Biến chủng HIV mới (tên gọi VB) đã khiến người nhiễm chuyển từ giai đoạn HIV sang giai đoạn AIDS chỉ hai đến ba năm, nhanh hơn biến chủng cũ là sáu đến bảy năm. Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết, những đột biến của biến thể HIV khiến cho tác động của nó trở nên nghiêm trọng, dễ lây nhiễm hơn.
Khám, tư vấn cho bệnh nhân tại Khoa phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh ĐÌNH THI)
Biến chủng mới HIV được phát hiện do nhóm nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, mới được công bố vào tháng 2 năm nay. Theo nghiên cứu, khi đo lường tốc độ và mức độ suy giảm của hệ thống miễn dịch qua tế bào TCD4 (loại tế bào phối hợp phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lây nhiễm), nhóm nghiên cứu phát hiện người nhiễm VB có tải lượng vi-rút (lượng vi-rút trong máu) cao hơn 3,5 đến 5,5 lần so với phiên bản cũ của vi-rút HIV khiến các bệnh nhân có nguy cơ phát triển thành bệnh AIDS (giai đoạn cuối của HIV) nhanh hơn nhiều lần. Với biến chủng mới, ngoài tác động lớn lên hệ thống miễn dịch, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy khả năng lây truyền cao hơn.
Ban đầu nhóm nghiên cứu xác định được biến chủng VB ở 17 người bệnh dương tính, mở rộng phân tích thêm 6.700 trường hợp và xác định thêm 92 người bệnh khác. Dựa trên những phát hiện này, nhóm nghiên cứu đưa giả thuyết nếu không được điều trị sớm, những người mang dòng HIV VB có khả năng phát triển bệnh AIDS chỉ sau hai đến ba năm được chẩn đoán.
Con số phát triển bệnh nhanh hơn rất nhiều so với thời gian trung bình sáu đến bảy năm của những chủng HIV khác. Sự giống nhau về độ tuổi, giới tính, phương thức nghi nhiễm HIV và nơi sinh khiến các chuyên gia cho rằng, hàng trăm đột biến mới có thể là nguyên nhân làm tăng độc lực và khả năng lây truyền của chủng VB. Ngoài ra, các chuyên gia không thể xác định được đột biến di truyền nào trong biến chủng VB khiến nó có độc lực cao như vậy.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Long, biến chủng HIV mới cũng không đáng lo ngại nếu người có hành vi nguy cơ cao cần phải dự phòng và đi xét nghiệm phát hiện HIV càng sớm càng tốt để được điều trị một cách sớm nhất. Nếu để muộn, số lượng tế bào TCD4 sẽ xuống thấp nghiêm trọng, từ đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc trong điều trị bệnh. Hiện nay, thuốc kháng vi-rút (ARV) trong điều trị HIV/AIDS vẫn có tác động, hiệu quả nhất với biến thể mới.
Tuy nhiên, để phòng, chống HIV hay biến thể VB thì người có nguy cơ cao cần sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, không tiêm chích ma túy. Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện các biện pháp an toàn. Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Nếu bị nhiễm HIV, cần phải điều trị ARV ngay lập tức để kiểm soát nhanh tải lượng vi-rút HIV trong máu.
Nguồn: https://nhandan.vn