KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 19/01/2022 - Lượt xem: 89
Ứng phó của ngành giáo dục với dịch COVID-19

Diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới ngành Giáo dục. Thực hiện chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã luôn chủ động, linh hoạt trong việc ứng phó, triển khai các hoạt động dạy và học nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. 

Ảnh minh họa
TẠM DỪNG ĐẾN TRƯỜNG, KHÔNG DỪNG VIỆC HỌC
Ngay từ đầu năm học 2021-2022, Bộ GDĐT đã huy động toàn ngành tập trung cho công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới và tổ chức khai giảng với nhiều hình thức và kịch bản khác nhau. Bộ ban hành Chỉ thị, Công điện và các văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tổ chức hoàn thành nhiệm vụ năm học; tạo điều kiện hỗ trợ chuyển trường, tiếp nhận học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục do không kịp trở về địa phương hoặc nơi cư trú; điều chỉnh tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng tập trung dạy và học nội dung cốt lõi các môn học trong điều kiện phòng, chống COVID-19; hướng dẫn địa phương chủ động linh hoạt chuyển đổi giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến, trên truyền hình; duy trì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp.
Bộ cũng đã tổ chức hướng dẫn, tập huấn tăng cường năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên cốt cán của các môn học/hoạt động giáo dục, trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT đã triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên tại địa phương; chỉ đạo, tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Nhân dân tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến.
HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC PHÙ HỢP
Căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh trên phạm vi cả nước nói chung và ở các địa phương, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động dạy và học phù hợp. Toàn ngành Giáo dục đẩy mạnh tổ chức triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch hoặc vùng xanh, vùng vàng, tận dụng thời gian dạy học trực tiếp, học thực hành, ôn tập lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình; tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên. Tiếp tục triển khai đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp, các cơ sở GDĐH đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong năm học 2021-2022, như tổ chức cho các khóa sinh viên, học viên đang học được học trực tuyến bắt đầu kỳ học mới sớm hơn, bố trí lại các giờ học lý thuyết, thực hành cho phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Về việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá người học, đối với giáo dục phổ thông theo quy định, việc kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến được thực hiện kết hợp giữa kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm tra, đánh giá định kỳ. Trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên được giáo viên thực hiện trong quá trình dạy học trực tuyến; kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục, trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục vì lý do bất khả kháng, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Các cơ sở GDĐH đã chủ động tổ chức học tập, tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết thúc học phần của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh bằng nhiều hình thức. Trước tình hình dịch bệnh, các cơ sở GDĐH đã điều chỉnh lại bài giảng, xây dựng các bài giảng trực tuyến hướng dẫn thực hành thực tập và cách thức đánh giá một số kỹ năng thực hành thực tập trực tuyến. Kịp thời cập nhật, xây dựng các bài giảng trực tuyến để hướng dẫn, giảng dạy cho sinh viên, học viên cho phù hợp với yêu cầu xã hội.
Về việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức dạy học, Bộ đã tổ chức tập huấn giáo viên về phương pháp dạy học trực tuyến; tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông trên toàn quốc về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng để tổ chức dạy học trực tuyến. Về hỗ trợ trang thiết bị và hạ tầng truyền thông, qua Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ hơn 1 triệu máy tính.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
HẠN CHẾ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÂM LÝ, SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI HỌC, NHÀ GIÁO
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc trẻ em, học sinh, sinh viên không được đến trường trong thời gian dài có tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe. Đa số học sinh tích cực, chủ động và khá dễ dàng thích ứng với học tập qua truyền hình, internet. Tuy nhiên, việc học trực tuyến bước đầu tỏ ra phù hợp với vùng có điều kiện thuận lợi mà chưa phù hợp với vùng có điều kiện khó khăn. Phần lớn các địa phương cho rằng dạy học trực tuyến phù hợp với học sinh trung học phổ thông và cuối cấp trung học cơ sở, chưa phù hợp với học sinh tiểu học. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, học sinh bỏ học và học sinh đang có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn ở một số địa phương và trầm trọng hơn trong tình hình học trực tuyến. Đối với trẻ em mầm non không được tương tác với bạn bè, cô giáo có nguy cơ giảm khả năng phát triển về ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, tình cảm xã hội, vận động và sức khỏe.
Đối với giáo dục đại học, việc học trực tuyến là cơ hội để người học phát huy tính chủ động trong tìm kiếm phương thức học tập tự chủ, hoàn thiện nội dung học tập và đạt kết quả, mục tiêu, chuẩn đầu ra của môn học. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội, giảm các nguồn thu kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh viên và giảng viên. Giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho quốc gia nên trong chương trình đào tạo ngành thường gắn liền với việc đào tạo kỹ năng thực hành ngành, học trực tuyến không truyền tải hết được nội dung này nên cũng gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người học.
Từ ngày 27/4/2021 đến 19/12/2021, toàn ngành Giáo dục có 90.560 cán bộ, giáo viên, giảng viên, trẻ em, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Tính ngày 19/12/2021, hiện có: 3.283 trường hợp.
