SỰ THIẾU BỀN VỮNG CỦA VIỆC LÀM DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động. So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đặt ra mục tiêu chung là tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35- 40% vào năm 2030; chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030; phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp đến năm 2025 dưới 30% và đến năm 2030 dưới 20%; tốc độ tăng năng suất lao động hằng năm đạt tối thiểu 6,5%/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%…
Với chính sách việc làm khá hoàn chỉnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với trình độ (tay nghề) của người lao động ít nhiều đã được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, trong những năm gần đây, số lượng việc làm (chỗ làm việc) hàng năm được tạo ra tương đối đều đặn và ngày càng phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, hằng năm đã tạo ra 1,6 triệu chỗ làm việc; 5 năm cả nước đã giải quyết được việc làm cho gần 8 triệu lao động, trong đó 7,3 triệu lao động có việc làm trong nước và 634 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 64,5%, trong đó số lao động có bằng, cấp chứng chỉ nghề đạt 24,5%. Kết quả đó đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra.
Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO), việc làm bền vững là cơ hội cho nam giới và nữ giới có được việc làm bền vững và năng suất trong điều kiện tự do, bình đẳng, và nhân phẩm được tôn trọng. |
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ(1). Gần đây nhất, ngày 14/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Việt Nam hướng tới phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Thất nghiệp gia tăng, số người không có việc làm, thu nhập giảm dẫn đến sự gia tăng các tệ nạn xã hội... Một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.
Khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức mới trong thực hiện mục tiêu việc làm bền vững của đất nước. Việc xuất hiện dịch bệnh đã làm đứt gãy sự vận hành thông thường của cấu trúc sản xuất và thương mại toàn cầu, ít nhất trong ngắn hạn. Các thị trường tiêu thụ lớn đình trệ dẫn tới đứt gãy tạm thời trong chuỗi cung ứng, xảy ra cả ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thị trường lao động thời COVID-19 được đánh giá sẽ có tác động sâu rộng đến kết quả thị trường, việc làm. Cung lao động đang giảm vì các biện pháp cách ly và suy giảm hoạt động kinh tế. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường lao động với số lao động có việc mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có đến 32,1 triệu lao động bị tác động, trong đó 39,9% số lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 14% buộc phải tạm nghỉ, tạm ngừng làm việc. Bên cạnh đó, kỹ năng nghề nghiệp thấp kém, không có nghề dự phòng, phần lớn người lao động chỉ biết một nghề, nhiều người chỉ là lao động phổ thông, không biết hoặc yếu kém về ngoại ngữ, ít có khả năng dịch chuyển để tìm kiếm việc làm ở nơi khác... cũng khiến người lao động gặp khó khăn khi tìm việc làm. |
Tác động của đại dịch COVID-19 tới việc làm của các nhóm lao động không đồng đều và điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. Những người bị ảnh hưởng lớn, bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi. Phụ nữ và lao động di cư cũng thuộc nhóm này. Lao động di cư dễ bị tổn thương, vì họ thường không được hưởng đầy đủ quyền lao động và an sinh xã hội. Trong khi đó, phụ nữ thường chiếm số đông trong nhóm các công việc lương thấp và các ngành kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY
Để thúc đẩy việc làm bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại. Theo đó, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung-cầu lao động, kết nối cung-cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động, công ước, tiêu chuẩn quốc tế đã được Việt Nam phê chuẩn và phù hợp với lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Cùng với đó, xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật; người lao động dân tộc thiểu số; lao động khu vực nông thôn…).
Hai là, chú trọng đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung- cầu lao động. Theo đó, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung-cầu lao động. Theo đó, xây dựng, triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động. Thiết kế chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm, đào tạo đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Rà soát, đánh giá cơ sở vật chất hiện có của trung tâm dịch vụ việc làm nhằm xác định nhu cầu đầu tư bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện kết nối cung-cầu lao động chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.
Ba là, thúc đẩy các xu thế chuyển dịch lao động tìm kiếm việc làm theo không gian, thời gian trên thị trường lao động. Các xu thế đó bao gồm: từ việc làm ở khu vực nông thôn, nông nghiệp sang việc làm ở khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; từ việc làm ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; từ việc làm ở khu vực có giá trị gia tăng (năng suất lao động) thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao hơn; từ vị trí việc làm có giá trị lao động (tiền lương, thu nhập) thấp sang vị trí việc làm có giá trị lao động cao hơn; từ vị trí việc làm có yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp (trình độ chuyên môn kỹ thuật) thấp sang vị trí việc làm có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn (đáp ứng với bước chuyển từ áp dụng công nghệ thấp, đơn giản sang áp dụng công nghệ cao, phức tạp trong sản xuất kinh doanh hiện đại); và dịch chuyển lao động từ các khu vực bên ngoài vào bên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Bốn là, giáo dục nghề nghiệp cần được quan tâm thúc đẩy nhiều hơn nữa nhằm hướng đến thực hiện tốt các mục tiêu: như hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hoà nhập thị trường lao động, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường...
Cần đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thích ứng với các khủng hoảng có thể xảy ra; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động.
Năm là, tăng cường năng lực dự báo và nắm bắt kịp thời các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch COVID-19 để bổ sung, điệu chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội...
Sáu là, đẩy nhanh việc cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí cần thiết để mở cửa thị trường giúp ngành dịch vụ phục hồi và phát triển. Các ngành này phát triển sẽ thu hút số lượng lớn lao động tham gia, góp phần tận dụng tốt hơn tiềm năng lao động sẵn có.
Bên cạnh đó, cần triển khai những chính sách dành riêng để 3,5 triệu lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp, với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng; góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung, mặt khác giúp cải thiện đời sống của người lao động. Cần tập trung các biện pháp hạn chế tình trạng mất việc làm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất- kinh doanh. Theo đó, đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải…
Bảy là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Hơn nữa, hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích vì đây sẽ lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác và tạo nhiều chỗ làm việc để thu hút người lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Tám là, thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Các doanh nghiệp cần giúp người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, nhất là bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm công cần hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác, đôi khi đó chỉ là công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu có khả năng, bên cạnh các chính sách chi trả theo quy định, doanh nghiệp nên chia sẻ về mặt kinh tế với những người mất việc làm thông qua các hoạt động hỗ trợ, như: một nửa tháng lương, tiền tàu xe về quê, hay bất kỳ khoản chi phí nào khác cho cuộc sống của họ. Triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng lao động, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi người lao động cũng cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tự lực tự cường chủ động trong tìm kiếm công việc mới phù hợp. Đây là giải pháp tốt nhất, vì suy cho cùng, phải có việc làm mới tạo ra thu nhập mới giúp người lao động sống và tồn tại trong lúc toàn xã hội cũng đang rất khó khăn./.
Đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm những khó khăn, thách thức thức trong việc hướng đến thực hiện mục tiêu việc làm bền vững của Việt Nam. Do đó, vấn đề cốt lõi để đảm bảo việc làm bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là phải thực hiện kịp thời và có hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với với người lao động bị mất việc làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển, giữ được việc làm đã có, tạo ra nhiều việc làm mới; đào tạo, giáo dục lại nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đương đại... Công việc này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao, sự phối hợp đồng bộ và thường xuyên của tất cả các chủ thể liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội và chính bản thân người lao động. |
Nguồn: https://tuyengiao.vn
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.149.