KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/07/2022 - Lượt xem: 116
Việt Nam tham dự Hội chợ thời trang, dệt may tại Pháp

Từ ngày 5 đến 7/7, hơn 10 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ thời trang, dệt may quốc tế (Première Vision 2022) diễn ra ở ngoại ô Paris, Pháp. Đây là sự kiện thường niên lớn và uy tín nhất của ngành công nghiệp dệt may thời trang thế giới tại Pháp và là cơ hội để Việt Nam giới thiệu những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng tham dự lễ khai trương khu trưng bày Việt Nam cùng đại diện Ban Tổ chức hội chợ và các doanh nghiệp Việt Nam. 
Cũng như những năm trước, quy tụ tại Trung tâm triển lãm lớn nhất tại Pháp ở ngoại ô Paris, Paris Nord Villepinte, là các tên tuổi lớn trong nghành thời trang của Pháp và quốc tế. Hơn 1.200 nhà trưng bày và giới chuyên môn trong lĩnh vực thời trang sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới tới đây để giới thiệu các sản phẩm dệt may, nguyên phụ liệu và dịch vụ thời trang với nguồn cung ứng đa chất liệu, có chọn lọc và đầy sáng tạo.
Để có mặt tại Hội chợ Première Vision 2022, các sản phẩm của những doanh nghiệp đến từ 3 miền ở Việt Nam như: Tổng công ty may Bắc Giang, Công ty dệt may Thiên An Phú, Công ty may mặc Phương Đông, Công ty cổ phần thời trang thể thao Giao Thủy, Công ty dệt may thời trang Thái Hòa... đều phải qua khâu thẩm định của cơ quan chứng nhận danh tiếng Bureau Veritas. Theo đó, hàng hóa của các doanh nghiệp tham dự hội chợ đều đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm.
Gian trưng bày của Tổng công ty May Bắc Giang đón nhiều khách quốc tế ngay từ lúc khai trương hội chợ.
Tham dự lễ khai trương các gian hàng Việt Nam tại hội chợ ngày 5/7 có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm; Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt Nam Adam Koulaksezian; Trưởng Ban phát triển kinh doanh quốc tế của Premier Vision 2022 Yvan Dacquay; Trưởng Bộ phận xúc tiến đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Đào Quốc Cương cùng đại diện của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai trương khu trưng bày Việt Nam, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao sự hiện diện thật ấn tượng của các sản phẩm may mặc Việt Nam. Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, sự tham dự của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại Premiere Vision 2022, với sự hỗ trợ của VITAS và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt-Pháp, là vô cùng ý nghĩa và thực chất, thể hiện sự quyết tâm cũng như mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và nhu cầu hợp tác của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với Pháp và quốc tế nói riêng.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020 là nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư lâu dài, ổn định của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp dệt may nói riêng trong việc chinh phục thị trường Pháp và EU trong thời gian tới.
Các hoạt động thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Pháp có ý nghĩa quan trọng hướng tới năm 2023, năm đánh dấu mốc 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Khách hàng quốc tế rất ấn tượng với các sản phẩm dệt may của Việt Nam vì đa dạng về mẫu mã, phù hợp xu thế hiện đại, với chất liệu thân thiện môi trường và đạt chất lượng cao tiêu chuẩn quốc.
Ông Adam Koulaksezian, Giám đốc điều hành CCIFV, cho rằng hội chợ là một hoạt động rất quan trọng đối với ngành thời trang, dệt may thế giới sau 2 năm ngưng trệ do đại dịch. Ông khẳng định sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam rất được hoan nghênh, với các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Ban Giám khảo về kỹ thuật và sự sáng tạo. Do vậy khu trưng bày Việt Nam được kỳ vọng sẽ tỏa sáng và thu hút sự quan tâm của khách hàng Pháp và quốc tế. CCIFV sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu, qua đó thúc đẩy giao thương.
Chia sẻ với Ban Tổ chức hội chợ và khách hàng quốc tế, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực VITAS cho biết, với hơn 3 triệu nhân công trong các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ thương mại trên toàn quốc, ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực và đạt tốc độ phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua với doanh số đạt hơn 40 tỷ USD mỗi năm. Để có được kết quả này, bên cạnh các giải pháp đa dạng khác thì phải kể đến các hoạt động xúc tiến thương mại và tham gia tích cực của ngành dệt may Việt Nam trong các hội chợ triển lãm ở nhiều nước. Hiện nay, ngoài các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU là một thị trường lớn và tiềm năng, nhưng là một thị trường khó tính, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có sự thâm nhập tốt.
Ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của các sự kiện như hội chợ Première Vision 2022 đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu khách hàng châu Âu. Việc tham dự Première Vision thể hiện định hướng mới của VITAS trong việc tham dự vào hội chợ có đẳng cấp cao hơn. Ban Tổ chức đặt ra tiêu chuẩn rất cao đối với các sản phẩm trưng bày và giới thiệu tại hội chợ này. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây cho thấy các sản phẩm dệt may của Việt Nam ngày càng đáp ứng thị hiếu cũng như yêu cầu chất lượng và cả các quy định quốc tế về môi trường.
Ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu trong năm 2022 xuất khẩu đạt 43,5-44 tỷ USD, cố gắng duy trì tốc độ trăng trưởng, tập trung chủ yếu vào phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may. Thị phần của Việt Nam tại châu Âu được kỳ vọng có thể tới 20-30% trong thời gian tới.
Cũng như các nhà trưng bày quốc tế có mặt tại hội chợ, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Première Vision là điểm hẹn có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm bạn hàng, đối tác trong bối hoạt động thông thương đang hồi phục mạnh mẽ. Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May Bắc Giang (LGG) cho rằng sự diện diện của các sản phẩm Việt Nam tại những sự kiện quốc tế như hội chợ này sẽ giúp tạo dựng thương hiệu tốt hơn, đưa vị thế dệt may của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Premier Vision 2022 là sự kiện lớn của ngành công nghiệp dệt may thời trang uy tín nhất tại Pháp và thế giới thu hút sự tham gia của hơn 1200 nhà trưng bày quốc tế tại 5 khu: trang phục thường ngày, thời trang công sở, thời trang thể thao, trang phục denim và áo khoác.
Bà Chu Thị Thu Thủy chia sẻ, LGG rất tự hào là một trong những doanh nghiệp đại diện của Việt Nam có mặt tại hội chợ lớn như thế này của thế giới tại Paris. Không gian ở đây rất chuyên nghiệp, tập trung rất nhiều nhãn hàng và nhà sản xuất lớn. Mong muốn của LGG lần này là mở rộng các cơ hội hợp tác quốc tế. Thế mạnh của LGG là các loại áo khoác. LGG có hơn 8.000 nhân lực, luôn sẵn sàng với các cơ hội hợp tác. Nhà máy của LGG cũng được đánh giá cao với những chứng chỉ xanh phát triển bền vững. Những sự kiện quốc tế như hội chợ này tạo điều kiện cho LGG nói riêng và các doanh nghiệp trong nước nói chung bước ra một sân chơi mới, đẳng cấp hơn, chuyên nghiệp hơn, để mang nhiều lợi ích, giá trị và sự tự hào cho người Việt Nam hơn.
Trong 3 ngày diễn ra hội chợ, có 6 buổi trình diễn thời trang, cùng các hoạt động quảng bá sản phẩm và hội thảo. Hội chợ này được xem như là nơi giao thoa của toàn bộ ngành công nghiệp thời trang quốc tế trong lĩnh vực sợi, vải, da, thiết kế, phụ kiện và quần áo. Có hàng nghìn chuyên gia từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đến chia sẻ ý tưởng và tạo ra những bộ sưu tập mới.
Hội chợ Première Vision là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm, đồng thời tiếp cận, gặp gỡ các khách hàng tiềm năng, tìm hiểu xu thế tiêu dùng cũng như xu hướng thời trang trên thị trường Pháp và EU.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan