|
Đền thờ và mộ Phạm Công Trứ, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ) |
Theo lời kể của các bậc cao niên, làng cổ Liêu Xuyên phảng phất vẻ đẹp huyền thoại và thơ mộng. Khi xưa làng có dòng Hồ Lô uốn lượn cùng 3 dòng nước chảy theo hình chữ “Xuyên”, tạo nên dòng tứ thủy biểu hiện sự phát tiết nhân tài.
Nét độc đáo ở Liêu Xuyên còn ở cách cư ngụ của người dân. Dân làng Liêu Xuyên ở theo 4 xóm, xếp thành hình chữ “Phẩm”. Hội tụ những yếu tố phong thủy thiên thời, địa lợi ấy, Liêu Xuyên được coi là nơi “Địa linh, nhân kiệt”.
Năm 1185, đời vua Lý Cao Tôn, làng Liêu Xuyên xuất hiện ông trạng Đỗ Thế Diên. Từ cậu bé quét lá đa, con nhà nông dân nghèo khó, nổi tiếng thông minh học một biết mười, ông giành bảng vàng và là người khai khoa cho nền khoa cử Hưng Yên nói riêng và cả xứ Đông xưa, được nhà vua tặng danh hiệu “Đông Hải Văn Khôi”. Vào thời nhà Lý chưa có học vị Trạng nguyên, học vị này về sau mới có. Nhưng do Đỗ Thế Diên trúng đầu khoa thi nên người đời sau vẫn gọi ông là Trạng nguyên.
Không những là đất phát người tài, làng cổ Liêu Xuyên vào thời Minh Mạng thứ 2 còn được nhà vua phong 4 chữ vàng “Mỹ tục khả phong” để lưu danh ngôi làng có nhiều nếp sống đẹp. Vì vậy, làng Liêu Xuyên còn được mang tên “Thanh Xá”, với ý nghĩa là làng thanh bạch.
Thanh Xá xứng đáng là vùng đất “ngàn xưa văn hiến”. Câu ca “Đầu làng tể tướng, cuối làng trạng nguyên” đã nói lên niềm tự hào của nơi này với 2 danh nhân Đỗ Thế Diên và Phạm Công Trứ. Trong đó, di tích thờ Phạm Công Trứ đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Những di vật mà Phạm Công Trứ để lại ở làng Thanh Xá không nhiều nhưng vẫn in đậm hình bóng của một danh nhân có nhiều cống hiến cho dân tộc.
Phạm Công Trứ sinh năm 1599, vào thời Lê Trung Hưng, trong một gia đình nho nghèo. Thuở thiếu thời Phạm Công Trứ nổi tiếng là cậu bé thông minh đĩnh ngộ, giỏi thơ văn. Năm 29 tuổi ông đỗ đồng tiến sĩ và được xung vào chức hiệu thảo Viện Hàn Lâm. Từ đấy, với tài năng của mình ông trở thành vị quan giữ vị trí trọng yếu của triều đình nhà Lê suốt 40 năm được vua phong 4 chữ “Trung Hưng hiền tướng” và 2 câu thơ còn lưu truyền đến ngày nay:
Vị quán bách liêu kiêm ấn lực
Danh cao thiên hạ đạt tôn tam
Nghĩa là: Phạm Công Trứ luôn giữ chức danh quan trọng của triều đình và đạt 3 điều cao quý: Danh – Phúc – Thọ.
Với tài mưu lược, ông còn cùng chúa Trịnh cầm quân đánh bại quân Mạc tại Cao Bằng, chặn đứng âm mưu của nhà Thanh (Trung Quốc) mượn cớ “Phù Mạc diệt Lê” xâm lược nước ta.
Lịch sử dân tộc cũng ghi nhớ công lớn của Phạm Công Trứ cho quốc sử nước nhà bởi ông là người khảo đính và hoàn chỉnh bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư.
Trước đó, do khói lửa chiến tranh chống ngoại xâm, bộ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” bị hư hỏng, mất mát nhiều. Năm 1665, Phạm Công Trứ được Tây Vương Trịnh Tạc giao cho việc khảo đính, phụ trách sửa chữa, xem xét lại bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Phạm Công Trứ dồn hết tâm sức, tài năng cho nhiệm vụ này và trở thành nhà sử học xuất sắc thế kỷ XVII. Ông cùng nhóm biên soạn đã hoàn thành cấu trúc, khảo đính lại bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư, chỉnh lý phần Bản kỷ thực lục và viết mới phần Bản kỷ tục biên để hoàn chỉnh bộ quốc sử này.
Ông còn dồn tâm huyết để viết cuốn sách “Bốn mươi bảy điều giáo hóa”, bổ sung cho hình luật, xây dựng đạo đức, nhằm giữ vững kỷ cương phéo nước.
Trong đời làm quan, Phạm Công Trứ tâm niệm “lấy dân làm gốc”, “khoan sức dân”. Vì thế ông đề xuất và được vua đồng ý miễn thuế cho nông dân 20 năm liền.
Trải qua 40 năm làm quan, Phạm Công Trứ có nhiều công lao lớn đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn học, sử học, pháp luật... Sử gia thế kỷ Phan Huy Chú nhận định về Phạm Công Trứ: Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn... đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là bậc tể tướng tốt. Ông lại ham đọc sách, đến già vẫn không mỏi. Có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng.
Con cháu dòng họ Phạm sau này vẫn phát huy truyền thống tốt đẹp của gia tộc. Cháu 5 đời của Phạm Công Trứ là Phạm Đình Tạc làm án sát tỉnh Cao Bằng đã quên mình tử tiết vì nước, được vua phong 4 chữ “Thung dung tựu nghĩa”. Trong số con cháu Phạm Công Trứ phải kể đến cháu ngoại ông là Dương Thị Duệ, một phụ nữ đã có công nuôi cả gia đình khoa bảng gồm: chồng bà là Lê Hữu Danh cùng 3 con trai là Lê Hữu Kiều, Lê Hữu Mưu và Lê Hữu Hỉ đều đỗ tiến sĩ, hiện nay còn lưu danh ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đặc biệt, trong đó Lê Hữu Mưu là thân phụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, vị Đại danh y làm rạng rỡ nền y học cổ truyền Việt Nam.
Làng cổ Liêu Xuyên – Thanh Xá hôm nay dường như vẫn vang vọng âm hưởng của lịch sử với bề dày truyền thống văn hóa cha ông để lại. Người dân vẫn gìn giữ, nâng niu những giá trị lịch sử trên mảnh đất quê hương, xứng đáng với tên gọi: vùng đất nghĩa tình hào hiệp.
Theo Báo Hưng Yên