KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đăng ngày: 22/07/2022 - Lượt xem: 209
Tu dưỡng cá nhân và trách nhiệm kiểm soát hành vi trục lợi của người thân

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng gần đây đã chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong kiểm soát người thân của cán bộ có chức, quyền; xem xét, xử lý hành vi tiếp nhận, sử dụng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng, hoặc lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của cán bộ có chức, quyền để trục lợi.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Mới đây, Tòa án Quân sự Quân khu 7 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng. Trong vụ án này, 11 người bị truy tố tội nhận hối lộ, trong đó có Lê Văn Minh, nguyên Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và Lê Xuân Thanh, nguyên Thiếu tướng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3. Cáo trạng xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo vì động cơ vụ lợi cá nhân đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nhận tiền của các đối tượng buôn lậu, góp vốn buôn lậu, phát hiện nhưng không tố giác tội phạm.
Ðáng chú ý trong vụ án này, cáo trạng nêu rõ, yếu tố trung gian nhận tiền hối lộ có sự tham gia trực tiếp vợ (con) bị cáo. Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khai thêm những tình tiết mới, xin dừng phiên tòa, viết thư vận động gia đình nộp lại số tiền nhận hối lộ là 3 triệu USD mà con gái bị cáo đang giữ, để khắc phục hậu quả (trước đó, gia đình bị cáo đã không hợp tác). Thực tế đó đặt ra vấn đề, cần mở rộng diện kiểm soát tài sản, thu nhập của người thân cán bộ có chức, quyền; làm rõ nguồn tài sản bất minh đến từ đâu và đi về đâu.
Biện pháp kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người có chức, có quyền được coi là một trong các giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng. Các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đã nêu rõ đối tượng phải kê khai tài sản, tuy nhiên còn có những bất cập, trong đó, đối tượng người thân của cán bộ có chức, quyền phải kê khai còn hạn chế.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tại Ðiều 33 về Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, quy định rõ, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này. Trong khi thực tế công tác điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, nhiều tài sản tham nhũng đã được hợp pháp hóa, sang tên, đứng tên bởi anh, chị, em, bố mẹ hoặc người thân khác, không thể xác minh, kê biên, xử lý như vụ án Ninh Văn Quỳnh xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trước đây.
Ðiều 33 cũng quy định, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong khi đó, cơ chế quản lý tài sản ở nước ta hiện nay còn thiếu chặt chẽ, thiếu minh bạch, các giao dịch kinh tế, dân sự hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt cho nên rất khó kiểm soát thu nhập, tài sản. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hầu hết các bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng cho nên khó xác định tài sản tham nhũng và tài sản được hình thành từ tài sản tham nhũng; chưa có cơ sở dữ liệu tập trung đối với thông tin về tài sản phải đăng ký.
Việc kiểm soát quyền lực và kiểm soát người thân dùng "ảnh hưởng" của người có chức, có quyền để trục lợi, được thể hiện trong các quy định của Ðảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương… Tại Quy định số 37-QÐ/TW ngày 25/10/2021, Trung ương nêu rõ những điều đảng viên không được làm, trong đó có các hành vi: Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi; can thiệp, tác động để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng), bản thân và người khác đi du lịch, học tập, chữa bệnh bằng nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân có liên quan ngành, lĩnh vực theo dõi, quản lý.
Ði liền với đó là chế tài xử lý kỷ luật khi đảng viên, nhất là người có chức, có quyền vi phạm. Tại Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vừa được ban hành, nêu rõ, trường hợp để vợ (chồng), con lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình tổ chức thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng; tạo điều kiện để vợ (chồng), bố mẹ, con, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột hoặc bên vợ (chồng) hoặc người khác thực hiện dự án, kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách, theo dõi trái quy định nhằm trục lợi, thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Ngoài ra, Quy định số 69 đề cập nhiều hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường hợp cụ thể khi cán bộ, đảng viên buông lỏng quản lý, giáo dục để người thân vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác.
Hướng tới minh bạch thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, cần xây dựng quy định về đăng ký tài sản để tất cả cá nhân có tài sản đều phải kê khai. Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế, các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước luôn bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đồng thời bảo đảm tính nhân văn nhằm cảnh tỉnh, giáo dục răn đe, ngăn ngừa từ xa các hành vi vi phạm. Cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền cần nâng cao trách nhiệm kiểm soát hành vi của bản thân cũng như người thân trước nguy cơ suy thoái, không chỉ là trách nhiệm bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, mà còn là bảo vệ bản thân và gia đình mình.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan