KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 18/01/2019 - Lượt xem: 1028
Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, phong trào đấu tranh cách mạng ở Hưng Yên (1929 - 6/1941)

Ngày 18-8-1945, Tỉnh ủy Hưng Yên quyết định tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 22-8-1945, cuộc biểu tình giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hưng Yên nhanh chóng đi đến thắng lợi, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập.

1. Tình hình kinh tế - xã hội ở Hưng Yên trước năm 1941

Hưng Yên là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, không có rừng núi, không có biển, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Bằng bàn tay cần cù, yêu lao động và khối óc không ngừng sáng tạo, nhân dân Hưng Yên đã lấy sức người cải tạo thiên nhiên, đắp đê làm thủy lợi, cải tạo vùng đầm lầy lau sậy mà trước đây được biết đến là vùng chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn thành những cánh đồng màu mỡ, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng làng mạc trù phú, từng bước ổn định đời sống.

Tuy nhiên, thời kỳ này sản xuất nông nghiệp của Hưng Yên vẫn chưa phát triển do nhiều nguyên nhân như: phương pháp canh tác lạc hậu; nông cụ thô sơ, cũ kỹ; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, nhất là nạn hạn hán, úng lụt; hệ thống thủy lợi lạc hậu do không được đầu tư, cải tạo.

Chính quyền thực dân, phong kiến ra sức vơ vét, bòn rút của cải, sức lao động của nông dân bằng cách: chiếm đoạt ruộng đất, lập trại ấp ở các địa phương trong tỉnh, đặt ra chế độ thuế khóa, tô tức nặng nề và thuê nhân công với giá rẻ mạt. Địa chủ lớn thường cấu kết chặt chẽ với thực dân Pháp để bóc lột người lao động, chỉ có một số ít địa chủ vừa và nhỏ là có cảm tình với cách mạng. Bên cạnh chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, tàn tích phong kiến còn tồn tại khá nặng nề. Người dân Hưng Yên phải sống trong cảnh lầm than, không những bị áp bức về mặt chính trị, bị bóc lột về kinh tế mà họ còn bị mê hoặc về văn hóa.

Thực dân, phong kiến mở rất ít trường học, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp giàu có và bè lũ tay sai. Cả tỉnh có duy nhất một trường trung học ở tỉnh lỵ, sau năm 1938 có mở thêm một trường trung học tư thục. Mỗi huyện có một trường tiểu học Việt - Pháp, đối tượng chiêu sinh cũng rất hạn chế. Vì vậy, trước năm 1945, 90% dân số Hưng Yên không biết chữ.

Đời sống vật chất của nhân dân Hưng Yên trước khi có tổ chức Đảng luôn trong cảnh cùng cực, nghèo đói. Đời sống tinh thần cũng vô cùng nghèo nàn. Người dân Hưng Yên phần lớn chịu ảnh hưởng của đạo Phật, duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, do đó, đền chùa được nhân dân chăm lo, tu bổ, tôn tạo. Song, bè lũ thực dân, phong kiến tay sai áp dụng chính sách ngu dân, thần quyền mê tín, duy trì những hủ tục phong kiến, khuyến khích sự tồn tại tràn lan của các tệ nạn xã hội nhằm dễ bề cai trị.

Ngoài ra, thực dân Pháp và bè lũ tay sai còn đầu độc nhân dân ta bằng rượu cồn, thuốc phiện. Phố phường, làng xã nào cũng đầy rẫy những cửa hàng bán rượu, thuốc phiện, tiệm hút. Riêng khu vực tỉnh lỵ Hưng Yên có tới 4 đại lý bán thuốc phiện, 2 đại lý bán rượu, 2 sòng bạc lớn, trên 30 nhà hát ả đào, nhà thổ,... Nhiều người vì nghiện hút mà khuynh gia bại sản, phải bỏ làng đi tha hương cầu thực.

Thời kỳ này, cả tỉnh chỉ có một nhà thương ở tỉnh lỵ, một bệnh xá ở Bần Yên Nhân, một phòng phát thuốc ở Trương Xá, mỗi huyện có một nhà hộ sinh. Việc khám, chữa bệnh rất hạn chế nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, có những trận dịch bệnh làm hàng trăm người chết.

