KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 22/05/2018 - Lượt xem: 406
Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách Lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngay sau tái lập tỉnh (1997), ngày 26/3/1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Chỉ thị số 06 - CT/TU về việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử ngành và đoàn thể. Thực hiện Chỉ thị số 15 - CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 06/9/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên tiếp tục ban hành Thông báo số 1180-TB/TU về việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, các ngành và đoàn thể.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ngành, đoàn thể tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị của Trung ương; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ngành, đoàn thể tổ chức sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng ở các cấp, các ngành; tổ chức hội nghị tập huấn, tọa đàm, phát hành sách lịch sử đảng bộ ở các huyện, thành ủy và lịch sử các ngành, đoàn thể tỉnh.

Xác định nguồn lực, kinh phí cho công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử ngành và đoàn thể là yếu tố quan trọng. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng. Cụ thể, cấp tỉnh: Hỗ trợ 200 triệu đồng/đơn vị cho các đơn vị xuất bản sách Lịch sử, biên niên sự kiện, Kỷ yếu; 10/10 huyện, thành ủy đều có hỗ trợ kinh phí đối với các xã, phường, thị trấn và các ngành, đoàn thể với mức hỗ trợ  từ 20 đến 70 triệu đồng/đơn vị, tùy theo giai đoạn xuất bản.

Từ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, kể từ ngày tái lập tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập I (1929-1954)”, xuất bản năm 1998. Năm 2004, phát hành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập II, giai đoạn 1954 - 1975”. Năm 2009, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát hành cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập III, giai đoạn 1975 - 2005”. Ngoài ra, biên soạn 03 cuốn sách “Lịch sử tỉnh Hưng Yên” làm tài liệu giảng dạy tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để lưu danh các anh hùng liệt sĩ và các Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hưng Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, biên soạn và phát hành sách “Anh hùng liệt sĩ tỉnh Hưng Yên” (phát hành năm 2012), sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hưng Yên (1994 - 2015)” (phát hành năm 2016). Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã xuất bản sách lịch sử đảng; toàn tỉnh có 140/161 xã, phường, thị trấn xuất bản sách lịch sử Đảng bộ; 28/47 ban, ngành, đoàn thể tỉnh xuất bản sách lịch sử và kỷ yếu của ngành mình.

Nhìn chung, các công trình lịch sử đã xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Nhiều công trình đã tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm của địa phương, của ngành, góp phần quan trọng đối với công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đổi mới.

Hoàng Oanh

 

 

 

Tin liên quan