KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 18/08/2022 - Lượt xem: 170
Vài suy nghĩ về chức năng phản biện xã hội của báo chí

Với sứ mệnh của một nền báo chí trách nhiệm, phụng sự và nhân văn, báo chí nước nhà đã thực hiện đúng tinh thần “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”.

Báo chí là một kênh giám sát và phản biện xã hội quan trọng (Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội báo toàn quốc 2022). Ảnh: vov.vn
1. Có nhiều cách định nghĩa, phân tích về vai trò và tầm quan trọng của phản biện xã hội.
Theo PGS. TS. Trần Đăng Tuấn, “phản biện xã hội là đưa ra các lập luận, phân tích nhằm phát hiện, chứng minh, khẳng định, bổ sung hoặc bác bỏ một đề án (phương án, dự án) xã hội đã được hình thành và công bố trước đó”(1). PGS. TS. Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh, “phản biện xã hội là sự phản biện từ phía nhân dân, các cộng đồng và tổ chức xã hội đối với các vấn đề chính trị, kinh tế... của xã hội”(2).  Còn TS. Hoàng Văn Tuệ cho rằng, “phản biện xã hội là sự phản ánh dư luận xã hội, ý kiến, kiến nghị và kháng nghị của cộng đồng xã hội, tập thể, tập đoàn người (xây dựng trên mối quan hệ chung về sản xuất, gia đình, chính trị, văn hóa: phong tục, tập quán, lễ giáo,…) về một hay nhiều sự việc, vấn đề có liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, tập đoàn người ấy trên cơ sở tổng hợp, phân tích, lập luận (luận giải) khách quan, khoa học, có tính thuyết phục nhằm phân định rõ giữa cái tốt với cái xấu, cái đúng với cái sai, cái khẳng định với cái phủ định, cái được với cái chưa được, cái hoàn thiện với cái cần tiếp tục hoàn thiện,… nhằm đáp ứng đúng những yêu cầu do cuộc sống đặt ra, thỏa mãn được lợi ích chung của cộng đồng, tập thể, tập đoàn cũng như của toàn xã hội”(3). Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhấn mạnh hơn vai trò của phản biện xã hội “góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế, văn hóa, chính trị, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần gũi với đời sống con người hơn" (4).
Nhìn lại lịch sử thế giới, có thể thấy phản biện xã hội là vấn đề hoàn toàn không mới, đây được coi là một trong những hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân. Xét sâu sa về bản chất, phản biện xã hội chính là “một hình thức thể hiện quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Theo đó, phản biện xã hội chính là quyền bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ của cá nhân đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người”(5).
Từ những góc độ tiếp cận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, có thể thấy rõ, phản biện xã hội là một trong những hình thức để người dân phát huy vai trò của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Mục đích sâu sa của phản biện xã hội chính là để “huy động, tập hợp, kết nối nguồn lực trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách công, hạn chế chi phối của lợi ích nhóm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững”, và quan trọng nhất là “hàm lượng trí tuệ” được cô đọng từ hoạt động phản biện xã hội “cần có hệ dữ liệu và minh chứng khoa học, có luận điểm, luận cứ và luận chứng rõ ràng” (6).
2. Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi trọng sự đóng góp, phản biện của các tầng lớp nhân dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách trong thực tiễn.
Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng nêu rõ “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”(7), “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ” (8). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”(9).
Quan điểm cơ bản, nền tảng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đều xuất phát từ mục tiêu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây cũng chính là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia giám sát, phản biện, góp phần đáng kể tạo sự đồng thuận, thống nhất trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng hành cùng với đó, có sự tham gia đóng góp quan trọng của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam. Với sứ mệnh của một nền báo chí trách nhiệm, phụng sự và nhân văn, báo chí nước nhà đã thực hiện đúng tinh thần được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”, phát huy vai trò của một trong bốn hệ thống giám sát xã hội như Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII (tháng 2/1999) đã vạch rõ.
