KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/07/2022 - Lượt xem: 127
Văn hóa từ chức từ góc nhìn lịch sử

Ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Đây là quy định có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Quy định đã “mở đường” cho “văn hóa từ chức” trong Đảng và trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại.

“Từ quan”, “từ chức” là hành vi từ bỏ chức vụ của quan lại ngày xưa và cán bộ ngày nay. Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã thể hiện những giá trị tinh hoa của văn hóa từ chức trong đạo làm quan, đạo làm chính khách của chính giới Đông, Tây xưa và nay - rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, nghĩa tình.
Tiếp cận vấn đề từ phương diện lịch sử và văn hóa chính trị, bài viết góp phần làm sáng tỏ hai vấn đề: thứ nhất, Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị kế thừa truyền thống chính trị Việt Nam như thế nào?; thứ hai, những quy định của Đảng đối với vấn đề từ chức của cán bộ tương thích và khác biệt thế nào trong khung cảnh chung của nền chính trị thế giới hiện đại?
Văn hóa từ chức từ trong huyền sử và trong đạo làm quan thuở trước
Cao Lỗ(1) - nhân vật huyền sử được lưu lại khá đậm nét trong “ký ức” dân gian, được ghi lại trong phần “Ngoại kỷ” của bộ Đại Việt sử ký toàn thư có thể được coi là người khởi đầu cho văn hóa từ chức của quan giới Việt Nam. Tương truyền, ông là vị tướng tài của An DươngVương - vua của nước Âu Lạc. Cao Lỗ chính là người đã giúp An Dương Vương chế ra “Linh quang kim trảo thần nỏ” và chỉ huy, huấn luyện quân đội sử dụng thành thạo loại nỏ liên châu vô cùng lợi hại này, khiến đạo quân xâm lược từ phương Bắc của Triệu Đà nhiều phen bị đánh bại. Thành Cổ Loa và nước Âu Lạc nhờ thế được bảo vệ.
Nghi thức rước kiệu ở Lễ hội Cổ Loa, tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội_Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên sau đó, do mắc phải kế ly gián của cha con Triệu Đà, lại “bị Lạc Hầu gièm pha”, Cao Lỗ đã phải từ chức, bỏ đi khỏi thành Cổ Loa. Chẳng lâu sau, Triệu Đà trở mặt tấn công Âu Lạc, cuộc chống trả của An Dương Vương thất bại, thành mất, nước diệt, dẫn tới kỷ nguyên hơn 1.000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam(2).
Sau này, các nhà khảo cổ học đã khai quật được tại di tích Cổ Loa hàng nghìn mũi tên đồng ba cạnh, rồi cả khuôn đúc tên và lẫy nỏ cũng được tìm thấy. Như vậy, chuyện thành Cổ Loa, nước Âu Lạc và nỏ liên châu là có thật. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có đủ cơ sở sử liệu để khẳng định Cao Lỗ là nhân vật lịch sử hay huyền sử. Dẫu vậy, chuyện ông từ chức, bỏ đi đã in đậm trong “ký ức” dân gian, trở thành một trong những cách người đời sau lý giải nguyên nhân của lần mất nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng ta không có đủ cơ sở sử liệu để biết rõ hơn về tình hình nội bộ “triều đình” Cổ Loa, về mối quan hệ giữa An Dương Vương với các bề tôi. Vì thế, chuyện Cao Lỗ bị Lạc Hầu gièm pha đến mức phải bỏ đi, mãi mãi chỉ là một huyền sử. Nhưng thông điệp mà dân gian nghìn đời nay truyền lại thì là sự thật, đó là nếu nội bộ lãnh đạo không đoàn kết, nếu nhân tài không được trọng dụng, bị ngược đãi buộc phải ngoảnh mặt, quay lưng thì xã tắc suy yếu, thậm chí lâm nguy, diệt vong.
Bài học rút ra ở đây là: muốn cho đất nước thịnh vượng, chế độ trường tồn thì nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết, người cầm quyền hay đảng cầm quyền phải trọng dụng nhân tài. Một khi nhân tài phải từ chức hoặc không thể đem tài năng ra phụng sự đất nước thì đó chính là một trong những dấu hiệu của vận nước nguy nan.