Hơn 2600 trẻ em, học sinh mồ côi cha, mẹ do dịch COVID-19.
Số học sinh từ 12 - 18 tuổi tiêm vaccine: Mũi 1 là 4.025.419/7.213.883 em. Mũi 2: 1.266.228/7.213.883 em.
BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng chuyển trạng thái thích ứng với điều kiện dịch diễn biến phức tạp. Phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ gìn kỷ cương, tinh thần đoàn kết thống nhất, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế và chính quyền địa phương; đồng thời quan tâm công tác bảo đảm chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Chú trọng công tác động viên, khích lệ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nâng cao ý thức công dân, tự giác, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và chung sức, đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch và các hoạt động hộ trợ người học nhằm tạo sự đồng thuận, nghiêm túc thực hiện của người học, gia đình người học và cán bộ, nhà giáo, nhân viên.
Thứ hai, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Thúc đẩy việc đi học trực tiếp trở lại theo Nghị quyết 128/NQ-CP trên cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào đạo chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch COVID-19 còn ảnh hưởng lâu dài, bảo đảm an toàn trường học và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Phối hợp với Bộ Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn/quy định/sổ tay công tác phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục; kiện toàn hệ thống y tế trường học đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi trong trường học.
Tính đến thời điểm ngày 18/12/2021:
- 20 tỉnh, thành phố tổ chức dạy trực tuyến và qua truyền hình;
- 34 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
- 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp.
- Số đơn vị huyện/thị xã dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 421/713.
Thứ ba, chủ động, linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức thực hiện chương trình giáo dục, vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục. Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đưa hoạt động giáo dục dần trở lại trạng thái bình thường mới; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, giáo viên, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành Giáo dục. Sẵn sàng chuyển đổi, áp dụng các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc trên truyền hình phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các kênh truyền hình trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Tổ chức thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022 một cách chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19 bảo đảm việc bổ sung kiến thức cho học sinh trong ngắn hạn cũng như trong các năm học tiếp theo. Đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là các kỳ thi chuyển cấp, nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh cũng như toàn xã hội yên tâm.
Chủ động các giải pháp tăng cường hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị cho giáo viên phục vụ dạy học trực tuyến trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; hỗ trợ đời sống vật chất cho giảng viên, giáo viên, người lao động trong ngành Giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là những người làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai một số nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng IoT, thiết lập hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; ứng dụng các mô hình dạy - học tiên tiến trên nền tảng số phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Phát triển và triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), tăng cường công nhận tín chỉ các khóa học trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo; thí điểm một số mô hình cơ sở đào tạo mới dựa trên công nghệ số và đổi mới sáng tạo; xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư đối với giáo dục đại học.
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nâng cao năng lực số đối với người học, người dạy, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
Thứ năm, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình. Xây dựng kế hoạch sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh, giúp các em dần dần vượt qua khó khăn, khủng hoảng tâm lý do tác động của dịch COVID-19, sớm bắt nhịp với môi trường học tập trực tiếp tại nhà trường.
Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên phụ trách tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học, đặc biệt trong điều kiện dạy và học trực tuyến.
Tăng cường phối hợp với các chuyên gia, các trung tâm tư vấn tâm lý trong hoạt động hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống các bệnh về học đường khi tham gia học tập trực tuyến, đánh giá tác động và khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đến tâm lý của giáo viên và học sinh. Tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực hỗ trợ, tư vấn cho giáo viên và học sinh ổn định tâm lý, đảm bảo thể chất, tinh thần cho giáo viên, học sinh tiếp tục dạy và học hiệu quả.
Thứ sáu, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh để học tập trực tuyến, đặc biệt là vùng khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở, yêu cầu cơ sở giáo dục:
- Xây dựng kế hoạch sẵn sàng triển khai theo hình thức trực tuyến trong trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, không để bị động.
- Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm phù hợp và hỗ trợ cho hoạt động kiểm tra đánh giá tốt nhất.
- Xây dựng ma trận đề kiểm tra trực tuyến gồm các câu hỏi nằm trong nội dung cơ bản, cốt lõi, không vượt ra ngoài chương trình học tập gây khó khăn cho học sinh.
- Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp.
- Trước khi đánh giá cần có trao đổi với cha mẹ học sinh, vì dạy học trực tuyến, cha mẹ học sinh chính là “người thầy thứ hai”.
Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và Máy tính cho em” với mục tiêu hỗ trợ 1 triệu máy tính cho học sinh nghèo/cận nghèo để có thiết bị học trực tuyến. Xây dựng chương trình huy động tổng thể các nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch bệnh và thường xuyên có thiên tai, lũ lụt xảy ra. Rà soát, đánh giá thực trạng trường lớp học nhất là ở vùng sâu, vùng xa; trong đó học sinh có thiết bị học tập, trường học phải được phủ sóng viễn thông, kết nối Internet đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới.
Thứ bảy, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các gói chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhằm tạo động lực cho người lao động quyết tâm bám nghề, tin tưởng vào nghề.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
Tin liên quan