Các cơ quan báo chí truyền thông thể hiện rõ ưu thế trong việc mở các diễn đàn tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia và mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến cho chính sách, pháp luật của Nhà nước; đăng tải các ý kiến một cách công khai. Đây được xem là phương thức phản biện xã hội dễ thu hút và hiệu quả, nhất là trên môi trường internet của báo điện tử, tạp chí điện tử, bởi tính công khai, minh bạch, dễ tìm kiếm nhưng vẫn đảm bảo tính tập trung và tính khoa học.
Không ai có thể phủ nhận những dấu ấn sâu sắc của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nhiều năm qua, từ báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử trong việc chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Đồng hành cùng sự quyết liệt, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, là sự lăn xả, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, vượt qua mọi “cám dỗ”, nỗi lo “cơm áo” thường ngày của biết bao những người cầm bút. Họ “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao như vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka, Khánh Hòa; vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); chuyên án Vinashin… Báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng về nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc” ở một số đơn vị, địa phương, gây bức xúc dư luận…
Công chúng không thể quên sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí khi tham gia phản biện chính sách phát triển sân Golf vào những năm 2010-2012, hay dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, dự án lấn sông Đồng Nai để xây khu chung cư cao cấp, vấn đề thu phí tại các trạm BOT, vụ quán cafe Xin chào... Một tinh thần quyết liệt, đến cùng nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan, khoa học, thuyết phục và thực tế, những quyết định điều chỉnh chính sách từ phía các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm là minh chứng rõ nét cho việc khẳng định vai trò quan trọng của báo chí khi thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.
Các cơ quan báo chí cũng đã cung cấp nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị quý giá về những nội dung, vấn đề, sự kiện liên quan đến công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, góp phần giúp hoạt động này bảo đảm nguyên tắc “kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch”; giúp dư luận xã hội hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về các trường hợp văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn. Công chúng báo chí vẫn hay nhắc nhớ về trường hợp báo chí kịp thời “nhặt sạn”, phản biện quy định cấm đưa thông tin lên mạng xã hội của Tổng cục Du lịch (10) ; quy định ngực lép không được lái xe; quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi đại học; đưa tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân; quy định về số vòng hoa trong tang lễ; quy định thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ, hay dự thảo thông tư quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C...
Báo chí chính thống và những quan điểm mang tính xây dựng của những nhà báo chân chính luôn là nguồn thông tin quý báu giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm điều chỉnh, hoạch định chính sách cho phù hợp thực tiễn.
3. Bên cạnh ghi nhận và khẳng định vai trò quan trọng của báo chí khi thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Trước tiên là nhận thức chưa đầy đủ của lãnh đạo một số cơ quan báo chí, người làm báo về phản biện xã hội, phản biện xã hội trên báo chí, về văn hóa trong phản biện xã hội. Từ nhận thức chưa đúng, thậm chí lệch lạc, cá biệt, bị chi phối bởi lợi ích nhóm, dẫn tới hiện tượng một số cơ quan báo chí, nhà báo “mượn danh” phản biện xã hội để phản ánh vấn đề thiếu công tâm, thiếu cơ sở khoa học, đánh giá một chiều, “lái hướng” dư luận theo mục đích cá nhân. Vẫn còn không ít hiện tượng báo chí chạy theo mạng xã hội, đưa thông tin không mang tính xây dựng, thiên về bài xích; lạm dụng diễn đàn để phê phán, kích động mâu thuẫn giữa người dân với cơ quan công quyền. Nhìn nhận sâu xa, có thể thấy đây là một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận người cầm bút.
