tôi vừa biên tập, vừa trình bầy, ấn loát ...

“Tin Văn Giang”  chia vễ mỗi xã chỉ được 3 tờ, cán bộ xã đọc rồi truyền khẩu trong nhân dân.

*

          Một tối mùa đông năm 1948, anh Thiện,  Chủ tịch huyện, sang thăm khi chúng tôi đã đi nằm. Từ ổ rơm dưới nền nhà chúng tôi chui ra. Dưới ngọn đèn tù  mù thấy tôi  lập cập khoác áo mặc quần, anh  hỏi, tôi phải thú thật:

- Nhà chủ nghèo chỉ  cho mượn 2 chiếc chiếu cũ, chúng em lót ổ rơm và trải trên một chiếc để nằm, còn một chiếc đắp, nhưng rét quá lại phải phủ rơm lên chiếu  rồi chui vào. Vậy mà ấm hơn chăn bông chính hãng đấy, anh ạ !

Cậu Giang lại láu táu ;

          - Thằng này nó có mỗi một bộ quân áo nâu để làm “ lễ phục”, sợ nằm ôm nhau rách mất nên đêm nào nó cũng cởi trần mặc quần đùi đi ngủ để thực hành tiết kiệm đấy ạ!

           Anh Thiện cười nhưng nét mặt buồn, nói với chúng tôi :

            - Kháng chiến lâu dài vất vả gian khổ mà, anh em ta còn phải chịu đựng. Bộ đội, du kích thì đánh địch bằng chông mìn, mã tấu, tầm vông... Còn các chú đánh địch bằng trí tuệ, bằng ngòi bút làm cho tinh thần địch rã rời, làm cho nhân dân phấn chấn tin tưởng. Qua các xã phản ảnh, bản tin của Phòng ta có nhiều tác dụng, có xã còn đưa cả vào đồn địch. Nhiều tên Bảo an dân vệ cũng nghêu ngao đọc ca dao của ta. Đấy, cứ viết ngắn gọn mà tác dụng như thế là được. Không có báo Trung ương, của tỉnh thì “Tin Văn Giang” cũng là báo riêng của huỵên ta đấy, cần in cho các xã nhiều thêm.

Ban Tuyên truyền Liên khu 3 mở lớp  ấn loát  cấp tốc, Phòng Thông tin cử cậu Giang đi học. Đầu năm 1949 chúng tôi chuyển sang in Li-tô, viết chữ ngược trên đá, lăn mực rồi in, được nhiều mầu, nhiều tờ, đẹp và rõ ràng  hơn in đất, nhưng cũng phức tạp và nhiều sự cố, cứ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có cách in tốt, tranh sách, tài liệu...sản xuất thuận lợi, việc tuyên truyền nhanh, nhậy, kịp thời  hơn trước nhiều .

Một hôm họp, anh Đông Trưởng Phòng phấn khởi thông báo  : 

         - Quyển sách nhỏ “Trận Phù Liệt” miêu tả trận đánh địch giữa ban ngày thu 12 súng của địch do Phòng ta biên soạn, được Ty Thông tin tỉnh khen ngợi, bên Huyện đội  đọc cho Đại đội Du kích nghe, anh em thích lắm đang đề nghị Phòng in tặng mỗi anh em một quyển.

Rồi anh đọc thơ :

         - Có nhà thơ Cách mạng viết “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, đem văn chương để lật đổ cường quyền...”, còn anh em ta thì :

Dùng ngòi bút đâm thủng toang tim địch.

Đem văn  thơ  giữ trọn một lòng tin ....

           Chúng tôi cùng cười ran và bàn ngay việc biên soạn và ấn loát tài liệu kịp đưa vào vùng địch tạm chiếm tán phát  trong các ngày kỷ niệm.

                                                                                                Phạm Minh Thu

Tin liên quan