Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương mới nhất vừa được công bố, WB dự báo mức tăng trưởng của khu vực này sẽ là 3,2% vào năm 2022.
Bài viết trên tờ Financial Times đăng tải hình ảnh công nhân đang làm việc tại một công trường ở thủ đô Hà Nội. (Ảnh cắt từ bản tin Financial Times)
Tác giả bài viết ví câu chuyện thu hút chú ý là Việt Nam vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Với sự kết hợp của các biện pháp ngăn chặn COVID-19 tương đối hiệu quả, lợi thế về nhân khẩu học và vị trí đặc biệt trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, WB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% vào năm 2022 so với dự báo 5,3% đưa ra vào tháng 4/2022.
Trong số các nước Đông Nam Á, WB dự báo mức tăng trưởng của Philippines là 6,5%, Malaysia 6,4% và Indonesia 5,1% trong năm nay. Trong khi đó, bức tranh tăng trưởng trong khu vực cũng được WB nhìn nhận tích cực một cách thận trọng. Cụ thể, WB đã nâng dự báo kinh tế của Malaysia từ 5,5 lên 6,4% và điều chỉnh mức tăng của Philippines từ 5,7 lên 6,5%, Thái Lan từ 2,9 lên 3,1% và Campuchia từ 4,5% lên 4,8%.
Báo cáo của WB cho rằng, sự tăng trưởng mạnh này kết quả của ba yếu tố: Tiêu dùng tư nhân phục hồi trong nửa đầu năm 2022, được kích hoạt bởi các biện pháp nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19; nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Đông Á và Thái Bình Dương; và việc thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ có giới hạn.
Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế này cũng lưu ý một số khó khăn mà khu vực phải đối mặt, dịch chuyển từ những thách thức bởi đại dịch COVID-19 sang nguy cơ suy thoái kinh tế do lạm phát gia tăng và cuộc xung đột Ukraine.
Báo cáo của WB cho rằng: “Suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu làm giảm nhu cầu đối với xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa sản xuất của khu vực”. Báo cáo cũng chỉ ra tác động của lạm phát và cùng các động thái tăng lãi suất mà các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang thực hiện. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ này đã tạo ra dòng vốn chảy ra ngoài và mất giá tiền tệ ở một số nước Đông Á và Thái Bình Dương, đồng thời làm gia tăng gánh nặng dịch vụ nợ và thu hẹp không gian tài khóa, làm tổn thương các quốc gia phải đương đầu với đại dịch vào thời điểm chịu sức ép nặng từ các khoản nợ.
Với tiêu đề "7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo lắng", tờ Financial Times, ngày 26/9 nhận định Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia nổi bật, bên cạnh Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia, Nhật Bản, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới đang “chùn bước” do suy thoái và tỷ lệ lạm phát cao.
Tác giả bài viết nhận định, 7 nước nổi bật nêu trên đều có những đặc điểm chung như: Tăng trưởng tương đối mạnh, lạm phát vừa phải hoặc lợi nhuận thị trường chứng khoán cao – so với các quốc gia khác. Trong đó, Việt Nam là cái tên “ít gây ngạc nhiên nhất” được nêu lên trong nhóm các nước nổi bật. Quốc gia Đông Nam Á đang đạt mức tăng trưởng gần 7%, tốc độ nhanh nhất trên thế giới, thông qua việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế.
Ngày 27/9, tờ Nikkei Asia có bài viết khẳng định, Việt Nam đang khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng của châu Á. Theo tờ báo này, với mức tăng trưởng dự báo trong năm 2022 ở 7,2% (so với mức dự báo 5,3% được đưa ra vào tháng 4/2022) Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh WB đã hạ dự báo tăng trưởng hàng năm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.