KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 18/08/2015 - Lượt xem: 644
Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở Văn Giang

Đầu năm 1945, làn sóng đấu tranh cách mạng ở Việt Nam đã lên cao với khí thế cách mạng sục sôi. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quân và dân Văn Giang đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh trên khắp các thôn, xóm; tiến hành phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo, giải quyết nạn đói, đáp ứng kịp thời nguyện vọng cấp bách của đại đa số nhân dân. Những thắng lợi bước đầu là động lực to lớn để cách mạng ở Văn Giang chuẩn bị tiến tới cùng cả nước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám (thời kỳ này Văn Giang vẫn thuộc tỉnh Bắc Ninh).

Đầu tháng 8/1945, sau khi nhận được tin báo về tình hình hoang mang, dao động của Huyện trưởng Nguyễn Hữu Trì, Ban cán sự Việt Minh huyện đã kịp thời họp tại đền thờ đức Thánh Quan (nhà đồng chí Tô Duy - Xuân Cầu) dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chấn, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh. Hội nghị phân tích tình hình và nhận thấy bộ máy thống trị của địch ở nhiều nơi trong tỉnh Bắc Ninh đã mất hiệu lực. Hội nghị quyết định: Tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa giành chính quyền của cấp trên, nhưng thấm nhuần Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tình thế cách mạng đã chín muồi, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến, nên cần kịp thời khởi nghĩa giành chính quyền huyện. Hội nghị quyết định thông qua kế hoạch khởi nghĩa:
1. Bắt Huyện trưởng Nguyễn Hữu Trì ở đình Bến xã Phụng Công.
2. Huy động lực lượng bán vũ trang huyện.
3. Ban cán sự Việt Minh huyện trực tiếp lãnh đạo, đồng chí Tô Duy được phân công chỉ huy chung.
4. Kế hoạch phải tuyệt đối bí mật và đánh nhanh, rút nhanh, vì chưa có lệnh khởi nghĩa của Trung ương.
Thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi trên quê hương Văn Giang; cao trào kháng Nhật cứu nước đã - đến bước tiến nhảy vọt của cách mạng. Người người, nhà nhà sôi sục sẵn sàng hành động theo hiệu lệnh của Việt Minh.
Theo đúng kế hoạch, sáng sớm ngày 16-8-1945 (ngày 09-7 năm Ất Dậu), đúng vào ngày có phiên chợ (chợ Huyện), lực lượng tự vệ  huyện được tập trung xuất phát từ làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ), bí mật, cấp tốc hành quân đi qua Như Lân, Như Phượng, đến đây lực lượng tự vệ huyện tiếp tục được bổ sung. Lực lượng tự vệ chiến đấu được trang bị một khẩu súng Mode (Đức), 40 quả lựu đạn Nhật (do đồng chí Cao Tải mua được ở Kim Môn – Hải Dương), một khẩu súng trường Mút-cơ-dông đã cưa báng, 20 dao, mã tấu và kiếm do xưởng rèn ở ấp Xuân Phương tự chế.
Ngày 16-8-1945, trời mưa to, lực lượng chiến đấu khoác áo tơi lá, cải trang gồng gánh như người đi chợ, đi phu, đắp đê cùng dòng người đi chợ về Huyện lỵ. Khi đến gần huyện, lực lượng chiến đấu chia làm 3 đoàn, một đoàn do đồng chí Tô Duy chỉ huy tiến thẳng ra đình Bến bắt Huyện trưởng Nguyễn Hữu Tri đang hộ đê dẫn về huyện. Trong khi đó, đồng chí Lê Quốc Trọng chỉ huy đoàn tiến công cổng hậu và các đồng chí Trần Bình, Nguyễn Hốt chỉ huy đánh cổng tiền đã áp sát huyện đường. Đồng chí Nguyễn Hốt bắn một phát súng trường để uy hiếp, áp đảo nhân viên trong huyện đường nhớn nhác, lính gác trên chòi canh vội vàng xuống mở cổng huyện. Lực lượng tự vệ nhanh chóng kiểm soát cổng đường, bắt Huyện trưởng Nguyễn Hữu Tri nộp toàn bộ sổ sách, giấy tờ, triện, một số tài liệu cần thiết và đóng gói mang đi, số còn lại cho vào tủ khóa lại giao cho đồng chí Đỗ Văn Liêm và Đỗ Văn Quốc ở Phụng Công trông giữ. Cờ của chính quyền phát xít Nhật bị hạ xuống, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, phất phới tung bay trước tiếng reo hò mừng chiến thắng của nhân dân.
Cuộc mít tinh giành chính quyền đã được tổ chức ngay trên sân đình Bến, hàng nghìn người ở các xã Phụng Công, Công Luận, Xuân Quan, Đan Nhiễm… và những người đang tham gia đắp đê chống lụt tham dự. Tại cuộc mít tinh, đồng chí Nguyễn Chấn thay mặt Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh nêu rõ mục đích, ý nghĩa thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và tuyên bố giải tán chính quyền tay sai, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Đồng chí Nguyễn Chấn phân tích, giải thích cho quần chúng hiểu rõ Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh, hô hào quần chúng đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ chính quyền cách mạng. Nhân dân dự mít tinh rất phấn khởi, nhiều lần hô vang khẩu hiệu: Việt Minh muôn năm! Việt Minh muôn năm!
Sau khi giành chính quyền, Ủy ban cách mạng lâm thời huyện được thành lập. Đồng chí Lê Quốc Trọng được cử làm Chủ tịch, đồng chí Trần Bình được cử làm Phó Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Đình Trọng được cử làm Ủy viên thư ký, đồng chí Nguyễn Hốt được cử làm Ủy viên Quân sự, đồng chí Nguyễn Nùng được cử làm Ủy viên Tư pháp. Sau khi được thành lập Ban Cán sự Việt Minh huyện cử cán bộ về các xã tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời, quản lý mọi công việc trong xã, thôn.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã đập tan xiềng xích thực dân -phong kiến. Nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Văn Giang nói riêng bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập - tự do, chấm dứt đời nô lệ, trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Văn Giang cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thành công công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Nhìn lại chặng đường dài lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Văn Giang đã đạt được những thành quả to lớn góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế Văn Giang bình quân đạt 13,9%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp đạt 24%; công nghiệp, xây dựng đạt 34%; thương mại, dịch vụ đạt 42%. Giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 163,8 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,6 triệu đồng/năm... Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện chú trọng; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đạt được nhiều kết quả; công tác đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Văn Giang lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2015-2020), Đảng bộ huyện Văn Giang đã đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 16,1%/năm. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp đạt 6%; công nghiệp, xây dựng đạt 42%; thương mại, dịch vụ đạt 52%; giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 260 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng; thu ngân sách đạt 500 tỷ đồng, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,4%. Hàng năm có trên 50% số tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM; trên 80% số chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đạt vững mạnh; xây dựng huyện Văn Giang sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, tạo tiền đề trở thành thị xã.

Hoàng Thúy


 

Tin liên quan