Đồng chí Võ Văn Thưởng và Phan Đình Trạc trao giải Đặc biệt tại Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020-2021.
Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75.
Ngoài ra, Ðiều 13 Luật Phòng, chống tham nhũng còn quy định cụ thể về việc họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống tham nhũng. Ðiều 14 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó cho cơ quan báo chí. Ðiều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình.
Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội". Như vậy, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, báo chí không có thẩm quyền điều tra hoặc thanh tra như các cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo chí cũng không có bộ máy, các thiết chế, chế tài pháp luật hoặc công cụ hỗ trợ khác để tiến hành các hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Thế nhưng, báo chí lại có nhiều hình thức để phát hiện những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thí dụ như qua thư bạn đọc gửi đến cơ quan báo chí, phóng viên; thông qua việc tiếp nhận các phản ánh, tố cáo của người dân, báo chí xác minh để tìm ra các tài liệu, chứng cứ xác thực để chuyển tới công luận và các cơ quan chức năng; hoặc báo chí phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và thực hiện những biện pháp điều tra đặc thù của nghề nghiệp.
Không chỉ góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ, hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho nhân dân. Báo chí có thể truyền tải thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Báo chí tạo ra các diễn đàn để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những kiến nghị; đề xuất về chính sách, về những quy định pháp luật chưa thật sự phù hợp thực tiễn cuộc sống.
Việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí nhằm hai mục tiêu xây và chống: xây là vận động nhân dân tham gia phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng, tiêu cực là vận động nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên với hình thức theo dõi, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin nhanh về hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thông qua việc tuyên truyền, báo chí còn góp phần giúp các cơ quan chức năng tăng cường trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh đa chiều, khách quan về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Nhà nước ta cũng đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các giải báo chí. Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2021, đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay - đồng chí Phan Ðình Trạc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có cơ quan báo chí và một số nhà báo gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin.
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cơ quan báo chí nhiều khi còn thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Một số vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được phản ánh đến nơi đến chốn, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí. Nhà báo tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ.
Ðể phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần hoàn thiện thể chế để các cơ quan báo chí, các nhà báo chủ động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế hiện nay nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí ngại tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vì tâm lý sợ gánh chịu hậu quả, sợ người bị tố cáo có chức vụ, quyền hạn và có vị thế cao trong xã hội. Khả năng bị đánh đập, bị hăm dọa, bị gây nguy hiểm đến tính mạng và người thân trong gia đình là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, rất cần có cơ sở pháp lý đầy đủ để cung cấp thông tin, bảo vệ các nhà báo, các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cần xác định rõ trong các quy định của pháp luật, phóng viên báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì được bảo vệ như thế nào? Có như vậy mới xử lý nghiêm minh được và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Ðây đang là vấn đề báo giới quan tâm và lo lắng trong hành nghề.
Yếu tố quyết định đến hiệu quả của truyền thông trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc xây dựng đội ngũ phóng viên, người làm báo có tâm, có tầm và có tài. Do vậy, cần chú trọng đào tạo và đào tạo lại các phóng viên báo chí chuyên sâu về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng đạo đức của người cầm bút, với tinh thần làm nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Cần có cơ chế cho báo chí nắm bắt thông tin kịp thời về công tác xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực để thông tin kịp thời cho nhân dân, sau khi họ đã cung cấp thông tin cho báo chí.Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí để cung cấp, trao đổi thông tin về những lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phản ánh, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý; tăng cường phối hợp xây dựng các chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vừa để xử lý nghiêm minh, vừa rút ra những bài học kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, bất cập về thể chế, pháp luật.
Nguồn: https://nhandan.vn/