Sự đè nén, áp bức, đối xử bất công của bọn thực dân, phong kiến đã ngày càng khoét sâu thêm mâu thuẫn vốn đã tồn tại giữa chúng với nhân dân Hưng Yên, thôi thúc quần chúng nhân dân, chủ yếu là tầng lớp sĩ phu, nông dân hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, nổi bật là Khởi nghĩa Bãi Sậy. Dựa vào địa thế thuận lợi (sậy tốt như rừng), sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của người dân, nghĩa quân đã dùng lối đánh phục kích để chống lại kẻ thù, giáng cho chúng những đòn tấn cống chí mạng, khiến chúng hoang mang, dao động trong mấy năm liền. Sau đó, thực dân Pháp tập trung lực lượng càn phá quyết liệt, do chênh lệch lực lượng giữa một bên thế địch mạnh, vũ khí hiện đại với một bên thế nghĩa quân mỏng, vũ khí thô sơ nên Khởi nghĩa Bãi Sậy đã thất bại. Tuy vậy nhưng tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân Hưng Yên vẫn không vì thế mà trùng xuống, luôn nung nấu mối căm thù quân cướp nước và bán nước, nỗ lực, kiên trì rèn luyện ý chí và chuẩn bị lực lượng để chờ thời cơ nổi dậy.

Những năm 1928-1929, cùng với phong trào yêu nước đang sôi nổi khắp mọi nơi, phong trào yêu nước của nhân dân Hưng Yên phát triển mạnh, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, đông đảo nhất là tầng lớp thanh niên lao động. Họ hăng hái tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, tích cực gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (được thành lập đầu tiên ở huyện Khoái Châu - là tổ chức tiền thân của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên).

Từ năm 1936, phong trào cách mạng ở Hưng Yên sau một vài năm lắng xuống tiếp tục được phát triển mạnh mẽ. Cùng với giai cấp công nhân (phu đường, thợ thủ công), tầng lớp nông dân cũng hăng hái tham gia các phong trào dân chủ, đồng thời lôi cuốn các tầng lớp khác ở thành thị và nông thôn như: dân nghèo thành thị, cai ký, học sinh, hương sư,... cùng tham gia. Được tiếp xúc với sách báo công khai của Đảng, tinh thần giác ngộ cách mạng của quần chúng nhân dân ngày càng cao; chứng kiến các cuộc mít tinh, đấu tranh của nông dân các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nội,... quyết tâm đi theo cách mạng của người dân ngày càng được thôi thúc, các cuộc vận động lấy chữ ký đòi thả tù chính trị, bầu cử nghị viện hàng tỉnh, tự do mua đọc sách báo của Đảng, đòi lập giáp cải lương, đòi tăng lương, giảm giờ làm,... diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu là các cuộc đình công của phu đường ở tỉnh lỵ, lập giáp cải lương ở xã Quế Ải (nay thuộc xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ), cuộc đấu tranh của Hội Dân đinh đòi nộp thuế trực tiếp không qua bọn cường hào ở xã Phán Thủy (nay thuộc xã Song Mai, huyện Kim Động). Kết quả của các cuộc đấu tranh đã đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân lao động, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị và củng cố một bước lòng tin của nhân dân đối với cách mạng. Thiết tha mong muốn thoát khỏi cảnh sống đói nghèo, áp bức bóc lột, người dân Hưng Yên luôn chất chứa mối căm thù sâu sắc đối với thế lực thực dân, phong kiến và bè lũ tay sai. Đây chính là thuận lợi lớn để tập hợp lực lượng cách mạng. Thời kỳ này, các phong trào cách mạng đã phát triển khá mạnh mẽ, nhưng vẫn ở mức phân tán, nhỏ lẻ. Muốn giành được thắng lợi lớn, cần phải có người đứng đầu và có tổ chức Đảng lãnh đạo.

