Huyện Văn Lâm là huyện công nghiệp, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 1.582 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 1.152 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động khoảng trên 54 nghìn lao động. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại của huyện cũng phát triển đa dạng, phong phú. Toàn huyện có 18 làng nghề, trong đó 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, 03 siêu thị, 07 chợ khu vực, 03 chợ Lipsap, 20 chợ thôn, 5.540 cơ sở kinh doanh của hộ gia đình và 1.546 hộ kinh doanh nhà trọ... đã thu hút lao động vào làm việc ngày càng nhiều.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế; thu nhập của người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp và giải thể của nhiều doanh nghiệp tăng cao. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và ngưòi sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ- TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để kịp thời thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, UBND huyện Văn Lâm đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời, chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ngành liên quan chủ động triển khai, hướng dẫn đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động đủ điều kiện hưởng theo quy định.
UBND huyện thường xuyên chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác hỗ trợ Covid-19. Các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thông tin, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Đài truyền thanh huyện tăng thời lượng phát sóng, tuyên truyền, xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về nội dung, chính sách hỗ trợ và tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ- TTg, Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND tỉnh, Kế hoạch số 101/KH-UBND của UBND huyện và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về nội dung, điều kiện, thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ đối với từng nhóm đối tượng theo quy định.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên trong giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc triển khai hoạt động giám sát nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát nhằm kịp thời đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 sớm được triển khai, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống người lao động, ổn định và phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Thông qua hoạt động giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, góp phần thúc đẩy và bảo đảm các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, công bằng, chính xác; kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách.
Đến nay, Bảo hiểm xã hội huyện đã hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 44.763 lao động của 889 công ty, với tổng số tiền dự kiến cả năm là trên 13 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội huyện đã hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của 02 doanh nghiệp, với tổng số lao động là 82 người. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Đã hỗ trợ cho 44 lao động của 06 công ty với tổng số tiền là 209.805.000 đồng; đang trình UBND tỉnh hỗ trợ cho 05 lao động của 02 công ty với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là 21.550.000 đồng. Hỗ trợ người lao động ngừng việc: Đã hỗ trợ cho 126 lao động của 9 công ty với tổng số tiền là 126.000.000 đồng; đang trình UBND tỉnh hỗ trợ cho 576 lao động của 25 công ty, với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là 827.000.000 đồng. Hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế: UBND huyện đang trình hỗ trợ tiền ăn cho 269 người cách ly y tế tập trung tại huyện từ ngày 27/4 đến nay, với số tiền là 351.800.000 đồng. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân hỗ trợ cho 03 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, cho 171 lao động, với tổng số tiền là 670.320.000 đồng...
Thời gian tới, huyện Văn Lâm tiếp tục tập trung nguồn lực để người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng các chế độ, chính sách đảm bảo kịp thời, chính xác. Qua đó, giúp người lao động sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời cũng giúp người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
HC