Ngày 28.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63 tỉnh, thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học... Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong một thời gian dài học sinh, sinh viên không thể đến trường. Đứng trước những yêu cầu và thách thức mới, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học và đạt được một số kết quả nổi bật như: Hoàn thành "mục tiêu kép" vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo hợp lý hơn. Chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên. Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh các kết quả đạt được, năm học 2020-2021 còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến: sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên; chất lượng đội ngũ giáo viên không đồng đều. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục và đào tạo năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.
Năm học 2021 - 2022 bắt đầu trong điều kiện hết sức khó khăn khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì thế, ngành Giáo dục và đào tạo chuyển đổi trạng thái hoạt động ứng phó với dịch bệnh có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, ngành tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; bảo đảm đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục và đào tạo sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, trước hết là để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh, sửa đổi quy định về học phí, có chính sách hỗ trợ mua sắm trang thiết bị thực hiện chương trình mới. Hiện nay, việc dạy học ngoại ngữ, tin học ở một số tỉnh còn khó khăn do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, đòi hỏi cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa phương thức xã hội hóa trong dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực của ngành Giáo dục và đào tạo trong việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục.. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm học mới bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và đào tạo cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Chính phủ sẽ gắn việc thực hiện nhiệm vụ trường học an toàn với kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phù hợp cho học sinh. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể trở lại trường nếu được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi. Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh, rà soát để bổ sung tiêm vắc-xin cho giáo viên. Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các địa phương ở vùng an toàn về dịch bệnh cần chủ động rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, phương án sàng lọc, bảo đảm trường học an toàn tuyệt đối để sớm triển khai cho học sinh trở lại trường. Ở những vùng dịch đang diễn biến phức tạp, cần rà soát, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo điều kiện cho tất cả học sinh được học trực tuyến, bảo đảm công bằng cho học sinh ở các vùng, miền. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm học 2021-2022, giáo dục đại học phải đẩy mạnh tự chủ để phát triển; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nâng cao hiệu quả dạy học môn Lịch sử trong các trường phổ thông…
Nguồn: http://baohungyen.vn/