 2. Quá trình hình thành và hoạt động của Chi bộ Đảng Sài Thị

Năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hưng Yên và sau 10 năm (1883), chúng hoàn thành ách cai trị trên toàn tỉnh. Kể từ đó, dù bị đàn áp dã man, cùng với phong trào yêu nước, khởi nghĩa trong toàn quốc, nhân dân Hưng Yên không ngừng có các hành động cụ thể, thiết thực nhằm giành lại độc lập cho quê hương. Năm 1925 nhiều nơi trong tỉnh như: Tỉnh lỵ Hưng Yên, huyện Khoái Châu đã dấy lên phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu.

Những năm 1928-1929, ở một số địa phương thuộc các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm đã có nhiều người tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Trong số đó, có những người là nhân vật chủ yếu của Việt Nam Quốc dân Đảng như: Phó Đức Chính, Lê Tùng Sơn, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), Tô Hiệu, Tô Chấn,... Năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc là cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về quê ngoại (thôn Đại Quan, huyện Khoái Châu) gây dựng cơ sở ở Sài Thị. Khi đồng chí Trạc chuyển đi nơi khác, đồng chí Cả Lâm (Tùng Sơn) về thay, tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ cho một số thanh niên yêu nước ở đây.

Cuối năm 1928, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị được thành lập, gồm bảy đồng chí. Đây là tổ chức Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên được thành lập ở Hưng Yên. Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị có nhiều hoạt động tích cực như: in tài liệu (tại nhà ông Đào Ngọc Hoan), xây dựng cơ sở, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vận động nhân dân đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính. Chi bộ phân công hội viên tới các thôn Thuần Lễ, Quan Xuyên, Lan Đình (huyện Khoái Châu), Giai Thôn, Ninh Thôn, ấp Nhân Lý (huyện Ân Thi) để tuyên truyền cách mạng. Cuối năm 1929, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị. Từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7-2-1930, được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, lãnh đạo ra đời đã đem đến vận hội mới cho giai cấp công nhân cũng như toàn dân tộc Việt Nam. Ngay sau Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhằm kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hưng Yên, cấp trên đã cử người về Sài Thị chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Sau khi thành lập, Chi bộ Đảng Sài Thị đã nhiều lần tổ chức treo cờ Đảng, dán áp phích, rải truyền đơn để giới thiệu Cương lĩnh của Đảng. Tuy số lượng đảng viên ở Hưng Yên lúc này chưa nhiều, cơ sở cách mạng chưa phát triển rộng nhưng sự ra đời của Chi bộ Đảng Sài Thị đã thức tỉnh lòng yêu nước của quần chúng nhân dân, thôi thúc họ sẵn sàng đi theo cách mạng. Trước hoạt động mạnh mẽ của Chi bộ Đảng Sài Thị và các tổ chức quần chúng cách mạng, thực dân Pháp đã tung những tên mật thám nhà nghề, ngày đêm lùng sục, rình rập ở những nơi có phong trào cách mạng để nghe ngóng tin tức. Chi bộ Đảng Sài Thị bị đánh phá dữ dội, đảng viên bị bắt gần hết, nhiều đồng chí bị bắt giam tại các nhà tù Côn Đảo, Sơn La, phần đông trong số đó đã anh dũng hy sinh. Đến tháng 8-1931, đồng chí Vũ Văn Hồ, đảng viên duy nhất còn lại ở Sài Thị đang tìm cách bắt liên lạc với Đảng bộ Hà Nội thì bị địch phát hiện và bắt giữ. Từ đây, Chi bộ Sài Thị tạm ngừng hoạt động, phong trào cách mạng ở Khoái Châu bị mất liên lạc với cấp trên nên tạm thời lắng xuống nhưng chưa bị dập tắt.

3. Quá trình vận động thành lập các Chi bộ Cộng sản ở huyện và tỉnh lỵ

Những năm 1931-1934 là giai đoạn đen tối của phong trào cách mạng ở Hưng Yên do địch khủng bố dã man. Hưng Yên mất liên lạc với Trung ương và Xứ ủy. Nhưng với truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, Hưng Yên vẫn bảo vệ được nhiều cơ sở cách mạng, vẫn khéo léo tiếp tế được cho các chiến sĩ cách mạng đang bị cầm tù và vẫn duy trì được phong trào đấu tranh hợp pháp với địch.

