KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 20/08/2021 - Lượt xem: 91
Tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Ngày 20.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết một năm triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm đầu tiên triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong bối cảnh có những khó khăn và khác biệt so với các năm học trước khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ năm học vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Với sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đạt được những mục tiêu quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. 100% số trường tiểu học thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp và 100% số học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. 100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6 hoàn thành chương trình bồi dưỡng về thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trước khi bước vào năm học mới. Tất cả các bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. 

Bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp một số khó khăn: Một số nơi chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất triển khai chương trình dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới; số lượng đội ngũ nhà giáo còn thừa, thiếu cục bộ; tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh thẩm định có nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ và chất lượng…

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát trên phương diện quản lý nhà nước để làm tốt trách nhiệm của mình, rà soát các cơ chế chính sách, tăng cường thu hút các nhà giáo, các chuyên gia tốt tham gia vào công việc biên thảo để có được bản thảo sách giáo khoa một cách tốt nhất. Kiên định các tư tưởng, quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục đó là chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương cần ưu tiên và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới hiệu quả.  

Phát biểu tại điểm cầu Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện giảng dạy chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Các địa phương chủ động cân đối, dành ngân sách thỏa đáng  bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục…
Nguồn: http://baohungyen.vn/
Tin liên quan