Mới đây, khi Hà Nội ban hành kế hoạch về thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025, trong đó đề cập các mục tiêu phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại cấp xã, Thành phố phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh (loa phát thanh) hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư, lập tức chủ đề “loa phường” trở thành cụm từ “hot” được một số cơ quan báo chí “lên” tin, bài, với không ít tiêu đề mang tính “khiêu chiến”. Đáng nói ở chỗ, khi phân tích về vấn đề này, người cầm bút đã vô tình hoặc cố tình không đề cập tới những quan điểm của Đảng, Nhà nước xác định truyền thanh cơ sở vẫn được coi là một trong phương tiện thông tin thiết yếu trong hệ thống báo chí, truyền thông(11). Thay vào việc chỉ rõ ưu điểm, mặt mạnh của hệ thống truyền thanh cơ sở mà chính những cơ quan báo chí này đã từng đưa tin khi đại dịch COVID-19 bùng phát; chỉ ra những hạn chế một cách khoa học, khách quan, công tâm, để “hiến kế” cho Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố khác trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 có thể tham khảo, thì một số cây viết lại triển khai tin, bài theo cách phủ nhận “sạch trơn”. Thay vì phản biện chính sách, họ chuyển sang “phản bác”, phê phán, thậm chí công kích chính quyền với những lý lẽ viện dẫn từ “một bộ phận lớn người dân”, “đa số người dân”... với thái độ tiêu cực, gây tác động xấu tới dư luận xã hội.
Thứ hai, trong khi “văn hóa phản biện đòi hỏi sự chuẩn mực trong dữ liệu được sử dụng, trong cách tiếp cận nhân văn, trong ngôn từ, giọng điệu thuyết phục, biết lắng nghe và tiếp cận đa chiều các ý kiến, không chụp mũ, quy kết, không soi mói”(12), thì không ít nhà báo khi tác nghiệp đã sử dụng từ ngữ, lập luận thiếu tính văn hóa, không có sức thuyết phục, thậm chí phản tác dụng; lồng ghép quan điểm mang tính cá nhân nhưng mang danh “dư luận” thiếu tính khách quan.
“Phản biện xã hội là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận cho nên nó cần có sự tham gia của hai lực lượng, lực lượng thứ nhất là để nói một cách chuyên nghiệp và lực lượng thứ hai là để nghĩ một cách chuyên nghiệp. Trước khi nói phải nghĩ, nghĩ chuyên nghiệp là giới trí thức và nói chuyên nghiệp là giới báo chí” (13). Rõ ràng, hiện nay, một bộ phận người làm báo chưa thể hiện rõ sự chuyên nghiệp này một cách có văn hóa.
Thứ ba, bên cạnh những cơ quan báo chí tích cực, chủ động trong giám sát, phản biện xã hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, vẫn còn một số cơ quan báo chí, người làm báo thờ ơ, bàng quan, đứng ngoài cuộc. Khi lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng công tác chỉ đạo chuyên môn, không chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp người làm báo, thả nổi khâu duyệt tin, bài, quá chú trọng vào việc tăng nguồn thu từ hoạt động tác nghiệp báo chí mà quên mất định hướng nội dung, tôn chỉ mục đích..., thì hiển nhiên, “đội quân” cấp dưới sẽ chạy theo các sự kiện giật gân, câu khách, đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, lạm dụng thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội; đưa thông tin thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục...
Thứ tư, một bộ phận người làm báo chưa đáp ứng năng lực chuyên môn, đặc biệt là chuyên môn sâu về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngân hàng..., các lĩnh vực mang tính liên ngành, dẫn tới những hạn chế nhất định khi tham gia phản biện chính sách... Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng giám sát, phản biện trên báo chí ở các lĩnh vực này chưa sâu, thiếu cái nhìn tổng thể, thiên về nắm bắt và phản ánh đơn giản.
4. Thời gian tới, với mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông “cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, chắc chắn sẽ còn nhiều nội dung phải triển khai một cách sâu rộng, triệt để và hiệu quả. Đặc biệt, việc tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội với tư cách vừa là chủ thể phản biện, vừa là phương tiện chuyển tải những thông tin phản hồi từ xã hội đến với cơ quan nhà nước, từ đó, có căn cứ bổ sung, điều chỉnh chính sách một cách phù hợp hơn, sẽ giúp báo chí thực sự trở thành công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo phải “là một chiến sĩ cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân” (14).
Trước hết, người làm báo, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan báo chí cần nhận thức sâu sắc về giám sát, phản biện xã hội và vai trò quan trọng của báo chí trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Mỗi người dân cũng cần được tuyên truyền sâu sắc hơn, góp phần cùng báo chí thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội qua các kênh, các phương thức khác nhau. Càng thu hút được sự tham gia của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, thì càng phát huy cao độ dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, góp ý kiến với cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước thông qua kênh báo chí, truyền thông. “Báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hoá tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng” (15).
Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong việc bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, nâng cao trách nhiệm xã hội của người cầm bút.
Kiên quyết đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận người làm báo. Loại trừ những thói hư, tật xấu, những biểu hiện tiêu cực, dấu hiệu “thương mại hóa báo chí”, “báo hóa tạp chí”, “báo hóa trang thông tin điện tử”, xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích nhóm, tham gia  “đánh đấm”, “mặc cả”, tạo sức ép cho doanh nghiệp... làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân với báo chí cách mạng Việt Nam.
Ba là, các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần thấu triệt một cách sâu sắc về văn hóa phản biện. Điều này cũng chính là góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, để mỗi tòa soạn báo đều là những điểm sáng về văn hóa, mỗi nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Văn hóa phản biện thể hiện từ “tâm sáng”, “lòng trong” của mỗi người cầm bút đến “ngòi bút sắc” về nội dung, hình thức, cách thức triển khai các sản phẩm, tác phẩm báo chí. Văn hóa phản biện thể hiện qua những chuẩn mực về thông tin, ngôn ngữ, việc phân tích, đề cập, bình luận một cách khoa học, nhiều chiều, có tính định hướng dư luận xã hội.
Bốn là, để báo chí tham gia hiệu quả giám sát, phản biện xã hội rất cần một “nguồn nhân lực” báo chí chính luận “chắc tay”.
Điều này không thể thực hiện dễ dàng trong “ngày một, ngày hai” mà đòi hỏi một chiến lược bồi dưỡng, đào tạo bài bản, không chỉ qua sách vở, trường lớp mà còn cần sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong việc “tự nghiên cứu”, “tự học nghề”. Đào tạo tại chỗ “cầm tay, chỉ việc”, truyền thụ kinh nghiệm từ lớp người đi trước, các cây viết chính luận kỳ cựu cho đội ngũ kế cận cũng đóng vai trò quan trọng.
Có như vậy mới có thể hình thành một đội ngũ nhà báo chính luận với phẩm chất đạo đức tốt, năng lực làm báo chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn sâu, rộng, cho ra đời những tác phẩm báo chí sâu sắc, “chủ động tạo luồng ý kiến chính thức, chính thống với tinh thần phản biện khoa học, chính trực trên cơ sở các luận điểm, luận cứ, luận chứng thuyết phục”(16).
Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ hơn tư duy làm báo chính luận, theo đó, có sự kết hợp giữa cách thức triển khai truyền thống với phong cách tác nghiệp hiện đại, tăng cường ứng dụng các nội dung đa phương tiện và đa nền tảng, tạo sức cuốn hút đối với công chúng./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
_______________________
(1) Trần Đăng Tuấn: Câu hỏi đặt ra từ cuộc sống: Phản biện xã hội, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr.160.
(2) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/823660/tinh-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi-hien-nay.aspx.
(3) Phan Xuân Sơn, Nguyễn Văn Dững: Mấy vấn đề về báo chí phản biện xã hội, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/1663-may-van-de-ve-bao-chi-phan-bien-xa-hoi.html.
(4) (13) Nguyễn Trần Bạt (2014): Phản biện xã hội, https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan_bien_xa_hoi.html, ngày 12/7/2014.
(5) Lê Thị Thiều Hoa: Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (412), tháng 6/2020.
(6) (12) (16) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/823660/tinh-phan-bien-xa-hoi-cua-bao-chi-hien-nay.aspx.
(7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.124, 135,
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.87
(10) https://thanhnien.vn/huy-quy-dinh-cam-du-khach-chia-se-thong-tin-ve-dich-covid-19-post951956.html.
(11) Xem Chỉ thị số 07 ngày 5/9/2016 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, Quyết định số 52 ngày 6/12/2016 của Thủ tướng ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở và Quyết định số 135 ngày 20/1/2020 của Thủ tướng phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
(14) (15) https://www.vietnamplus.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-dai-hoi-hoi-nha-bao-viet-nam/337268.vnp.
 
Tin liên quan