Ngày 26-7-1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương, tập hợp rộng rãi toàn dân, bao gồm các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, cùng đấu tranh đòi những quyền lợi cơ bản như: tự do hội họp, tổ chức; tự do ngôn luận, xuất bản; tự do đi lại, ân xá hết chính trị phạm,... Sau Hội nghị, do sự đấu tranh kiên quyết của Đảng ta, với sự ủng hộ tích cực của Đảng Cộng sản Pháp, hàng nghìn chính trị phạm ở các nhà tù đã được trả tự do, trở về hoạt động và gây dựng lại cơ sở cách mạng ở khắp các địa phương trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chi bộ Đảng Sài Thị khôi phục lại hoạt động và ngày càng phát triển. Chi bộ đã đề ra chủ trương, biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phù hợp. Tháng 3-1938, Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương đổi tên là Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ.  với đặc điểm, tình hình của địa phương nên thu hút được ngày càng đông đảo quần chúng tham gia cách mạng. Nhờ đó, uy tín của Đảng trong quần chúng ngày càng được củng cố, nâng cao và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc của nhân dân trong tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên có bước phát triển.

Cùng với phong trào yêu nước rộng khắp, việc thành lập và duy trì hoạt động của các Chi bộ Cộng sản ở Hưng Yên đã có những ảnh hưởng tích cực đến quá trình hình thành và phát triển phong trào yêu nước của nhân dân Hưng Yên.

- Thôn Ngọc Lập (xã Phùng Chí Kiên) là nơi đầu tiên của huyện Mỹ Hào nhận sách, báo của Đảng để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng phong trào cách mạng.

Tháng 10-1930, tổ chức cộng sản thôn Ngọc Lập được thành lập, gồm các đồng chí: Ngô Thị Nhung, Ngô Thị Sâm, Phạm Phan Hiền, Huy Chương, Ngọc Màu do đồng chí Tư Già phụ trách. Cơ sở đã tổ chức dạy chữ quốc ngữ và tuyên truyền giác ngộ cho thanh niên.

Dưới sự vận động, hướng dẫn của tổ chức cộng sản, đông đảo quần chúng đã được tuyên truyền, giác ngộ về chủ nghĩa Mác- Lênin, về Đảng Cộng sản. Ánh sáng cách mạng đã được thắp lên trên quê hương Mỹ Hào, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, cổ vũ đông đảo quần chúng nhân dân Mỹ Hào đứng lên đấu tranh.

- Thôn Ngu Nhuế (nay là thôn Tân Nhuế), xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tiếp giáp với các huyện Gia Lâm (Hà Nội) và huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều cán bộ Đảng hoạt động. Do có địa thế tiếp giáp giữa các tỉnh, thuận tiện cho việc giao lưu, gặp gỡ nên rất nhiều thanh niên yêu nước đã được tiếp xúc với cán bộ, được giác ngộ lý tưởng. Qua việc thường xuyên tiếp xúc với sách, báo, tài liệu tuyên truyền về tư tưởng mới của người cộng sản, về cách mạng, đã xuất hiện một nhóm thanh niên tiêu biểu, thể hiện rõ lòng yêu nước nồng nàn và ý chí, quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1936, một số đồng chí là cán bộ cách mạng sau khi trở về từ các nhà tù đã kết hợp với nhóm thanh niên yêu nước tiêu biểu đi vận động, gây dựng cơ sở cách mạng trong vùng. Cơ sở cách mạng ở Ngu Nhuế phát triển nhanh chóng, quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng và hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền, giác ngộ và xây dựng cơ sở cách mạng tại địa phương. Cuối năm 1937, tại thôn An Xuyên (nay là thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh) xuất hiện một nhóm thanh niên yêu nước tiến bộ. Nhóm thanh niên này tiếp xúc với nhóm thanh niên ở thôn Ngu Nhuế và được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Qua thử thách và rèn luyện, họ là những hạt giống đỏ của  phong trào cách mạng ở Văn Lâm và cả một vùng tiếp giáp ba tỉnh phía đông bắc của Hà Nội. Ngày 5-2-1938, tại thôn Liễu Ngạn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Chi bộ Cộng sản ghép Liễu Khê - Liễu Ngạn - Ngu Nhuế, Chi bộ Cộng sản ghép đầu tiên của khu vực nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên và đông Hà Nội, được thành lập. Chi bộ ra đời là kết quả quá trình giác ngộ, trưởng thành của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây cũng là Chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Văn Lâm, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện.

 - Ở huyện Văn Giang, lúc này, đồng chí Tô Hiệu, sau khi được trả tự do từ nhà tù ở Côn Đảo trở về đang bị thực dân Pháp quản thúc tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ. Đồng chí đã thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, Hội Tương tế, Hội Đá bóng, Hội Bát âm, Tổ đọc sách, báo nhằm tập hợp quần chúng để có cơ hội tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Khi phong trào đã phát triển mạnh mẽ, đồng chí vận động quần chúng đòi kỳ hào phải cải tổ hương thôn, chống hủ lậu, chống phụ thu, lạm bổ giành thắng lợi. Tiếp sau đó, đồng chí kêu gọi quần chúng làm đơn kiện lý trưởng, đưa người trong tổ chức ra thay thế. Phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ ở huyện Văn Giang ngày càng sục sôi, quyết liệt. Làng Xuân Cầu của huyện là cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, đã tổ chức nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho nhiều đồng chí cán bộ của Xứ ủy. Thời gian này, trên địa bàn thuộc khu vực phía nam tỉnh Bắc Ninh, phong trào dân chủ phát triển tương đối rộng dưới nhiều hình thức khác nhau, xuất hiện nhiều gương quần chúng kiên trung. Từ những yếu tố, điều kiện chín muồi đó, tháng 2-1939, Chi bộ Đảng ghép ở phủ Thuận Thành và các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Gia Lâm (Hà Nội),... đã được thành lập.

- Ở huyện Phù Cừ, từ năm 1937, một số thanh niên có trình độ văn hóa nhất định tổ chức thành lập Hội đọc báo tại làng Ải Quan và Quế Lâm, nhờ đó, quần chúng nhân dân được tiếp xúc với một số tờ báo cách mạng như Đời nay, Tân văn và Đông - Tây,.... Làm theo báo Đảng, các giáp cải lương, Hội ái hữu, Hội dân đinh (thường gọi là hội dân cày) được thành lập và phát triển mạnh mẽ, truyền bá tinh thần yêu nước và cách mạng vào quần chúng nhân dân. Thông qua báo chí tiến bộ, các giáp cải lương biết được tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, từ đó mà đẩy mạnh hoạt động của mình, vận động quần chúng tham gia vào cuộc đấu tranh chống phụ thu, lạm bổ của bọn cường hào trong mỗi kỳ sưu thuế; đả phá thói hư, tật xấu của chế độ thực dân, phong kiến ở nông thôn,... Những cuộc đấu tranh hợp pháp ấy đã đánh dấu sự trưởng thành về chất và nhuần nhuyễn về công tác tư tưởng, tổ chức, có sự thống nhất chặt chẽ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn lúc bấy giờ của các giáp cải lương. Cũng nhờ có báo Đảng, uy tín của các “hội kín” như: Hội dân đinh, Hội đọc sách, báo và một số hội khác được củng cố, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cách mạng thông qua trào lưu dân chủ, dân sinh được nâng cao, gây được tiếng vang đối với các huyện ở phía nam của tỉnh. Từ giữa năm 1939 trở đi, phong trào phát triển sang thôn Đại Duy, sau đó một số cơ sở ở thôn Đoàn Đào và Đình Cao,... lần lượt được thành lập.

Tháng 11-1939, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay thế cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Hội nghị thống nhất phương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh hợp pháp sang hoạt động bí mật; xác định mục tiêu đấu tranh là chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền thực dân, phong kiến phản động.

Nhận được chủ trương của Trung ương Đảng, các tổ ái quốc ở huyện Phù Cừ được củng cố và phát triển thêm. Sự phát triển của phong trào cách mạng ở huyện Phù Cừ đòi hỏi phải có tổ chức Đảng để trực tiếp lãnh đạo. Chính vì thế, đầu tháng 2-1940, Chi bộ Đảng Quế Ải được thành lập , trở thành mốc son đầu tiên sáng chói trong lịch sử phong trào cách mạng của huyện Phù Cừ. Đó là kết quả của quá trình vận động phong trào cách mạng ở Phù Cừ trong những năm 1938-1940.

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức bất ngờ tấn công Ba Lan, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp chủ yếu tìm cách trút gánh nặng chiến tranh lên các nước và lãnh thổ thuộc địa. Ở Đông Dương, thực dân Pháp một mặt ra sức vơ vét sức người và của để cung cấp cho chiến tranh ở chính quốc; hủy bỏ mọi quyền tự do dân chủ mà chúng buộc phải ban hành trước đây, tăng cường đàn áp phong trào cách mạng; giải tán các tổ chức công khai; ban bố quyết định đóng cửa các tòa soạn báo chí tiến bộ; thi hành chính sách kinh tế, chính trị, quân sự thời chiến. Mặt khác, chúng lại mưu toan đầu hàng, thỏa hiệp với phát xít Nhật - kẻ đã nhòm ngó Đông Dương từ lâu.

Tháng 6-1940, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức, lợi dụng tình hình đó, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Tháng 9-1940, thực dân Pháp hèn mạt đã dâng Đông Dương cho Nhật. Từ đây, nhân dân Đông Dương phải quằn quại sống dưới hai tầng áp bức bóc lột của phát xít Nhật - Pháp. Không thể kéo dài mãi cuộc đời trâu ngựa, không thể ngồi chờ để địch đẩy đến chỗ chết dần, chết mòn, nhân dân Việt Nam kiên quyết đứng lên chống lại kẻ thù. Với tinh thần ấy, cuối năm 1940, đầu năm 1941, chỉ trong vòng vài tháng, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và binh biến Đô Lương đã lần lượt nổ ra, báo hiệu một thời kỳ mới ở nước ta - thời kỳ nhân dân ta ở mọi miền nổi dậy dùng vũ khí đánh đổ bọn cướp nước và bè lũ bán nước, để giành độc lập, tự do.

Trước tình hình thế giới và trong nước lúc đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và kiện toàn lại vào tháng 11-1940. Hội nghị bàn về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng ở Đông Dương, xác định kẻ thù chính lúc này của dân tộc Việt Nam là phát xít Nhật - Pháp và bè lũ tay sai của chúng, tiếp tục khẳng định nhiệm vụ trước mắt của Đảng là chuẩn bị cuộc “võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập” và quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn - Võ Nhai và phát triển cơ sở.

Trung ương Đảng chỉ đạo cho toàn Đảng phải mau lẹ, khẩn trương rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, dựa vào nông thôn để xây dựng, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị.

Sau khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ, địch tập trung kiểm soát nghiêm ngặt, song địa bàn Hưng Yên vẫn an toàn. Cán bộ của ta đã tranh thủ các hội, dựa vào dân để tuyên truyền thuyết phục, gây dựng cơ sở cách mạng. Bên cạnh các hội nhỏ như: Hội tương tế, Hội hiếu hỷ,... còn xây dựng được nhiều tổ chức phản đế như: Thanh niên phản đế, Nông dân phản đế, Phụ nữ giải phóng... để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân. Các cơ sở cách mạng ở các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động,... hoạt động tương đối mạnh.

Ngày 28-1-1941, sau gần 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Tháng 5-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị lần thứ tám, đặt vấn đề dân tộc trong khuôn khổ của mỗi nước Việt Nam, Campuchia, Lào, với tinh thần là cách mạng dân tộc giải phóng của ba nước phải liên kết mật thiết với nhau. Ở nước ta, Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương. Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, đánh đổ đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc, đặt quyền lợi dân tộc giải phóng lên trên hết. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng của Đảng, phù hợp với nguyện vọng mưu cầu độc lập, tự do của toàn thể dân tộc, nhân dân ta.

Cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Hưng Yên lúc này đang phải sống cuộc sống điêu đứng, nghẹt thở; đời sống vật chất và tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn. Thảm cảnh điêu đứng đó, không những khắc sâu thêm lòng căm thù giặc của nhân dân trong tỉnh, trước hết là tầng lớp thanh niên tiên tiến, mà còn củng cố cho toàn thể nhân dân nhận thức, phải đứng lên làm cách mạng mới tìm được lối thoát. Đó chính là điều kiện khách quan, thuận lợi cho việc thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng trong thời kỳ mới; phát triển phong trào cách mạng ở địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn hoạt động, từ năm 1940 đến 1941, phong trào đấu tranh của nhân dân Hưng Yên đã có những bước phát triển vượt bậc, lan rộng khắp tỉnh.

Từ cuối năm 1939 đến năm 1941 là thời kỳ phong trào cách mạng ở Hưng Yên chuyển vào hoạt động bí mật, tranh thủ xây dựng và phát triển cơ sở, lực lượng, thống nhất phong trào cách mạng. Thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám: đào tạo cán bộ là công tác gấp rút, không thể bỏ qua, lơi là dù chỉ là một phút, đòi hỏi tất cả các cấp bộ của Đảng phải đặc biệt chú ý, việc huấn luyện cho đảng viên mới được giao trực tiếp cho cán bộ phụ trách. Nội dung giáo dục, tuyên truyền gồm có: chủ nghĩa cộng sản sơ giải, đường lối cách mạng của Đảng, năm bước công tác cách mạng, công tác chi bộ, công tác bí mật,...

Lúc này, phong trào cách mạng ở Hưng Yên phát triển nhanh và mạnh hơn trước, cấp trên đã cử thêm một số cán bộ về hoạt động và chỉ đạo phong trào như: đồng chí Tích Tạo, đồng chí Lý Anh, nữ đồng chí Nhung. Mặt khác, trong quá trình hoạt động đã xuất hiện nhiều nhân tố ưu tú, xứng đáng được bồi dưỡng để trở thành hạt nhân lãnh đạo các phong trào cách mạng. So với các tỉnh khác trong Liên tỉnh B lúc ấy, Hưng Yên là tỉnh có nhiều cơ sở cách mạng nhất và tương đối an toàn. Chính nhờ thuận lợi đó, Hưng Yên đã có những đóng góp đáng kể vào việc bảo vệ cơ quan chỉ đạo, ấn loát của Xứ ủy ở Ngu Nhuế (huyện Văn Lâm), bảo vệ an toàn và che giấu cho một số đảng viên và quần chúng cách mạng đến lánh nạn từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương do bị địch khủng bố gắt gao. Quần chúng nhân dân Hưng Yên hăng hái tham gia cách mạng và dũng cảm bảo vệ cán bộ của Đảng.

Cũng trong thời gian này, một số chi bộ Đảng khác lần lượt được thành lập dưới sự nỗ lực, cố gắng của nhiều nhân tố ưu tú, tích cực trong phong trào cách mạng như: Chi bộ ghép Nhân Dục (huyện Kim Động) - Thị xã Hưng Yên thành lập tháng 2-1941; Chi bộ ghép Ninh Thôn - Trai thôn (huyện Ân Thi) thành lập tháng 2-1941,... Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế như: chưa tạo được cơ sở ở một số huyện; chưa thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân vào tổ chức; chưa quyết liệt trong đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế thiết thực cho quần chúng; nguyên tắc bí mật chưa bảo đảm; phong trào cách mạng tuy phát triển mạnh nhưng chưa đều khắp; các tổ chức Đảng vẫn chưa được thống nhất vào một mối.

Nguồn: Sách Cách mạng tháng Tám ở Hưng Yên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, NXB Chính trị - Quốc gia Sự thật, H.2016

 

Tin liên quan