Lực lượng xung kích cơ sở từ nhân dân mà ra, sống tại địa phương, hiểu dân và thông thuộc địa hình, xác định cụ thể các điểm xung yếu tại địa phương cho nên sẽ chủ động hơn trong các hoạt động phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, lực lượng này đã hỗ trợ và triển khai sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất, người bị mắc kẹt trên nương rẫy, bãi sông, suối, những nơi bị ngập lụt, chia cắt, cô lập đến nơi an toàn; tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa kịp thời người bị thương, vùi lấp, mắc kẹt, lũ cuốn,...
Báo hiệu, canh gác, hướng dẫn tại các ngầm tràn, những nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt để bảo đảm an toàn cho học sinh, người tham gia giao thông. Hỗ trợ sửa chữa nhà hư hỏng, dựng nhà tạm, nhanh chóng ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Có thể nói, nhờ có hoạt động hiệu quả của các đội xung kích cơ sở mà các thiệt hại về thiên tai đã được giảm đáng kể.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Nguyễn Tấn Liêm cho biết, năm 2022, thiên tai diễn biến bất thường và có xu hướng cực đoan hơn, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phải chịu nhiều thiên tai nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán...; gần đây, còn xảy ra hiện tượng động đất tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chuyên nghiệp của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện trong công tác phòng, chống thiên tai, thì lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có vai trò nòng cốt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở.
Đây là lực lượng được coi là tuyến đầu trong công tác phòng, chống thiên tai đang thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa như: Tuyên truyền, rà soát các vị trí xung yếu, ứng phó, khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân...
Theo Phó Tổng cục trưởng Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, xung kích cơ sở thực chất là lực lượng phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp ngay từ giờ đầu trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận. Từ thực tiễn đã được ghi nhận, lực lượng này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là trong đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi và lũ lụt nghiêm trọng tại miền trung trong những năm qua.
Ông Tiến cho biết thêm, để nâng cao hơn nữa năng lực của lực lượng xung kích cơ sở, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội nghị tập huấn nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp huyện về xây dựng, củng cố và tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với dân quân tự vệ làm nòng cốt trong phòng, chống thiên tai và sơ tán dân.
Qua đó, các cấp chính quyền địa phương sẽ xác định rõ trách nhiệm trong việc đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng này tại cơ sở, nhất là trách nhiệm của UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, để bảo đảm trong thời gian tới toàn bộ lực lượng xung kích trên địa bàn được đào tạo, tập huấn nâng cao các kỹ năng nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn khi thiên tai xảy ra tại địa phương.
Ngoài ra, để lực lượng xung kích tại cơ sở đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhằm chủ động công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều định hướng, quy định.
Điển hình như Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trong đó đã quy định về lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai yêu cầu chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở Trung ương và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Theo đó giao Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích tại các địa phương và ban hành bộ tài liệu tập huấn cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; giao UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng này.
Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chuyên nghiệp của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã cần phải được tập huấn nâng cao năng lực để ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Để làm được điều đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, thành phố cần được hướng dẫn các vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức và hoạt động của đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, một số kỹ năng chuẩn bị ứng phó thiên tai, một số hoạt động cơ bản trong khắc phục hậu quả thiên tai, kỹ năng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó sập đổ công trình... để tập huấn cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở bảo đảm hiệu quả, sát với đặc thù của các địa phương.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, chỉ đạo và hoàn thiện mô hình hoạt động của đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và trách nhiệm của các cấp trong tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; trang bị một số kiến thức cơ bản về công tác phổ biến tuyên truyền về phòng, chống thiên tai; chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện và huy động dân quân tự vệ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả tốt, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
Theo Tổng kết của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7 cơn bão, 2 cơn áp thấp nhiệt đới, 211 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 197 trận dông lốc, sét, 87 vụ sạt lở bờ sông, triều cường, 238 trận động đất, 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm. Các loại hình thiên tai đã làm 148 người chết và mất tích, 263 người bị thương, 730 nhà sập, 17.320 nhà hư hỏng, tốc mái và nhiều thiệt hại khác. Ước tính tổng thiệt hại hơn 11.915 tỷ đồng. Trong năm 2022 hiện tượng động đất tại một số tỉnh Tây Nguyên diễn ra thường xuyên, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong cộng đồng dân cư. |