Năm 2016, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và tinh thần “Trao con chữ, truyền hi vọng”, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phát động, triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” trong toàn lực lượng nhằm động viên, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi không nơi nương tựa… được đến trường học tập, rèn luyện. Trong đó, tập trung giúp đỡ các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em gia đình chính sách, người có uy tín, dân tộc thiểu số rất ít người...
Chương trình đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ, được minh chứng qua thành tích học tập, rèn luyện của các cháu nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau đều cao hơn năm trước. Trong đó, có 59 cháu đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi các cấp; gần ba nghìn lượt cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường; 132 cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng, trong đó nhiều cháu đỗ điểm cao vào các trường chất lượng.
Trong quá trình thực hiện, các đơn vị Bộ đội biên phòng đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo nhằm hỗ trợ, bổ trợ góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình, như: Mô hình “Bữa sáng cho em” (Biên phòng Sơn La), “Bánh mì bộ đội” (Biên phòng Quảng Trị), “Bếp ăn tình thương” (Biên phòng Gia Lai), “Tủ sách thanh niên - Nâng bước em tới trường” (Biên phòng Quảng Ngãi), “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” (Biên phòng Bình Định); “Sân trường cho em” (Biên phòng Phú Yên), “Tiết kiệm tiền lẻ - Chia sẻ khó khăn” (Biên phòng Cà Mau) và các Chương trình “Học kỳ quân đội” (Biên phòng Sơn La), “Thắp sáng ước mơ cho em” (Biên phòng Nghệ An), “Tay kéo biên phòng” (Biên phòng Lai Châu) ...
Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa... mặc dù đã được hỗ trợ, giúp đỡ nhưng vẫn có nguy cơ bỏ học giữa chừng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng do đó đã phát động, triển khai thực hiện chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng”.
Hiện nay, các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 356 cháu, trong đó có 271 cháu nuôi tại đồn, 85 cháu nhận nuôi tại gia đình. Trong đó, có 41 cháu mồ côi cả cha và mẹ; 180 cháu mồ côi cha hoặc mẹ; năm cháu là con liệt sĩ; ba cháu bị tật nguyền... Các cháu được bố trí nơi ăn nghỉ, góc học tập riêng và có cán bộ kèm cặp giúp đỡ, chú trọng bồi dưỡng các cháu thành lớp người kế cận sau này tham gia giữ gìn bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Sau 5 năm triển khai cho thấy, Chương trình đã góp phần rất quan trọng nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, khích lệ bà con quan tâm hơn tới việc học tập của con em mình. Đặc biệt, chương trình đã phát huy được vai trò của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm tới công tác giáo dục-đào tạo.
Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” đã được lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung trương và cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá cao; đồng thời được lan tỏa trong cả nước với sự vào cuộc của các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội.
Năm 2016, Chương trình được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh bình chọn là “Công trình Thanh niên tiêu biểu toàn quốc”; năm 2017, được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam bình chọn là một trong tám giải thưởng “Tình nguyện quốc gia”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chủ trì xây dựng, triển khai Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”.
Thời gian tới, Bộ đội biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình quan tâm, chăm lo, động viên, định hướng nghề nghiệp để các cháu học tập, vươn lên. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo các cháu có thành tích học tập tiêu biểu để xây dựng nguồn cán bộ cho địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, quân đội và địa phương, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội về Chương trình.
Tiếp tục hỗ trợ các cháu học sinh nước bạn Lào, Campuchia với những hình thức phù hợp, gắn với các hoạt động đối ngoại quốc phòng, biên phòng và đối ngoại nhân dân hai bên biên giới.