KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Lịch sử Đảng bộ Hưng Yên
Đăng ngày: 30/01/2019 - Lượt xem: 1175
Kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019)

Cuối thế kỷ XIX, sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt tay thực thi các chính sách thực dân hà khắc, biến nước ta từ một quốc gia độc lập tự chủ theo chế độ phong kiến trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân xâm lược ngày càng gay gắt. Hàng loạt các phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết những mâu thuẫn đó nhưng đều bị thất bại vì thiếu đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. Đất nước chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Trong bối cảnh ấy, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành – Người thanh niên yêu nước đã xuất dương để tìm hiểu cuộc sống của các dân tộc, nghiên cứu, tìm tòi con đường giải phóng cho dân tộc mình. Sau nhiều năm bôn ba qua các lục địa, hoạt động và khảo sát cách mạng, vượt qua nhiều thử thách về lập trường yêu nước, tích tụ vốn tri thức sâu rộng về cuộc đấu tranh của các dân tộc bị nô dịch và của giai cấp công nhân các nước Âu, Mỹ.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, đối với nước Nga, đó là cuộc cách mạng vô sản, nhưng đối với các dân tộc thuộc địa thì đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Lúc này, Nguyễn Tất Thành lấy tên mới là Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và nhanh chóng trở thành một chiến sỹ cách mạng nhiệt tình, trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp, chính đảng của giai cấp công nhân Pháp. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Bản Luận cương đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết mà Nguyễn Ái Quốc đang ấp ủ, giúp Người tìm ra phương hướng đúng đắn để giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, đó là đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường có mục đích cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, vừa là người yêu nước Việt Nam, vừa là một chiến sỹ quốc tế. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được chân lý cách mạng giải phóng dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người cho rằng: muốn làm cách mạng thắng lợi trước hết phải có đảng cách mạng, đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Đảng muốn vững thì phải có lý luận cách mạng, nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng rộng rãi hơn, đó là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội), một tổ chức “quá độ” đặt cơ sở cho một Đảng Cộng sản về sau.

Tháng 3-1929, chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam được thành lập tại số nhà 5D, Phố Hàm Long, Hà Nội. Chi bộ chủ trương phải tích cực vận động thành lập một Đảng Cộng sản thay tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cơ sở đảng ở miền Bắc đã họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng, quyết định xuất bản  Báo Búa Liềm – cơ quan ngôn luận của Đảng và cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng. Tuyên ngôn nhấn mạnh “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”. Nhiệm vụ của giai cấp vô sản là phải thực hiện khối công nông liên hiệp để:

- Đánh đuổi đế quốc Pháp

- Đánh đổ địa chủ, chế độ phong kiến và các cách bóc lột tiền tư bản, thực hiện cách mạng ruộng đất.

Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 25-7-1929, Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam kỳ đã tập hợp các đảng viên hoạt động ở Trung Quốc và quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Chi bộ này đã liên lạc và được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên lạc với Quốc tế Cộng sản. An Nam Cộng sản Đảng xuất bản báo “Đỏ” ở Hương Cảng (Trung Quốc) rồi gửi về nước để truyền bá trong nhân dân.

Cùng với quá trình phân hóa trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên dẫn tới sự ra đời của hai tổ chức cộng sản, xu hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng lôi cuốn và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của đa số đảng viên Tân Việt. Tháng 9-1929, các đại biểu Tân Việt chân chính họp tại Sài Gòn đã ra Tuyên đạt chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền móng, lấy công-nông-binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mệnh, xây dựng chế độ công nông chuyên chính, tiến lên cộng sản chủ nghĩa trong toàn xứ Đông Dương.

Như vậy, trong vòng 4 tháng (từ giữa tháng 6 đến tháng 9-1929) đã có ba tổ chức đảng ở Việt Nam lần lượt tuyên bố thành lập. Cơ sở tổ chức đảng và cơ sở quần chúng của Đảng đã phát triển khắp cả 3 miền. Sự ra đời nhanh chóng của các tổ chức cộng sản lúc ấy là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những cán bộ cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chín muồi. Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930 tại Hương Cảng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức cộng sản, nhất trí thành lập một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết định lấy ngày 3-2 hằng năm làm ngày kỉ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam).

Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng tỏ giai cấp công nhân nước ta đã trưởng thành và đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cách mạng. Từ đây, giai cấp công nhân thực sự trở thành một lực lượng chính trị độc lập, thống nhất trong cả nước, chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm, mở ra một thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Ở Hưng Yên, cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc, cán bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (quê ngoại ở Khoái Châu) về gây dựng cơ sở ở Sài Thị và Đại Quan, sau đó là đồng chí Cả Lâm (Tùng Sơn) đã tuyên truyền, giác ngộ một số thanh niên ở đây và thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị. Đây là Chi bộ Hội Thanh niên đầu tiên ở Hưng Yên. Chi bộ đã tích cực in tài liệu tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính. Cuối năm 1929, Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị chuyển thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị - đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cấp trên đã về Sài Thị chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Lúc này, tuy số lượng đảng viên ở Hưng Yên chưa nhiều, cơ sở chưa rộng, song trước sự hoạt động mạnh mẽ của Chi bộ Đảng Cộng sản và các tổ chức quần chúng cách mạng và sau nhiều lần Chi bộ Đảng Sài Thị treo cờ Đảng, dán áp phích, rải truyền đơn giới thiệu Cương lĩnh của Đảng đã thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, họ đã sẵn sàng đi theo cách mạng, đi theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, sẵn sàng chờ đón các phong trào cách mạng mới.

Hoàng Oanh

 

 

Tin liên quan