Quan trường, quan giới nước ta chính thức ra đời cùng với việc hình thành nhà nước quân chủ trong kỷ nguyên độc lập, từ khi Ngô Quyền đánh bại quân xâm lược Nam Hán, lập ra triều Ngô. Sử cũ ghi: năm 939 “Vua bắt đầu xưng vương,... đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục”(3). Kể từ đó cho tới khi triều Nguyễn chấm dứt (năm 1945), quan trường nước ta đã kéo dài hơn 10 thế kỷ, trải qua 10 triều đại, có đến hàng chục vạn người đã được bổ nhiệm làm quan, giữ các chức vụ cao, thấp khác nhau trong hệ thống chính trị quân chủ. Trong quan trường, sử ghi lại số người được các triều đại thăng, thưởng, biếm, phạt có rất nhiều, nhưng hiện tượng từ chức, từ quan thì khá ít. Có lẽ triều đại có nhiều vị quan từ chức nhất là triều Nguyễn, chủ yếu là từ sau khi vua Tự Đức và triều đình ký các hiệp ước đầu hàng thực dân Pháp, cắt đất, bỏ dân cho giặc. Hàng chục, hàng trăm quan chức từ Nam Kỳ, tới Bắc Kỳ rồi cả Trung Kỳ đã “treo ấn từ quan” để phản đối triều đình hàng giặc, để khỏi phải “Đem thân khoa bảng làm tôi Pháp” (lời Tam Nguyên Vũ Phạm Hàm) và để cùng với nhân dân khởi nghĩa chống giặc, cứu nước.
Vậy, tại sao hiện tượng từ chức lại hiếm xảy ra như vậy trong quan trường quân chủ nước ta?
Dẫu rằng hiếm, nhưng cũng có những vị quan từ chức đáng để người đời suy ngẫm. Điển hình là trường hợp Chu An (Chu Văn An, 1292 - 1370) triều Trần. Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan, mở trường dạy học, học vấn tinh thông. Ông nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, nhiều trò đỗ đại khoa và được triều đình nhà Trần giao đảm trách chức vụ quan trọng, trong đó nổi tiếng nhất là Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát. Các học trò này của Chu Văn An từng làm quan, giữ chức Hành khiển (tương đương với Tể tướng). Sử cũ cho biết: Chu Văn An “là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt” nên được hoàng đế Trần Minh Tông “mời làm Quốc tử giám Tư nghiệp, dạy thái tử học”(4). Đến đời Trần Dụ Tông, thấy Vua “ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước”, khuyên can Vua không nghe, Chu Văn An liền dâng sớ xin xử chém bảy tên nịnh thần, là những kẻ được Vua yêu. “Người bấy giờ gọi là ‘thất trảm sớ’”. Dụ Tông không nghe, ông liền treo mũ từ quan, lui về Chí Linh dạy học(5).
Trường hợp từ chức của Chu Văn An tiêu biểu cho một mô-típ từ quan điển hình trong lịch sử quan trường Việt Nam. Sau ông còn có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1481 - 1585, triều Mạc) và Phan Châu Trinh (1872 - 1926, triều Nguyễn) cũng rút lui khỏi quan trường theo cùng một cách. Họ đều là những bậc tài cao, đức lớn, tiết tháo, cương trực. Họ tham chính, làm quan là để phò vua, giúp nước, giúp dân chứ không mưu cầu danh lợi cho cá nhân hay dòng họ. Nhưng, như Ngô Sỹ Liên đúc kết: “Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Người làm vua sử dụng người hiền thường lo người hiền không theo ý muốn của mình. Cho nên, vua [sáng] tôi [hiền] gặp nhau, từ xưa vẫn là rất khó”(6). Sự từ quan của những người này như một sự phản kháng tiêu cực, mong cảnh tỉnh nhà vua và triều đình, và cốt để giữ tròn tiết tháo, đức hạnh bản thân.
Những người như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Châu Trinh,... coi danh lợi “nhẹ như lông hồng”. Chuyện từ chức tưởng chừng dễ dàng - họ bỏ mũ, “treo ấn từ quan”, nhưng thực tế trong lòng tràn ngập nỗi đau nhân thế, họ không bỏ cuộc, buông xuôi, vì vậy, sự từ chức của họ được lưu lại như một “nỗi di hận trăm năm”.
Một số bài học quý báu rút ra từ lịch sử Đảng ta
Trong lịch sử chính trị cách mạng Việt Nam đã có những tiền lệ lịch sử về sự từ chức của những cán bộ cao cấp trong Đảng. Trước khi giành được chính quyền, trong thời kỳ 1936 - 1938, các đồng chí Lê Hồng Phong(7) và Hà Huy Tập(8) đã từng tự nguyện rời khỏi chức vụ Tổng Bí thư của Đảng để bảo đảm sự thống nhất về đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, nhất là sự hài hòa giữa đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và đường lối chung của Quốc tế Cộng sản lúc đó. Tuy không tiếp tục giữ cương vị Tổng Bí thư, nhưng các đồng chí Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập vẫn tiếp tục tham gia Ban Thường vụ Trung ương(9) của Đảng và vẫn tiếp tục tham gia lãnh đạo Đảng, cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.
Tiền lệ lịch sử thứ hai về tự nguyện rút lui của một số cán bộ lãnh đạo của Đảng diễn ra ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa giành được những thắng lợi cơ bản nhất. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”(10). Trong số những đồng chí đã “tự động xin lui” đó có cả đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và một số đồng chí lãnh đạo cao cấp khác, như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh.
Tổng Bí thư Trường Chinh nói chuyện với các đại biểu tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà, ngày 6-12-1972_Ảnh: TTXVN
Hoặc sau sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng (1955 - 1956), đồng chí Lê Văn Lương tự nhận thấy có phần trách nhiệm trong công tác chỉnh đốn tổ chức Đảng nên đã tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng(11). 
Sự từ chức, “tự động xin lui” của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao, bởi lẽ các đồng chí đó hiểu rất rõ, rằng “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”(12), cho nên đối với họ, “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng””(13).
Chắc chắn, sự từ chức của các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng trong những thời điểm lịch sử khác nhau như đã được phân tích ở trên đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Không ai khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết những kinh nghiệm lịch sử ấy thành những nguyên tắc chính trị của Đảng ta với tư cách là một “đảng cầm quyền”, một đảng của đạo đức và văn minh.
Văn hóa từ chức trên chính trường hiện đại
Từ chức xưa nay không bao giờ là chuyện bình thường trong quan giới. Nhưng ngày nay, hiện tượng này đã dường như trở thành một phần không thể thiếu, thậm chí đã xuất hiện ở những nơi tưởng chừng như không bao giờ người ta được từ chức, như trường hợp từ chức của Giáo hoàng Benedict vào ngày 28-2-2013 hay của Nhật hoàng Akihito vào ngày 30-4-2019. Còn hiện tượng các nguyên thủ quốc gia (tổng thống, thủ tướng) cho tới các quan chức và chính khách cao cấp khác từ chức thì đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... Thậm chí mới đây, liên tiếp hai vị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Yoshihide Suga đều từ chức. Cá biệt, ngày 24-11-2021, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã từ chức chỉ sau vài giờ cầm quyền.
Ngày nay, các quan chức trên thế giới từ chức vì rất nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu trung lại có mấy nhóm nguyên nhân chính sau đây: Thứ nhất, họ từ chức vì tự thấy mình không đủ điều kiện tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, bất lực trước tình thế khó khăn, như trường hợp Thủ tướng Yoshihide Suga thất bại trong ngăn ngừa sự bùng nổ đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản. Thứ hai, họ từ chức vì những bê bối cá nhân (bị phát hiện tham nhũng, ngoại tình, đạo văn hay ngủ gật lúc họp hành,...) và do đó bị mất uy tín nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng xấu tới tổ chức hoặc chính thể. Thứ ba, họ từ chức vì bị ép phải từ chức, như trường hợp anh em Thủ tướng Thái Lan Thaksin - Yingluck và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Dư chấn của những sự từ chức này có khi là tích cực, có khi là tiêu cực đối với cộng đồng và đất nước.
Có thể thấy, từ quan, từ chức xưa nay chưa bao giờ là chuyện dễ, mà thực tế, luôn là chuyện rất khó.
Quy định số 41-QĐ/TW - nghiêm khắc mà nhân văn
Được bổ nhiệm là niềm vui, niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm đối với cá nhân người được bổ nhiệm và với cả gia đình, tổ chức mà người đó đại diện. Tuy nhiên, nếu phải từ chức thì sự từ chức đó là lối thoát đẹp đẽ, mang lại sự yên bình, tốt đẹp, thậm chí là lợi ích cho cả người từ chức và tổ chức, cộng đồng. Quy định số 41-QĐ/TW, của Bộ Chính trị “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” vừa là sự kế thừa những kinh nghiệm quý báu được đúc rút ra từ văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống, từ chính kinh nghiệm chính trị của Đảng, đồng thời lại tương thích ở tầm văn hóa rất cao với các thông lệ chính trị tiến bộ trên thế giới. Vì vậy, Quyết định này vừa rất nghiêm minh, vừa rất nhân văn, nhân ái.
Nghiêm minh, vì nó buộc tất cả những cán bộ có chức, có quyền đều phải ý thức sâu sắc rằng, quyền lực mà họ nắm giữ trong tay là quyền lực công, được Đảng và nhân dân ủy thác cho họ để thực hành công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nước ta là một nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. ... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(14). Cho nên, bất kỳ khi nào họ không còn hoặc không thể xứng đáng với chức vụ được giao, thì họ phải trả lại quyền lực đó cho Đảng và cho nhân dân.
Vậy, khi nào thì một cán bộ, đảng viên nên từ chức và có thể từ chức? Theo Quy định số 41-QĐ/TW của Đảng, đó là khi một cán bộ: “1- Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; 2- Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; 3- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; 4- Vì lý do chính đáng khác của cá nhân”. Đây là những quy định rất nhân văn, nhân ái, mở ra một lối thoát, một con đường rút lui trong danh dự cho những người đã trót phạm khuyết điểm, yếu về năng lực và đã bị suy giảm nghiêm trọng về uy tín.
Đương nhiên, việc xem xét có cho cán bộ được từ chức hay không là do cấp có thẩm quyền quyết định, dưới sự giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp luật và của nhân dân. Quy định đã nói rõ nguyên tắc: “Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Điều này thể hiện sự nghiêm minh để không một ai mượn cớ từ chức để thoát tội, trốn tránh trách nhiệm./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
----------------
(1), (2) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t. I, tr. 137, 137 - 139, 204
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. I, tr. 137 - 139, 204
(4), (5), (6) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t. II, tr. 328 - 329, 340, 141
(7) Đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 1942) được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ I (tháng 3-1935). Đến tháng 3-1937, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương cho thôi giữ chức Tổng Bí thư để “làm cán bộ dự trữ ở nước ngoài, để sau này trở về trong nước tổ chức lại các tổ chức của Đảng trong trường hợp các đồng chí có trách nhiệm ở trong nước bị bắt; đồng thời để giữ liên lạc với Quốc tế Cộng sản” (Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 302)
(8) Đồng chí Hà Huy Tập (1906 - 1941) được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng từ tháng 3-1937. Đến tháng 3-1938 đồng chí Hà Huy Tập được Ban Chấp hành Trung ương cho thôi giữ chức vụ này (Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 385)
(9) Tương đương Bộ Chính trị theo các quy định Điều lệ Đảng hiện nay.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 26
(11) Mai Văn Chính: “Cống hiến của Đồng chí Lê Văn Lương trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 27-3-2022
(12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 289, 290 – 291
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232.

 

Tin liên quan